Ngoài việc điều khiển máy bay, phi công của các hãng hàng không còn chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách và phi hành đoàn, đồng thời ứng phó với mọi sự cố có thể xảy ra, bao gồm cả việc bị nổ lốp máy bay  Tương tự như ô tô, máy bay cũng có thể gặp sự cố nổ lốp, thậm chí gây thương vong. Vậy phi công sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

may bay
Phi công của các hãng hàng không phải đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ, bao gồm cả sự cố nổ lốp máy bay. Cảnh một máy bay đang hạ cánh. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo trang tin tức hàng không Simple Flying, vào ngày 1 tháng 12, một chiếc Boeing 737-800 của hãng Japan Airlines đã gặp sự cố nổ lốp khi hạ cánh xuống sân bay Kagoshima.

Khi bộ phận hạ cánh của máy bay chạm vào đường băng, một trong các lốp của nó đã nổ. Điều này có thể xảy ra do sự tích tụ nhiệt hoặc lực tác động mạnh khi hạ cánh làm tăng mức độ hao mòn hiện có của lốp.

Dù sự cố xảy ra đột ngột, phi hành đoàn vẫn kiểm soát hoàn toàn máy bay, đảm bảo máy bay giảm tốc an toàn và trượt đến khu vực kiểm tra.

Tất cả hành khách trên máy bay đều không bị ảnh hưởng và đã xuống máy bay an toàn. Điều này phản ánh thái độ bình tĩnh và được huấn luyện bài bản của phi hành đoàn trong những tình huống bất ngờ.

Tầm quan trọng của lốp máy bay

Lốp máy bay được thiết kế để chịu đựng áp lực lớn trong quá trình cất cánh, hạ cánh và di chuyển trên đường băng. Đây là một trong những bộ phận quan trọng nhất. Những chiếc lốp chuyên dụng này cần phải chịu được sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và cực đoan, hỗ trợ toàn bộ trọng lượng của máy bay và xử lý tốc độ vượt quá 200 dặm một giờ (322 km một giờ) trong quá trình hoạt động.

Mặc dù lốp máy bay có cấu trúc chắc chắn và  được bảo dưỡng nghiêm ngặt nhưng các tai nạn liên quan đến lốp như nổ lốp vẫn xảy ra và có thể gây ra những thách thức nghiêm trọng cho phi công và nhân viên mặt đất, chẳng hạn như ảnh hưởng đến khả năng điều khiển máy bay, dẫn đến các vấn đề cơ học liên quan hoặc thậm chí là các tai nạn nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân khiến lốp máy bay bị nổ

Lốp máy bay phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt, bao gồm sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (từ khoảng -50°C khi bay ở độ cao đến vài trăm độ C khi hạ cánh) và lực cắt(Shear force) rất lớn. Việc bơm lốp không đúng áp suất có thể làm tăng thêm độ căng của lốp, dẫn đến các vấn đề như tách mép lốp. Ngoài ra, các mảnh vỡ trên đường băng cũng là một nguyên nhân phổ biến khác gây hư hỏng và nổ lốp.

Để giảm thiểu nguy cơ nổ lốp, thiết kế lốp máy bay áp dụng các đặc điểm sau:

– Áp suất cao:
Lốp máy bay thường được bơm đến áp suất khoảng 200 psi, cao hơn đáng kể so với lốp ô tô. Áp suất cao này giúp tăng khả năng chịu tải và độ bền của lốp.

– Sử dụng khí nitơ:
Lốp máy bay được bơm bằng khí nitơ thay vì không khí nhằm giảm nguy cơ cháy nổ khi lốp bị nổ. Điều này là do khí nitơ ít phản ứng hơn oxy, làm giảm khả năng xảy ra cháy.

– Cấu trúc bền chắc:
Lốp máy bay hiện đại được thiết kế để chịu được áp lực và nhiệt độ lớn trong quá trình vận hành, với vật liệu và cấu trúc giúp tăng độ đàn hồi và bền bỉ.

Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật mặt đất của các hãng hàng không cũng kiểm tra và bảo trì lốp máy bay thường xuyên để loại bỏ nguy cơ từ các mảnh vỡ trên đường băng, qua đó giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố nổ lốp.

may bay no lop
Khi máy bay bị nổ lốp, phi công nên xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Phi công xử lý sự cố nổ lốp như thế nào?

Nếu máy bay gặp sự cố nổ lốp trong quá trình cất cánh hoặc hạ cánh, phi công phải tuân thủ các quy định hiện hành để kiểm soát máy bay và đảm bảo an toàn cho hành khách.

– Khi cất cánh:

Nếu nổ lốp xảy ra khi máy bay đang chạy ở tốc độ thấp, phi công thường hủy bỏ quy trình cất cánh để đánh giá tình hình và tránh thiệt hại thêm. Nếu sự cố xảy ra ở tốc độ cao, phi công sẽ tiếp tục cất cánh và sau đó bay vòng quanh một lượt trước khi quay lại sân bay ban đầu để kiểm tra.

– Khi hạ cánh:

Nếu nổ lốp xảy ra khi máy bay hạ cánh, phi công sẽ tập trung giữ máy bay ổn định, giảm tốc an toàn, sau đó di chuyển máy bay đến khu vực được chỉ định để kiểm tra và sửa chữa.

Dù gặp bất kỳ tình huống nào, phi công sẽ phối hợp chặt chẽ với kiểm soát không lưu và đội ngũ kỹ thuật mặt đất để quản lý sự cố một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa sự gián đoạn và đảm bảo an toàn.