Dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên cân nhắc nghỉ việc
- Trúc Nhi
- •
Công việc chiếm một phần ba cuộc đời mỗi người và có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Do đó, sự không hài lòng trong công việc có thể gây ra căng thẳng và làm giảm chất lượng cuộc sống. Nhà tâm lý học Kendra Cherry cho rằng, nếu công việc của bạn xuất hiện những dấu hiệu sau đây và nếu có điều kiện, đừng ngần ngại, hãy nghỉ việc ngay!
Chưa sử dụng hết kỹ năng của mình
Một công việc thiếu thử thách là điều bạn nên cân nhắc từ bỏ, vì tiếp tục ở lại có thể hạn chế tiềm năng phát triển và dẫn đến cảm giác tự mãn hoặc thất vọng. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đã đề xuất cơ hội phát triển các kỹ năng mới, nhưng những yêu cầu này lại bị quản lý hoặc lãnh đạo cấp cao từ chối.
Thiếu cơ hội phát triển
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (American Psychological Association), 91% người tham gia khẳng định rằng những cơ hội như học hỏi và phát triển trong công việc được xem là vô cùng quan trọng. Nếu công việc của bạn rơi vào tình trạng bế tắc, không mang lại cơ hội mới hoặc không giúp bạn phát triển bản thân, đó là dấu hiệu rõ ràng để bạn nên cân nhắc nghỉ việc. Một công việc thiếu sự thay đổi và thử thách sẽ khiến bạn mất động lực, dẫn đến sự trì trệ và không hài lòng.
Không theo đuổi đam mê của mình
Khi bạn thực sự đam mê công việc của mình, nó mang lại cảm giác có mục đích và sự thỏa mãn lớn hơn. Điều này thường dẫn đến năng suất cao hơn, kết quả tốt hơn, và đôi khi bạn cảm thấy như mình thậm chí không ‘đi làm’. Thiếu đam mê có thể khiến công việc trở nên đơn điệu, giống như một nhiệm vụ lặp đi lặp lại hơn là một sự nghiệp. Bạn cũng có thể cảm thấy rằng mình đang lãng phí tiềm năng khi không sử dụng kỹ năng của mình cho điều gì đó bạn thực sự đam mê. Nếu bạn không tìm thấy sự hứng thú trong công việc hiện tại hoặc trong sứ mệnh của công ty, hãy cân nhắc tìm kiếm một vị trí khác.
Mâu thuẫn với giá trị đạo đức cá nhân
Nếu ông chủ yêu cầu bạn thỏa hiệp với các giá trị cá nhân hoặc thực hiện những hành động phi đạo đức, đây là lúc bạn nên xem xét việc nghỉ việc. Nhà trị liệu toàn diện Jenny Flora Wells ở California cho biết khi bạn phải đối mặt với những hành vi phi đạo đức tại nơi làm việc, bạn sẽ cảm thấy niềm tin của mình không còn tương đồng với ông chủ hoặc nhận thấy các hành động sai trái giữa đồng nghiệp. Những trải nghiệm này sẽ gia tăng căng thẳng và lo âu, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc hàng ngày của bạn.
Ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc của bạn
Mọi người đều phải đối mặt với những thách thức tâm lý và cảm xúc, nhưng nếu công việc của bạn đặc biệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đó là dấu hiệu rõ ràng rằng bạn nên tìm kiếm một công việc khác. Cảm giác căng thẳng, lo âu và không vui kéo dài tại nơi làm việc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến bạn kiệt sức.
Không có hứng thú và động lực
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm hứng thú với công việc thì bạn cần tự hỏi lý do vì sao vẫn gắn bó với nó. Các chuyên gia nghề nghiệp cho rằng bạn nên xem xét việc rời bỏ công việc nếu cảm giác chán nản và trống rỗng kéo dài.
Môi trường làm việc không lành mạnh
Môi trường làm việc không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Ví dụ cách quản lý mang tính trừng phạt, kiểm soát quá mức, sự ngờ vực và thiếu trung thực từ lãnh đạo cấp cao, bêu xấu hoặc quấy rối nhân viên trước công chúng, và giao tiếp kém hiệu quả. Những dấu hiệu của môi trường không lành mạnh thường bao gồm tỷ lệ nghỉ việc cao, các triệu chứng về thể chất khi đi làm, nhân viên không dám nói thật vì sợ bị trả đũa, và nhiều biểu hiện khác. Nếu bạn thấy mình trong tình huống này, hãy cân nhắc tìm kiếm một công việc mới.
Bạn không còn khả năng hoàn thành công việc
Dù lý do là bệnh tật, thay đổi trong cuộc sống cá nhân, hay thay đổi về cấu trúc trong tổ chức, nếu bạn không thể hoàn thành trách nhiệm công việc, bạn nên cân nhắc nghỉ việc. Việc tiếp tục làm việc khi khả năng thực hiện nhiệm vụ bị ảnh hưởng có thể khiến bạn dễ bị chấm dứt hợp đồng. Ngoài tác động tài chính tức thì, việc bị sa thải còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tìm việc ở nơi khác.
Bạn sợ phải đi làm
Cảm thấy tiếc nuối khi cuối tuần kết thúc hoặc mong đợi kỳ nghỉ là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy chán nản khi nghĩ đến công việc hoặc khó ngủ vì lo lắng về ngày làm việc sắp tới, có lẽ đã đến lúc cân nhắc nghỉ việc. Dù công việc không phải lúc nào cũng mang lại cảm giác hài lòng và vui vẻ, nhưng bạn vẫn nên cảm thấy thoải mái khi ở đó. Khi bạn dành phần lớn thời gian mỗi ngày ở nơi làm việc, và thời gian nghỉ ngơi lại dùng để lo lắng về việc quay lại, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Mọi thứ đều có vẻ quá sức chịu đựng
Công việc có thể gây căng thẳng nhưng nếu bạn cảm thấy quá tải hoặc lo lắng dù chỉ một vấn đề nhỏ xuất hiện thì đó có thể là dấu hiệu bạn đang tiến tới tình trạng kiệt sức. Ngoài ra, nếu các dự án hoặc nhiệm vụ công việc từng mang lại cho bạn niềm vui giờ đây lại trở nên căng thẳng hoặc nặng nề thì đó có thể là dấu hiệu bạn đang làm việc quá sức.
Những cân nhắc trước khi nghỉ việc
Nếu bạn cho rằng nghỉ việc là quyết định tốt nhất, hãy cân nhắc đến mốc thời gian của bạn. Tốt nhất là bạn nên chắc chắn mình đã có một cơ hội khác trước khi nộp đơn xin nghỉ việc. Mặc dù mỗi tình huống nghỉ việc đều mang tính cá nhân và phức tạp, nhưng việc tìm một công việc mới trước khi nghỉ việc sẽ giúp giảm thiểu rủi ro mất thu nhập và phúc lợi cũng như có khoảng trống việc làm trong sơ yếu lý lịch của bạn.
Mặc dù quyết định nghỉ việc không phải là điều lý tưởng, nhưng việc suy ngẫm về trải nghiệm có thể giúp bạn tìm được sự phù hợp để tiến về phía trước. Khi bạn bắt đầu tìm kiếm việc làm, hãy dành thời gian để quyết định xem bạn muốn gì ở một công việc, công ty và con đường sự nghiệp.
Từ khóa Nghỉ việc