Sinh ra ở một vùng quê nghèo tại Missouri (Mỹ) trong cuộc Đại suy thoái, Sam Walton đã vươn lên trở thành ông chủ của tập đoàn bán lẻ số 1 thế giới Walmart. Vậy điều gì đã giúp ông làm được điều này?

Tuổi thơ khó khăn, Sam Walton nhận thức vai trò của mình là phải hỗ trợ chứ không được dựa dẫm vào gia đình nên ông đã bắt đầu đi đưa báo từ lúc 8 tuổi cho đến khi vào đại học. Trong thời gian học đại học, ông đã trải qua rất nhiều nghề để nuôi sống bản thân và trang trải học phí. Cuộc đời vất vả từ nhỏ đến lúc trưởng thành khiến ông hiểu được giá trị sâu sắc của đồng tiền. Bạn phải làm việc chăm chỉ mới kiếm được một đồng đô la và khi bạn lao động thì bạn xứng đáng được hưởng một cái gì đó.

Chính điều này đã hình thành bản tính tiết kiệm của Sam Walton và trở thành triết lý kinh doanh của Walmart. Mỗi khi Walmart tiêu một đồng đô la một cách không thích đáng, thì đó chính là đồng đô la lấy từ túi của khách hàng.

Dưới đây là bí quyết và cũng là phong cách tạo nên thành công trong kinh doanh của Sam Walton:

1. Yêu công việc của mình

Sam Walton biết rằng ông không hoàn hảo và công việc kinh doanh của ông không phải lúc nào cũng như ý. Nhưng niềm tin tuyệt đối và đam mê sâu sắc đối với công việc giúp ông vượt qua mọi thử thách. Con người sinh ra không có sẵn khát khao, thậm chí đến 30 tuổi bạn cũng không chắc mình muốn làm gì. Nhưng điều khiến bạn thấy vui thích khi làm, ngày qua ngày đều thấy dồi dào ý tưởng, thì dù là một sở thích “kỳ quặc”, đó vẫn là công việc phù hợp với bạn.

Chỉ đơn thuần tập bơi lội để khỏe người, có ai ngờ bạn sẽ trở thành vận động viên quốc gia? Sam Walton cho rằng khát vọng là cái có thể học tập và rèn luyện được. Ông chỉ có một mục tiêu và toàn tâm toàn ý tập trung vào việc thực hiện mục tiêu của mình. Khi theo đuổi niềm đam mê, chắc chắn bạn sẽ thành công. Dù bạn làm trong lĩnh vực ngành nghề nào thì bạn cũng sẽ trở thành một người thành thạo và sẽ là một chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Walmart
(Ảnh: Shutterstock)

2. Công bằng với nhân viên

“Không những quan tâm tới khách hàng, bạn còn phải để tâm đến các cửa hàng và nhân viên của mình. Bạn phải thuê được những nhân viên có quan điểm đúng đắn. Nếu bạn muốn mọi nhân viên quan tâm đến khách hàng thì bạn phải đảm bảo rằng bạn đã quan tâm tới họ. Đó là một phần quan trọng nhất đã làm nên thành công của Wal-Mart” – Trích trong cuốn “Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ của Sam Walton”.

Tất cả mọi nhân viên đều là thành viên trong gia đình Walmart. Sam Walton trả lương sòng phẳng và đúng hẹn cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, công ty luôn đặt ra các mục tiêu cao để tạo ra môi trường cạnh tranh, cùng thước đo ghi nhận kết quả rõ ràng và công minh. Nhân viên càng biết nhiều, thì họ càng hiểu rõ công việc. Họ càng hiểu, thì họ sẽ càng cẩn thận hơn, có trách nhiệm hơn. Vậy nên bạn cần sống chan hòa với nhân viên. Khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người cùng sẵn sàng nỗ lực, phát triển.

Năm 1975, trong chuyến công tác tới Hàn Quốc, Walton đã sáng tác bài hát riêng cho Walmart có tên là “Wal-Mart Cheer” để cổ động tinh thần làm việc của nhân viên. Bài ca vẫn được lưu truyền rộng rãi trong Walmart cho tới ngày nay.

Ông trao cho nhân viên cơ hội thành công bằng cách cho phép họ có quyền mua cổ phiếu của Walmart tại thời điểm giảm giá. Ông đối xử với nhân viên như là những người cộng sự và muốn họ cũng có được một phần thành công của Walmart.

Walmart
(Ảnh: Unsplash)

3. Đảm bảo thỏa mãn khách hàng

Theo ông Walton: “Chỉ có duy nhất một ông chủ, đó là khách hàng. Anh ta có thể sa thải bất cứ ai, từ chủ tịch tới nhân viên, bằng cách tiêu tiền ở nơi khác”. Xuất phát từ quan điểm trên, ông Walton luôn đáp ứng trên mức mong đợi của khách hàng, đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm khiến họ hài lòng nhất, với mức giá phải chăng nhất.

Trong cuốn “Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ”, Sam Walton chia sẻ: “Bí quyết thành công của một người bán lẻ hàng hóa là phải mang lại cho khách hàng những điều mà họ muốn. Nhưng như vậy chưa đủ, để trở thành xuất sắc, khách hàng phải được hưởng nhiều hơn cái họ chờ đợi. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để xem họ muốn gì: Hàng hóa chất lượng tốt và phong phú? Giá thành thấp nhất? Độ tin cậy tối đa? Dịch vụ tận tình? Giờ giấc thuận tiện? Nơi đỗ xe miễn phí? Tất nhiên, khi họ thấy yên tâm, họ sẽ tiếp tục tới cửa hàng. Còn ngược lại, cũng sẽ dễ hiểu nếu chúng ta không bao giờ gặp lại những khách hàng không được thỏa mãn nhu cầu”.

khach hang
(Ảnh: Unsplash)

4. Hiểu khách hàng là giúp chính mình

Khi vào quầy bia ở siêu thị, bạn sẽ thấy xung quanh gồm nước ngọt, nước khoáng, các loại trà… Nhưng Walmart lại có tư duy xếp hàng hóa khác hẳn. Bên cạnh quầy bia sẽ là quầy bỉm. Nghe thì có vẻ không liên quan, nhưng cách sắp xếp theo nhu cầu thực tế này đã giúp doanh thu của Walmart tăng chóng mặt. Bạn hãy tưởng tượng ra một ông bố được vợ nhờ đi mua đồ cho con. Chắc chắn người bố sẽ ngay lập tức đến quầy bỉm, mua nhanh rồi đi về. Nhưng quay sang bên cạnh lại thấy món bia yêu thích, vậy thì mua thêm vài lon bia có ảnh hưởng gì đâu. Cách làm này giúp cửa hàng bán thêm nhiều đồ và cũng khách hàng thấy hứng thú hơn khi đi mua sắm. Logic xếp đồ đặc biệt của Walmart đã được xuất bản thành một bộ sách hoàn chỉnh để những người kinh doanh siêu thị tham khảo và học hỏi.

kinh doanh 1
(Ảnh: Unsplash)

Minh Minh

Xem thêm: