Câu chuyện về ngôi nhà truyền thống của người dân đảo Jeju
Là hòn đảo lớn nhất nhưng lại là tỉnh nhỏ nhất trong 9 tỉnh của Hàn Quốc, nhưng cuộc sống của người dân Jeju ẩn chứa trong mình một sức sống bền bỉ và khác biệt mà có lẽ những du khách từ nơi khác tới ít nhiều phải tỏ lòng ngưỡng mộ, nể phục.
Người ta nói ở Jeju có Ba cái nhiều – “tam Đa”: Nhiều đá, nhiều gió, và nhiều phụ nữ. Là vùng đất của núi lửa; đá nham thạch xuất hiện khắp nơi của Jeju và là dấu ấn dễ nhận thấy trong đời sống người dân. Họ lấy đá làm nhà, làm tường rào, và tạc tượng Bà nội. Những ngôi nhà bằng đá vững chãi, được lợp mái rơm và nẹp tre chắc chắn để chống chịu lại bốn mùa gió lộng từ đại dương thổi vào đảo không trừ một ngày nào trong năm.
Là vùng đất khắc nghiệt, chịu nhiều thiệt thòi khi bốn bề là biển, là đá, những người phụ nữ ở Jeju trở thành những tượng đài của sức sống trên đảo khi những người đàn ông bỏ mạng trong những cuộc chiến chinh hay phiêu du mưu sinh nơi đất khách.
Những ngôi làng dần dần trở nên chỉ toàn phụ nữ, họ chăm chỉ, kiên cường sống cùng sóng, cùng gió, và chung thuỷ đến cùng với Jeju. Làm việc quần quật từ lúc mặt trời mọc cho đến khi khuất bóng hoàng hôn, vừa là cột trụ kinh tế, vừa chăm sóc cho gia đình – con cái. Cứ như vậy cho đến lúc lìa đời. Bây giờ phụ nữ ở Jeju vẫn vậy, những nghề nặng nhọc như lái xe hay giao hàng, vẫn thấy bóng dáng những người phụ nữ… thầm lặng, cần cù và bền bỉ như bà, như mẹ, và những thế hệ tổ tiên của họ.
Người Jeju tự hào với ba cái Không: Không trộm cắp, Không ăn xin, và nhà Không có cổng. Sự chăm chỉ truyền đời của người dân Jeju là thứ kháng sinh mạnh mẽ chống lại mọi mầm mống của sự lười biếng và tệ nạn, do đó trộm cắp và ăn mày không có đất sống ở đây.
Lối vào ngôi nhà ở Jeju rất đơn giản, không cổng, không có khoá, chỉ có ba chiếc sào gỗ vắt ngang với những ý nghĩa rất thú vị đằng sau về sự giao tiếp hình tượng của người dân nơi đây. Nếu cả ba chiếc sào đều gác lên (luồn qua 3 lỗ tròn trên trụ hai bên) tức là chủ nhà đang đi vắng lâu ngày; 1 chiếc sào được bỏ xuống tức là chủ nhà đi vắng qua đêm hôm sau mới về, 2 chiếc sào được bỏ xuống tức là chủ nhà chỉ ra ngoài một lát, 1-2 tiếng sẽ về, còn 3 chiếc sào đều bỏ xuống tức là chủ nhà đang có ở nhà, bạn có thể vào.
Đơn giản và mộc mạc như vậy, sức sống Jeju qua ngôi nhà vẫn trường tồn ở đây tạo nên một nét văn hoá đẹp và đáng tự hào của hòn đảo đặc biệt này.
Theo Facebook Hoàng Huy
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc truyền thống Địa điểm du lịch Đảo Jeju