Giáo dục Nhật Bản: Ngày hội thể thao là sự kiện vô cùng ý nghĩa trong trường mẫu giáo
- Thanh Trúc
- •
Bài viết của tác giả người Nhật Mizuki
Trường mẫu giáo ở Nhật không chỉ dạy trẻ vui chơi mà còn xây dựng cho trẻ khả năng đối diện với thử thách, chiến thắng khó khăn.
Trường mẫu giáo nơi tôi làm việc mỗi năm đều tổ chức một ngày hội thể thao để các trẻ từ 0 đến 5 tuổi tham gia, việc này không chỉ có thể tăng hứng thú của các bé đối với thể thao, mà còn có thể xây dựng tinh thần đoàn kết, hợp tác với nhau của trẻ. Ngày hội thể thao mà chúng tôi đã chuẩn bị suốt một tháng sắp khai mạc.
Giống như ngày họp mặt gia đình, người Nhật cũng cực kỳ xem trọng ngày hội thể thao của các bé, có những gia đình có mười mấy người đến tham gia, thậm chí ông bà còn bay từ xa đến để tham gia ngày hội thể thao của các cháu và mang cả máy quay để ghi lại hình ảnh của các bé. Tuy trường mẫu giáo chỉ có khoảng 90 bé, nhưng mỗi gia đình đều có rất nhiều người đến, có khi lên đến 600 người.
Với tiếng nhạc rộn ràng, các vận động viên nhỏ tuổi bước vào trung tâm thể dục trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của mọi người. Các bé 5 tuổi vào trước, sau đó đến 4 tuổi, 3 tuổi vào theo sau, còn các bé 2 tuổi thì nắm tay mẹ cùng đi vào. Điều gây chú ý nhất là các vận động viên 1 tuổi và 0 tuổi bé bỏng được mẹ bế trong lòng, có bé còn đang ngủ say trong vòng tay mẹ, có bé thì khóc quấy, đương nhiên cũng có các bé rất ngoan không ngừng vẫy tay “cảm ơn” khiến ai nấy đều bật cười.
Sau khi làm xong nghi thức chào đón, các bé và người lớn ngồi xuống đất, tuy rất đông nhưng mọi người đều lịch sự nhường nhịn nhau xếp thành vòng tròn rất trật tự trong nhà thi đấu.
Ngày hội thể thao của trường mẫu giáo có tổng cộng 17 phần thi, ngoài những phần các bé thi với nhau ra thì giáo viên, người lớn cũng thi đấu riêng và thi đấu với các em, việc này có thể thúc đẩy tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa cha mẹ và con cái. Ngoài ra còn có những phần biểu diễn để các bé được phát huy tài năng về nhiều mặt, ví dụ như ca múa, thể thao.
Vận động viên là các bé từ 0 và 1 tuổi, phần biểu diễn này khiến các mẹ vừa bế bé vừa nhảy theo nhạc khá vất vả. Các bố thì vừa vỗ tay vừa chụp ảnh và quay phim, bận rộn mà rất vui.
Các bé 2 -3 tuổi cũng cần phụ huynh giúp đỡ khi thi đấu, ví dụ như vượt qua chướng ngại vật, sau đó hái quả “trên cây”. Thầy cô mặc trang phục và đội nón để đóng vai cái cây, trên bộ quần áo có “mọc” đầy các loại quả. Để thu hút các vận động viên nhỏ tuổi, những “cái cây” này không ngừng vẫy “cành” gọi các bé đến hái quả mà mình thích.
Có những bé rất phối hợp, chạy đến hái quả mà mình thích sau khi vượt qua chướng ngại vật, có bé thì lại bỏ qua chướng ngại vật, chạy ngay đến “cây” để hái quả, còn có những bé hoàn toàn không hề có hứng thú với hoa quả, leo được một nửa rồi lại leo về. Trong lúc thi đấu, cả hội trường đều rất thích thú, thậm chí cả các thầy cô cũng không muốn bỏ qua những khoảnh khắc đơn thuần và đáng yêu này, mọi người cùng hô to để cổ vũ các bé.
Các bé 4–5 tuổi thì đa phần đều tự mình thi đấu, ví dụ như đi cầu thăng bằng, chạy tiếp sức. Thầy cô chia các bé thành hai đội cân bằng mạnh yếu để các em giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp cùng hoàn thành một mục tiêu.
Bên cạnh đó, các thầy cô trường mẫu giáo còn chuẩn bị rất nhiều phần thi giữa bố mẹ và các con cho các bé 4–5 tuổi để các em tham gia cùng bố hoặc mẹ, đây cũng là lúc các em vui nhất. Ví dụ như có phần thi bắt phụ huynh mặc quần một ống để chạy tiếp sức, có phần thì cho phụ huynh bế con vượt qua chướng ngại vật, cũng có phần là các bé leo một nửa, sau đó phụ huynh sẽ leo. Tốc độ của các bé và người lớn quá khác, nếu chỉ lo cho bản thân thì sẽ không ngừng tụt lại, vì vậy người lớn cũng phải hỗ trợ và phối hợp với nhau. Lúc này, các bố các mẹ như quay về tuổi thơ, thậm chí còn vui vẻ hơn cả các bé.
So với các bé, thầy cô và các mẹ thi đấu yên tĩnh hơn rất nhiều, bởi vì họ đều rất ngại ngùng, dù thắng rồi thì cũng chỉ mỉm cười thôi. Thế nhưng các bố thì lại khác, mỗi lần thi xong, các bố đều vỗ tay rầm rộ, nhìn những “em bé to xác” này, mọi người đều bật cười.
Tiết mục hay nhất là phần biểu diễn ca múa của các bé 5 tuổi, lúc này mọi người đều đứng dậy, vừa vỗ tay vừa hát theo, khi mọi người nghĩ là đã kết thúc, đột nhiên một màn pháo hoa đầy sắc màu bắn ra từ giữa các bé và ngày hội thể thao kết thúc trong tiếng hoan hô của cả hội trường, tôi đã khóc lúc nào không hay.
Ngoài ngày hội thể thao, các thầy cô còn làm những việc cực nhọc hơn vì các bé, ví dụ như trồng lúa nước để các bé được trải nghiệm lao động cần cù ngay từ khi còn nhỏ, có vậy sau khi lớn lên các em mới càng dũng cảm đối diện với khó khăn. Ngoài ra, thầy cô còn phải xây dựng cho các bé tinh thần hợp tác, biết suy nghĩ cho tập thể, hy sinh một phần sức lực của mình vì mọi người, sau khi lớn lên các em mới biết chịu trách nhiệm với xã hội.
Thanh Trúc biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản Giáo dục Nhật Bản Văn hóa Nhật Bản Người Nhật