Khả năng lãnh đạo: 6 lầm tưởng khiến bạn bị kìm hãm trong công việc
- Minh Minh
- •
Lãnh đạo là một khái niệm phức tạp. Nó là chủ đề của rất nhiều nghiên cứu, cuộc thảo luận và tranh luận sâu rộng nhưng chúng ta vẫn liên tục hiểu sai về nó.
Xóa bỏ những hiểu lầm về khả năng lãnh đạo có thể giúp bạn tạo ra bước phát triển vượt bậc trong công việc của mình. Dưới đây là 6 quan niệm sai lầm phổ biến về khả năng lãnh đạo.
1. Bạn chỉ có thể làm lãnh đạo nếu sinh ra với tố chất lãnh đạo
“Leaders are born, not made” (lãnh đạo được sinh ra chứ không phải được tạo ra) là một quan niệm sai lầm phổ biến về khả năng lãnh đạo/quản lý. Quả thực, tài năng thiên bẩm có thể giúp bạn dễ dàng xoay sở với vị trí lãnh đạo hơn. Nhưng có một thực tế là hầu hết các kỹ năng lãnh đạo đều có thể được phát triển và mài giũa thông qua kinh nghiệm, quá trình đào tạo và giáo dục.
Lãnh đạo không phải là một thứ bạn có thể kế thừa mà nó là một kỹ năng đòi hỏi bạn phải trau dồi và phát triển theo thời gian. Ngay cả các nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới cũng phải làm việc chăm chỉ để phát triển các kỹ năng và vượt qua những trở ngại cá nhân của họ.
Hơn nữa, lãnh đạo cũng có rất nhiều phong cách và quan điểm khác nhau, phù hợp với những tình huống khác nhau. Ví dụ: Một số nhà lãnh đạo có tính cách thu hút bẩm sinh khiến mọi người tự động bị “mê hoặc”, và cũng có những lãnh đạo tiếp cận người khác bằng cách phân tích hoặc vẽ chiến lược cụ thể thì sẽ tốt hơn.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo giỏi nếu chăm chỉ trau dồi kinh nghiệm, liên tục học hỏi và không ngại cống hiến.
2. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Đúng là các nhà lãnh đạo thường nắm giữ các vị trí quyền lực và chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định quan trọng, nhưng khả năng lãnh đạo không chỉ giới hạn ở những người ngồi ở vị trí lãnh đạo chính thức. Khả năng lãnh đạo/quản lý có thể được thể hiện bởi bất kỳ ai có cách làm việc chủ động, khả năng truyền cảm hứng và tạo ra sự thay đổi tích cực, bất kể vai trò hoặc chức danh chính thức của họ là gì.
Có rất nhiều nhà lãnh đạo không hề nằm giữ vị trí lãnh đạo chính thức nhưng họ vẫn có thể tạo ra sức ảnh hưởng và mang đến sự khác biệt. Ví dụ: Trong nhóm của bạn có một thành viên luôn chủ động đưa ra giải pháp để xử lý công việc hoặc cải tiến một quy trình dù họ không ngồi ở vị trí lãnh đạo.
Khả năng lãnh đạo hiệu quả đòi hỏi sự hợp tác và làm việc theo nhóm. Người lãnh đạo cần nhìn ra điểm mạnh và sự đóng góp của các thành viên để phân chia công việc tốt hơn. Đôi khi, người lãnh đạo nên trao quyền hoàn toàn cho một thành viên đảm nhiệm một đầu việc chuyên môn thay vì cố gắng kiểm soát hết mọi thứ.
3. Lãnh đạo luôn biết phải làm gì
Các nhà lãnh đạo có thể mang đến tầm nhìn và định hướng rõ ràng cho nhóm hoặc tổ chức của mình, nhưng họ không phải là người toàn trí và lúc nào cũng có câu trả lời cho mọi câu hỏi. Các nhà lãnh giỏi hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi. Họ không ngại mắc sai lầm hoặc chấp nhận rủi ro đã được tính toán trước. Họ coi thất bại là cơ hội để học hỏi, phát triển và khuyến khích các thành viên trong nhóm của mình làm điều tương tự. Các nhà lãnh đạo giỏi thường tìm kiếm ý kiến và lời khuyên từ người khác. Họ cũng rất cởi mở với những phản hồi và phê bình mang tính xây dựng. Họ có khả năng thích ứng tốt và rất linh hoạt. Họ không cứng đầu bám chặt vào một ý tưởng mà sẵn sàng thay đổi kế hoạch nếu cần thiết.
4. Lãnh đạo luôn có tâm thế tự tin
Các nhà lãnh đạo thường xuyên phải đối mặt với những tình huống không chắc chắn vì họ không thể đoán trước mọi người sẽ hỏi họ những gì. Trong những tình huống này, việc người lãnh đạo cảm thấy mông lung là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Điểm khác biệt chính giữa người lãnh đạo và người tỏ ra tự tin là người lãnh đạo sẵn sàng thừa nhận những hạn chế và điểm yếu của mình nhưng vẫn duy trì sự tập trung và quyết tâm. Họ không ngại nhờ người khác giúp đỡ khi gặp phải tình huống không biết cách giải quyết.
Những nhà lãnh đạo cởi mở và trung thực về những khó khăn của bản thân có thể truyền cảm hứng rất nhiều cho nhân sự. Bằng cách thể hiện họ là cũng con người, cũng bị tổn thương như bất cứ ai, họ có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với nhân viên. Kết quả là họ sẽ tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, tích cực và đoàn kết.
5. Người lãnh đạo phải có sức lôi cuốn
Sức hút của một nhà lãnh đạo được hiểu là khả năng quyến rũ và thuyết phục người khác bằng tính cách và sự hiện diện của họ. Mặc dù đây là một tài sản quý giá của một nhà lãnh đạo, chúng ta cũng không thể nói nó là điều kiện bắt buộc trong “cẩm nang làm lãnh đạo”. Các nhà lãnh đạo lôi cuốn có thể có kỹ năng khiến mọi người hào hứng và tràn đầy năng lượng nhưng họ cũng có xu hướng đưa ra những quyết định bốc đồng hoặc hứa hẹn quá mức về những gì họ có thể làm được.
Trong lịch sử, có rất nhiều nhà lãnh đạo hướng nội và có ngoại hình không cuốn hút nhưng vẫn có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Khả năng lãnh đạo hiệu quả không chỉ dừng lại ở những đặc điểm tính cách. Nó đòi hỏi bạn phải có tư duy chiến lược, khả năng ra quyết định, giao tiếp, xây dựng và thúc đẩy đội nhóm. Những kỹ năng này có thể được phát triển và mài giũa theo thời gian, bất kể người lãnh đạo có sức lôi cuốn bẩm sinh hay không.
6. Lãnh đạo phải cứng rắn và vô cảm
Nhiều người cho rằng lãnh đạo phải cứng rắn và vô cảm thì mới có thể đưa ra những quyết định khó khăn mà không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Trong thực tế, các nhà lãnh đạo giỏi là những người biết cách cân bằng trí tuệ, cảm xúc với kỹ năng phân tích để đưa ra những quyết định hợp tình hợp lý.
Khả năng lãnh đạo không thể chỉ gói gọn trong một công thức hoặc tập hợp các đặc điểm đơn giản. Các nhà lãnh đạo giỏi luôn sẵn sàng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để “cập nhật” bản thân lên phiên bản cao hơn, tốt hơn. Họ biết cách truyền cảm hứng và thúc đẩy người khác hướng tới mục tiêu chung.
Từ khóa Khả năng lãnh đạo