Con người sống trên đời có 6 điều không nên tranh
- An Hòa
- •
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”, nghĩa là vì không tranh giành cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình. Con người sống trên đời sẽ không thể tránh được có lúc tâm bất bình, khí không thuận. Nhưng không phải hết thảy sự tình gì cũng đáng giá để chúng ta tranh giành hơn thua. Một người so đo tính toán sẽ không thể trở thành người đại lượng, người biết nhìn xa trông rộng sẽ không tranh không đoạt, nội tâm luôn tường hòa điềm tĩnh. Thế sự hỗn loạn, đến đi vô thường, có thể làm được 6 điều không tranh dưới đây chính là trí tuệ, cũng là tu hành.
Không tranh với Trời Đất là sáng suốt
Con người sinh tồn giữa trời đất, dựa vào tạo hóa của Thiên thượng và đức dày của Đất mà sinh sôi nảy nở, cho nên con người phải biết kính sợ Trời Đất, thuận theo Thiên lý. Cổ nhân giảng Thiên nhân hợp nhất. Nếu con người đi ngược lại với Thiên lý thì nhất định sẽ không có kết quả tốt đẹp.
Trời Đất tạo nên con người, có ân đức vô lượng đối với con người, vậy thì con người phải kính trọng Trời Đất, càng không được đối đầu với Trời Đất. Đó chính là điều mà cổ nhân giảng: “Thuận ý Trời thì hưng vượng, nghịch ý Trời thì diệt vong”.
Nhân sinh khổ đoản, bất luận là số mệnh giao phó cho chúng ta cuộc sống như thế nào cũng đều phải quý trọng. Một người chỉ có sống thuận theo Thiên mệnh thì cuộc đời mới an tường. Trong được có mất, trong mất cũng có được, không cưỡng cầu mới là thu hoạch lớn nhất đời người, là thái độ sống của người sáng suốt.
Không tranh với cha mẹ là hiếu thuận
Tục ngữ nói: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Phát ngôn ra những lời nói cay nghiệt trong lúc bực tức chỉ khiến người ta hả giận nhất thời nhưng trên thực tế lại hiển lộ rõ ra nhân phẩm của bản thân. Những người thực sự có hàm dưỡng sẽ không tùy tiện khắc khẩu, cũng không vì một chút việc nhỏ mà nói lời tổn thương người khác, đặc biệt là cha mẹ mình.
Cha mẹ là những người thân thiết nhất với mỗi người chúng ta. Nhưng chính vì họ là những người thân thiết nhất, che chở bao bọc chúng ta nhất nên chúng ta dễ dàng tranh cãi với họ khi có điều không vừa lòng. Điều này thực sự là không nên.
Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu. Dù cha mẹ có là người như thế nào thì là phận con cái cũng phải thành tâm tôn kính. Chúng ta phải thời khắc ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nói những lời thiếu suy nghĩ sẽ khiến cha mẹ đau lòng, khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngày càng xa hơn. Đến lúc “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn” thì lúc đó đã quá muộn rồi, dù hối hận cũng không còn kịp nữa.
Không tranh với bạn đời là thấu hiểu
Tục ngữ nói: “Không phải người một nhà, không vào chung một cửa”, “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân”. Nhưng trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, lục đục. Trong lúc tranh cãi ấy thì ai cũng sẽ cho là mình có lý. Kỳ thực, khi vợ chồng bắt đầu tranh cãi thì ai cũng đều đã không có lý rồi.
Khi vợ chồng hình thành nên gia đình thì tự nhiên sẽ hình thành nên mối quan hệ có tôn ti trật tự. Hai bên đều phải khoan dung và nhẫn nhịn, mỗi bên đều có nghĩa vụ chia sẻ, giúp đỡ đối phương, không được đòi hỏi đối phương phải tuân theo kỳ vọng để thoả mãn yêu cầu của mình. Thấu hiểu được điều ấy vợ chồng sẽ giảm thiểu được tranh cãi, gia đình yên ấm hơn.
Không tranh với người thân là hòa khí
Trong sách “Đệ Tử Quy” viết: “Tài vật khinh, oán hà sinh, ngôn ngữ nhẫn, phẫn tự mẫn”. Nếu anh chị em trong một gia đình mà không ai tham lam tài vật thì giữa anh chị em nhất định sẽ không xảy ra oán hận nào cả. Còn đối với những lời nói không thỏa đáng mà anh chị em có thể khoan dung nhường nhịn, bỏ qua được cho nhau thì phẫn hận tự nhiên cũng sẽ tiêu tan, hòa khí được lâu dài.
Trong một gia đình, anh chị em nhường nhịn nhau thay vì tranh giành thì không chỉ khiến không khí gia đình vui vẻ thoải mái mà còn khiến cha mẹ yên lòng. Bởi vậy, anh em hòa thuận, yêu thương che chở cho nhau cũng là một cách thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Không tranh lợi ích với bạn bè là khoan dung
Cổ ngữ nói: “Người chết vì tiền, chim chết vì mồi”. Không ít người vì tranh giành lợi ích mà khiến cho tình bạn tan vỡ. Giữa bạn bè, điều quan trọng nhất là có thể thông hiểu lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, chân thành nguyện ý vì đối phương mà cho đi. Xưa kia, cổ nhân vì bạn bè mà không tiếc sinh mạng của mình, bởi vậy nhường nhịn bạn bè một chút lợi ích cũng là điều nên làm.
Nếu một người có tâm danh lợi quá nặng, luôn vì lợi mà kết giao thì sẽ không có tình nghĩa. Người như vậy làm gì cũng suy tính thiệt hơn, muốn phần lợi về mình nên sẽ khiến người khác chán ghét mà xa lánh. Giữa người với người, quen biết là duyên, có thể ở bên nhau lâu dài hay không lại phụ thuộc vào thái độ ứng xử và tấm lòng khoan dung lẫn nhau. Đôi bên bạn bè đều vô tư vô lợi, khoan dung lẫn nhau thì sẽ được lâu dài.
Không tranh danh với người khác là tự biết mình
Lòng người vốn là tham lam, còn công danh lại là thứ vô chừng mực, đến đi vô thường. Nếu một người trước sau đều bị cái danh ràng buộc thì không thể kiên định trong làm người làm việc được.
Mỗi người đều muốn mình có được danh tiếng tốt nhưng lại không biết rằng cho dù là danh tiếng tốt cũng có thể biến thành gông xiềng trói buộc chính mình. Đó chính là đạo lý mà cổ nhân dạy: “Đức không xứng vị tất có tai ương”. Một người chỉ có coi hư danh như mây bay mới là trí giả chân chính.
Khi một người rời xa vòng xoáy tranh danh đoạt lợi thì sẽ không vì hư danh mà lãng phí thời gian, tâm sức của mình, vận tốt cũng không cầu mà tới. Thành công lớn nhất của một người không phải là mù quáng tranh danh đoạt lợi mà là có thể có được loại năng lực tự nhận biết mình. Người tự biết mình thì sẽ làm chủ được mình, vui với cuộc sống của mình, không vì mất mà buồn, không vì được mà vui.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Trí tuệ cổ nhân: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
- Nhẫn nại thể hiện trí huệ, khiêm nhường thể hiện tầm nhìn
Mời xem video:
Từ khóa Thiên ý hiếu thuận tranh giành tranh đấu