Đối nhân xử thế: 3 điều không nên nói, 3 điều không làm, 3 người không nên kết giao
- Minh Tâm
- •
Ngay cả khi đàm luận về đạo lý căn bản làm người, đạo đối nhân xử thế, xưa nay người ta đều tuyệt đối không thể xem nhẹ những lời giáo huấn của người đi trước. “3 điều không nên nói, 3 điều không làm, 3 người không nên kết giao” này cũng vậy.
3 điều không nên nói
1. Không nên tiết lộ hay vạch trần khuyết điểm của người khác.
Người xưa từng nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”.
Trong “Thái căn đàm” có câu: Không trách lỗi nhỏ của người khác, không vạch trần tư lợi của người khác, không nghĩ đến điều xấu cũ của người khác. Ba kiểu người này có thể dưỡng đức, cũng có thể trả nghiệp!
Cho dù hiểu thấu một người đến đâu cũng không cần phải nói ra tất cả, hãy giữ lại một con đường lui cho đối phương, cũng là cho bản thân một khoảng trời.
Ai trong chúng ta cũng sẽ có điểm yếu và nỗi đau không muốn người khác chạm vào. Do đó, nếu bạn nói những lời chạm đến những điểm này thì chỉ làm đối phương căm ghét bạn, thậm chí gây ra những bất hòa không đáng có giữa hai bên, cuối cùng hại người hại mình. Khi bạn có thể tôn trọng và giữ thể diện cho đối phương, tương tự, họ cũng dùng thái độ khiêm nhường và tôn trọng để đối đãi với bạn.
2. Không nên nói những lời khoa trương về bản thân
Những lời từ miệng người khác khen ngợi, tán dương thì gọi là danh tiếng, những những lời tự đề cao bản thân thì gọi là khoe khoang.
Tục ngữ có câu: Trời không nói tự cao, đất không nói tự dày. Người thực sự có học thức và tu dưỡng thì không cần phô trương.
3. Không nói những lời vô nghĩa
Tử Cầm từng hỏi người thầy Mặc Tử của mình rằng, nói nhiều hơn có giúp ích gì không?
Mặc Tử nói: Cóc và muỗi cứ kêu suốt ngày đêm, kêu đến mức miệng khô khốc, nhưng ai sẽ nghe chúng? Hãy nhìn con gà trống, bình minh gáy đúng giờ, giúp con người dậy sớm.
Khổng Tử từng nói: “Phu nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trung”. Ý nghĩa là một người có thể không cần nói, nhưng nếu nói ra thì cần phải đúng trọng tâm. Đừng nói những điều vô nghĩa, bởi vì có nói nhiều cũng vô ích mà thôi.
Lời nói ngắn gọn súc tích mà ý nghĩa sâu sắc chính là biểu hiện của cảnh giới, nếu lúc nào cũng thao thao bất tuyệt trái lại trở nên vô duyên. Chỉ cần nói đúng điều nên nói vào đúng thời điểm, đúng người và đúng sự việc là đủ rồi.
Ba điều không nên làm
1. Không nên đi “đường tắt”
Tăng Quốc Phiên tin rằng, ông đã được hưởng lợi từ việc không đi đường tắt. Chẳng hạn, khi ông đang chiến đấu, quân Hồ Nam đi đến đâu đều dựng trại, biến nhiệm vụ tấn công thành nhiệm vụ phòng thủ, từng bước chiếm khu vực do địch kiểm soát. Quân Hồ Nam thường dành cả năm để tấn công thành phố thay vì vài ba tháng, bằng cách đào chiến hào và bao vây thành, cắt đứt đường lương thực và tiếp tế của kẻ thù, họ sẽ bao vây kẻ thù và chiến đấu để viện trợ khi cần thiết. Phương pháp tuy rằng chậm chạp, không linh hoạt, nhưng lại vô cùng hiệu quả.
2. Không nên làm việc hại người
Số phận của kẻ ác thường là “bắt đầu bằng việc làm hại người khác và kết thúc bằng việc làm hại chính mình”. Vì thế mà người xưa hay nói câu: “Hại người, hại mình”.
3. Không nên tham lợi
Những người tham lam thường dễ bị tổn thất lớn, bởi vì trên đời không có bữa trưa nào miễn phí, cũng không có lợi ích tự nhiên mà có được. Nhiều kẻ lừa đảo thường lợi dụng lòng tham của mọi người để đạt được mục đích của mình.
Người quá tham lam thường dễ bị rơi vào bẫy kẻ gian, cái được lại chẳng bỏ cho cái mất. Hơn nữa, những người tham lợi dễ làm cho mọi người chán ghét, vì thế mà đánh mất nhiều cơ hội trong tương lai.
Người xưa hay nói, chịu thiệt là phúc, đôi khi chịu thiệt hại lại là một lợi thế, có thể giúp bạn có được nhiều hơn trong tương lai.
Khi nói đến lợi ích, có những lợi ích bề mặt mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng có những lợi ích thì vô hình thì không phải ai cũng có thể thấy được. Nếu muốn nhận được phúc báo thì trước tiên hãy học cách cho đi nhiều hơn.
Ba người không nên kết giao
1. Người lạnh nhạt với người thân
Kiểu người này bản chất lòng dạ sắt đá, tàn nhẫn lạnh lùng.
Ví như vào thời Xuân Thu, Quản Trọng đã phụ tá cho Tề Hoàn Công, làm cho Tề Quốc hùng cường thịnh vượng. Khi Quản Trọng sắp chết, Tề Hoàn Công đến bàn bạc với ông xem ai có thể thay thế Quản Trọng quản lý đất nước trong tương lai.
Tề Hoàn Công tin rằng Dịch Nha, Thụ Đao và Khải Phương trung thành với mình. Dịch Nha từng lấy con trai mình làm món ăn cho Tề Hoàn Công; Thụ Đao tự thiến mình và trở thành thái giám hầu hạ Tề Hoàn Công. Khải Phương vốn là Thái tử của Vệ Quốc, ông đã đã từ bỏ vị trí Thái tử Vệ Quốc mà đến Tề Quốc để hầu hạ Tề Hoàn Công trong 15 năm, cho dù cha ruột chết vì bệnh, ông không về nhà thăm.
Quản Trọng nói, một người thậm chí còn không yêu chính mình hoặc người thân nhất của mình thì làm sao có thể thực sự yêu quân vương, nhất định phải tránh xa 3 người này.
Sau khi Quản Trọng chết, Tề Hoàn Công rốt cuộc vẫn trọng dụng 3 người này, kết quả là 3 người này nổi loạn, Tề Hoàn Công chết đói trong cung.
2. Người đặt nặng lợi ích
Tăng Quốc Phiên nói: Nếu bạn làm việc với người ham lợi, tất sẽ bị liên lụy.
Trên đời luôn có một số người chỉ quan tâm đến lợi ích, vì thế mà muốn lợi dụng người khác, hơn nữa, chỉ vì lợi ịch mà họ thậm chí còn có thể phản bội bạn bè.
Trong cuộc sống, nếu kết giao với kiểu người này, bạn có thể sẽ là đối tượng bị bòn rút và lợi dụng. Tất nhiên, người này cũng sẽ bỏ công sức ra, nhưng những cái họ bỏ ra bao giờ cũng sẽ nhỏ hơn lợi ích mà bản thân mình đạt được. Kiểu người này đương nhiên không nên kết giao.
3. Người không giữ chữ tín
Khổng Tử nói rằng: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, hàm ý là người mà không có chữ tín sẽ không có chỗ sinh tồn.
Trong cuộc sống, sống chung với người không giữ chữ tín giống như một cơn ác mộng, đặt niềm tin vào những người như vậy thì thật vô nghĩa, kết quả là phải ôm vào mình một mớ thất vọng!
Điều quan trọng nhất ở một người bạn là sự chân thành, những khuyết điểm khác của họ đều có thể được tha thứ được. Nhưng nếu họ không trọng chữ tín, không giữ lời khiến người ta không thể phân biệt được câu nào đúng câu nào sai thì tốt hơn hết bạn nên giữ khoảng cách họ.
Từ khóa đối nhân xử thế Kết giao