Học cách buông bỏ, rồi hạnh phúc sẽ đến
- Vương Tri Hàm
- •
Chúng ta thường níu giữ quá nhiều thứ trong đời — từ kỳ vọng, nỗi đau, quá khứ đã qua, đến cả những điều vốn dĩ chưa từng thuộc về mình. Càng nắm chặt lòng càng nặng trĩu. Nhưng rồi một ngày khi bạn đủ can đảm để buông tay, bạn sẽ nhận ra: không mất mát nào là vô nghĩa, không kết thúc nào là ngõ cụt. Buông bỏ không phải là từ bỏ, mà là mở lối cho những điều tốt đẹp hơn bước vào. Bởi đôi khi, hạnh phúc chỉ đến khi trái tim đủ nhẹ để đón nhận.
Khi biết buông, mới thật sự tự do
Trái tim con người chỉ lớn bằng một nắm tay —thật quá nhỏ bé. Nếu trái tim cứ chất đầy khổ đau và phiền muộn, hạnh phúc còn chỗ nào để trú ngụ? Chỉ khi buông bỏ những điều không vui thì trái tim mới đủ chỗ dung chứa cho niềm vui và sự an yên.
Trên hành trình đời người dẫu có yêu thương thắm thiết, của cải chất đầy hay những ký ức thấm đẫm nước mắt thì cuối cùng chúng ta vẫn phải học cách buông bỏ. Buông, để lòng nhẹ đi. Buông, để tâm được an yên trở lại. Chỉ khi bạn nhìn mọi chuyện một cách thản nhiên, thấu hiểu, không còn vướng bận trong tâm trí thì mới có thể sống ung dung tự tại và thanh thản.
Có một câu chuyện kể rằng:
Một con quạ đang ngậm miếng thịt trong mỏ. Bất ngờ, một con đại bàng lao tới truy đuổi nó từ phía sau. Quạ hoảng hốt vỗ cánh bay đi, dốc hết sức để thoát thân, miệng vẫn giữ chặt miếng mồi.
Nhưng càng bay, nó càng kiệt sức. Hơi thở gấp gáp, đôi cánh rã rời – con quạ không còn đủ sức nghĩ đến miếng thịt nữa. Và đúng lúc nó há mỏ ra để thở, miếng thịt rơi xuống. Ngay lập tức, đại bàng đổi hướng lao theo miếng thịt.
Lúc này, con quạ mới giật mình nhận ra, nếu nhả miếng thịt sớm hơn một chút thì đã không suýt bỏ mạng!
Trong cuộc sống không ít người giống như con quạ kia – bám víu vào ám ảnh, lo toan, cố chấp với quá khứ, danh lợi hay những cảm xúc tiêu cực. Họ sống một cuộc đời mệt mỏi, căng thẳng, tự đẩy mình đến giới hạn của kiệt sức.
Thế nhưng, chỉ cần chúng ta học cách buông bỏ – buông quá khứ đã qua, rũ bỏ những toan tính được – mất, và trút cả những cảm xúc khiến lòng nặng trĩu – thì mới có thể mở ra cánh cửa dẫn đến một tương lai bình yên và hạnh phúc.
Buông bỏ không phải là yếu đuối – đó là lựa chọn khôn ngoan để lòng được thảnh thơi và sống trọn vẹn hơn.
Những người từng thân yêu, những ký ức đau thương không thể ngoái nhìn, dù là niềm vui hay nỗi buồn, hết thảy đều đã thuộc về ngày hôm qua. Tự trách hay nuối tiếc cũng không thể thay đổi điều gì, bởi quá khứ là thứ chỉ có thể được hồi tưởng, chứ không bao giờ được sống lại.
Chỉ khi ta buông xuống những gánh nặng cũ kỹ ấy tâm hồn mới có thể nhẹ nhõm để bước tiếp về phía trước – nơi tương lai đang đợi ta với hy vọng và bình yên.
Một ngày nào đó, nếu có ai đó với ý đồ không thiện chí nhắc lại những chuyện đã qua, và bạn có thể bình thản lắng nghe như đang nghe một câu chuyện chẳng liên quan gì đến mình thì ấy chính là lúc bạn đã thật sự buông bỏ.
Buông tâm theo đuổi danh vọng và tiền tài một cách mù quáng
Ai cũng mong muốn thành công, nhưng khi sự thành công bị đẩy đến cực độ, nó lại trở thành gánh nặng. Trang Tử từng nói: “Khi danh và nhục được phân rõ, cũng là lúc phiền não khởi sinh. Khi của cải chất đầy, lòng người mới hiện rõ sự tranh đấu”.
Một khi địa vị và danh tiếng được xác lập, cũng là lúc những mặt tối trong bản tính con người bắt đầu lộ diện. Và khi của cải ngày một nhiều lên, các cuộc tranh đoạt, ganh đua cũng theo đó mà nảy sinh.
Nếu không biết tiết chế lòng tham, con người sẽ mê mải chạy theo ảo vọng danh lợi, rốt cuộc chỉ chuốc lấy mỏi mệt, cô đơn và đánh mất chính mình trên con đường không lối thoát ấy.
Cuộc đời vốn chỉ như một giấc mộng. Ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng, và khi rời đi cũng chỉ để lại một nắm đất khô. Không quyền lực, không tài sản, thậm chí chẳng mang theo được cả một áng mây.
Vậy cớ sao ta phải lao tâm khổ tứ, mải mê theo đuổi danh vọng, tiền tài, để rồi cả cuộc đời bị trói buộc trong một vòng xoáy không lối thoát? Cuối cùng, ta đang bận rộn vì điều gì? Có lẽ, đến chính bản thân mình cũng không rõ. Chỉ biết rằng, khi nhận ra thì đã quá muộn — thanh xuân qua đi, tâm hồn chai sạn, còn hạnh phúc thì mãi ở phía xa.
Hãy sống chân thành, làm việc chăm chỉ, đối đãi tử tế — mà không mong cầu điều gì đáp lại. Những điều xứng đáng rồi sẽ đến vào lúc thích hợp. Như ai đó đã nói rất đúng: “Biết đủ chính là hạnh phúc lớn nhất”.
Buông bỏ để hiểu và được hiểu
Trong sâu thẳm lòng người, luôn có những nỗi ưu tư – đôi khi là mâu thuẫn, định kiến, hay những cảm xúc tiêu cực chưa từng được gọi tên.
Khi nói đến “buông bỏ”, có lẽ người lớn lại thua xa trẻ thơ. Trong thế giới hồn nhiên ấy, các em có thể giận hờn chỉ trong thoáng chốc rồi lại nô đùa như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Còn người lớn thì khác — trong thế giới đầy lý trí và tự ái ấy, đôi khi chỉ một chuyện vụn vặt cũng đủ biến người thân thành xa lạ, bạn bè thành kẻ thù.
Trong cuộc sống chung, giữa người với người luôn có lúc bất đồng quan điểm hay khác biệt suy nghĩ. Sự khác biệt này là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều quan trọng là cách ta đối diện với nó. Chỉ khi ta dám hạ cái tôi, buông bỏ định kiến và mở lòng đón nhận người khác, ta mới thật sự giải thoát mình khỏi những rối ren trong tâm trí.
Và chỉ khi đó, ta mới có thể nhìn ra vẻ đẹp riêng của từng con người – bởi ai cũng có một góc khuất, một câu chuyện riêng đáng được thấu hiểu và sẻ chia.
Buông bỏ những cảm xúc phụ thuộc
Có một dạng cảm xúc rất đặc biệt – đó là thứ tình cảm được xây dựng hoàn toàn dựa vào người khác. Và chính điều đó lại dễ khiến con tim tổn thương nhiều nhất. Người xưa từng nói: “Từ ngàn xưa, chữ tình đã khiến bao người lỡ dở; những giấc mộng đẹp lại là những giấc mộng dễ tan vỡ nhất”. Tình yêu thường để lại những tiếc nuối khôn nguôi, và những điều đẹp đẽ nhất đôi khi lại mong manh đến không ngờ.
Cuộc đời này vốn nhiều điều bất lực, đặc biệt là khi bạn hết lòng yêu một người nhưng tình cảm ấy lại chẳng được hồi đáp. Trái tim khi ấy dễ lạc vào mê cung của u uất, tự mình giam mình trong những cảm xúc không lối thoát.
Nhưng thử nghĩ lại mà xem, tại sao ta phải bận lòng đến vậy?
Chúng ta sinh ra đời với hai bàn tay trắng và rồi cũng lặng lẽ ra đi không mang theo điều gì. Tất cả những người ta gặp trong đời—dù thân thuộc hay thoáng qua—rốt cuộc cũng chỉ là những vị khách đồng hành trên một đoạn đường ngắn ngủi. Ngay cả những mối quan hệ tưởng chừng không thể tách rời như cha mẹ, con cái… cũng chỉ là sự hiện diện tạm thời trong dòng chảy vô tận của thời gian.
Vậy thì, ai mới là người sẽ ở lại với ta mãi mãi?
Câu trả lời chỉ có thể là: chính ta.
Thế nên, đừng để cảm xúc trói buộc lấy mình. Cuộc sống là một hành trình dài, và ta xứng đáng được sống vì bản thân—biết dịu dàng với trái tim mình, bao dung với những vết thương, học cách biết ơn điều đang có và trân trọng từng khoảnh khắc hiện hữu.
Khi bạn đủ yêu thương chính mình, cả thế giới cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Có buông mới có được
Lòng tham chính là sợi dây vô hình trói buộc tâm hồn con người, giết chết sự trong sáng và an yên từ bên trong. Thứ khiến chúng ta bất an, lo lắng thường không đến từ thế giới bên ngoài mà lại xuất phát từ chính những suy nghĩ, khát vọng không hồi kết trong lòng mình.
Phật gia từng nói: “Trên đời vốn chẳng có gì đáng lo, chỉ người tầm thường mới tự chuốc phiền não”.
Thật vậy, cái “tôi” ấy—với biết bao tham vọng—muốn danh vọng, muốn tiền tài, muốn được công nhận, muốn mọi thứ… càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy bất tận, tự đẩy mình vào những hố sâu khổ đau không lối thoát.
Cái “tôi” ấy muốn đứng đầu trong kỳ thi, muốn có túi hiệu, xe sang để trở nên nổi bật, muốn ghét ai là ghét, muốn yêu ai là phải có được, thậm chí muốn níu kéo cả quá khứ đã không còn—như nỗi nhớ dành cho người đã khuất.
Những ham muốn tưởng chừng bình thường ấy nếu không buông bỏ, sẽ dần tích tụ thành xiềng xích trói chặt tâm hồn khiến ta chẳng thể nào sống nhẹ nhõm và tự do như ta vốn có.
Nếu bạn đang nắm chặt hai quả cam trong tay và không chịu buông ra, làm sao có thể khám phá ra những quả cam khác to hơn, mọng nước và ngọt lành hơn đang chờ đợi trong khu vườn rộng lớn kia? Chỉ khi bạn dám buông bỏ, bạn mới có thể thực sự tập trung vào hiện tại, mở rộng tầm mắt để quan sát thế giới xung quanh. Và chỉ khi đó, một khung cảnh đẹp đẽ khác mới có thể hiện ra trước mắt bạn.
Người xưa có câu: “Cho đi rồi sẽ nhận lại — chỉ khi biết buông bỏ, mới có thể đón nhận”.
Một lời dạy đầy trí tuệ. Bởi chỉ khi trái tim học được cách buông nhẹ những điều đã cũ, mới có đủ không gian để đón nhận những điều mới mẻ và hạnh phúc thật sự.
Hãy học cách buông bỏ khi thời điểm đã đến. Hãy quay trở về với sự giản dị, thuần khiết trong tâm hồn—như lúc ban đầu ta chưa bị thế gian làm xáo động. Sống chánh niệm, nhẹ nhàng, đầy ánh sáng và năng lượng tích cực. Bởi chỉ cần giữ cho tâm luôn an yên và thanh thản, hạnh phúc sẽ đến một cách tự nhiên như chính hơi thở.
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes
Xem thêm:
Từ khóa Buông bỏ
