Sếp nói “Vất vả rồi” tưởng chừng chỉ là một câu xã giao, nhưng cách bạn phản hồi có thể tiết lộ trí tuệ cảm xúc (EQ) của mình. Phản ứng khéo léo không chỉ giúp bạn ghi điểm mà còn thể hiện sự tinh tế, chuyên nghiệp trong giao tiếp. 

sep khen
Khi được sếp nói ‘bạn vất vả rồi’, bạn nên trả lời thế nào? (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sếp nói “Vất vả rồi” mang ý nghĩa gì?

Cùng một câu nói, trong các ngữ cảnh khác nhau, ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Dựa trên tình hình thực hiện công việc, câu “vất vả rồi” thường rơi vào hai trường hợp sau:

  1. Công việc chưa hoàn thành, nhưng bạn thực sự đã cố gắng hết sức và sếp cũng công nhận điều đó 

Trong trường hợp này, sếp chỉ muốn an ủi bạn rằng dù kết quả chưa đạt được, nhưng thái độ làm việc tích cực của bạn đã được ghi nhận và đánh giá cao.

Ví dụ, một nhân viên mới trong công sở đã liên tục tăng ca suốt một tuần, nhưng cuối cùng vẫn làm hỏng công việc được giao.

Khi phát hiện sự việc, cấp trên nói: “Việc này tôi cũng có phần trách nhiệm vì đã giao cho bạn một nhiệm vụ quá sức. Bạn đã rất cố gắng rồi. Tiếp theo, chúng ta cùng nhau tìm cách giải quyết.”

Nếu một cấp trên có thể nói như vậy ngay cả khi nhân viên làm hỏng nhiệm vụ, chắc chắn là người đáng để bạn học hỏi và gắn bó.

  1. Công việc hoàn thành đúng mục tiêu, và sếp nói “vất vả rồi” như một lời cảm ơn xã giao

Một số người trong công sở lại không biết hài lòng, cảm thấy câu “vất vả rồi” từ sếp quá hời hợt, không xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra. Họ cho rằng năng lực và nỗ lực của mình đáng nhận được sự chú ý và khen ngợi nhiều hơn.

Tuy nhiên, sếp cho rằng, chỉ cần lương được trả đầy đủ và đúng hạn, thì sếp đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm với bạn. Xét từ góc độ này, câu “vất vả rồi” chỉ có thể coi là một sự khen ngợi mang tính lịch sự mà thôi.

Khi hiểu được suy nghĩ của sếp, dù công việc có vất vả đến đâu, bạn cũng không cần phải cảm thấy bất mãn, đúng không? Hãy biết đủ, biết hài lòng và biết ơn.

Lợi dụng cơ hội để đề nghị tăng lương: Hấp tấp dễ dẫn đến thất bại

Trong công sở, chúng ta cần đặc biệt cảnh giác với kiểu tư duy sau: giống như khi bỏ đồng xu vào máy bán hàng tự động, chúng ta kỳ vọng món hàng phải rơi ra ngay lập tức để đáp ứng đúng mong đợi tâm lý của mình. Nếu món hàng không rơi xuống, chúng ta sẽ lập tức cho rằng máy bị hỏng, và chắc chắn sẽ khiếu nại nhà sản xuất để đòi lại quyền lợi chính đáng.

Cách nghĩ “bỏ vào là phải nhận lại ngay, không thể chờ đợi dù chỉ một chút” chính là tư duy máy bán hàng tự động. Dù bạn hoàn thành nhiệm vụ hiện tại một cách xuất sắc, mọi thứ đều hoàn hảo, thì cũng không nên vì câu “vất vả rồi” của sếp mà vội vàng đề nghị tăng lương. Bởi vì công việc không phải là một thương vụ nhất thời. Công sở giống như việc gieo hạt giống. Mùa xuân gieo trồng, mùa thu thu hoạch, mọi thứ cần thời gian để kiểm chứng. Hấp tấp chỉ khiến bạn trông vừa thực dụng vừa thiếu kiên nhẫn.

Hơn nữa, từ góc độ của sếp, việc đánh giá một nhân viên có xứng đáng được tăng lương hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ, hiệu quả kinh doanh của công ty. Nếu công ty đang thua lỗ, không cắt giảm lương hoặc sa thải nhân sự đã là điều may mắn, còn đâu chuyện tăng lương?

Còn nếu tình hình chung không khả quan, hoặc mức lương công ty đang trả vốn đã cao hơn mặt bằng chung trong ngành, việc tăng lương sẽ rất khó xảy ra.

Thêm vào đó, mỗi công ty đều có kế hoạch phân bổ ngân sách riêng. Lợi nhuận hàng năm sẽ được phân chia cho các mục như nghiên cứu, thị trường, và phúc lợi nhân viên, tất cả đều đã được lên kế hoạch từ trước. Sau khi xem xét tất cả các yếu tố trên, công ty mới đánh giá hiệu suất cá nhân của bạn để quyết định liệu bạn có xứng đáng được tăng lương hay không.

Ở những công ty chuyên nghiệp, các quy định về thăng chức hay tăng lương cho nhân viên đều đã được thiết lập từ trước. Việc bạn có đề nghị hay không thực ra không ảnh hưởng gì. Vì vậy, khi hoàn thành một công việc mà sếp chỉ đơn giản nói “vất vả rồi”  thì bạn hãy đơn giản là lắng nghe, đừng suy nghĩ quá nhiều. Vẫn là câu nói cũ: “Hãy biết hài lòng”.

Con đường sự nghiệp còn dài, thành tựu cần được tích lũy qua thời gian. Nếu bạn định lợi dụng một hai cơ hội như vậy để đòi thăng chức hay tăng lương, điều đó thực sự không khôn ngoan, và sẽ khiến cả sếp lẫn bản thân bạn rơi vào tình huống khó xử. Cách làm này chỉ khiến bạn thiệt nhiều hơn được.

Đừng trả lời thế này khi sếp nói “vất vả rồi”

Khi sếp nói “vất vả rồi” thì có những câu bạn tuyệt đối không nên nói. Cần chú ý: đừng tỏ ra “thông minh”, cũng đừng phủ nhận và đừng lợi dụng cơ hội để đòi hỏi.

  • “Lãnh đạo mới là người vất vả nhất ạ, cả gia đình lãnh đạo cũng vất vả!”

Những câu trả lời kiểu “tỏ ra thông minh” hay “pha thêm sự hài hước” như thế này, bạn tưởng mình hài hước, nhưng thực tế chỉ khiến người khác cảm thấy khó chịu.

  • “Không vất vả, không vất vả, đó là chuyện nên làm”.

Nếu sếp đã nói bạn vất vả, mà bạn ngay lập tức phủ nhận, vậy ý của bạn là gì? Có phải sếp đang giả vờ khen bạn?

  • “Sếp không cần nói thế này, sếp cứ tăng lương là được rồi ạ!”

Câu trả lời mang tính thực dụng kiểu này là không nên, sẽ khiến bạn mất hình tượng và làm người khác coi thường.

Rốt cuộc nhân viên có EQ cao sẽ phản hồi thế nào?

Khi công việc chưa hoàn thành và sếp chỉ đang an ủi, điểm quan trọng là phải thể hiện sự hối lỗi và lên kế hoạch cải tiến:

“Thưa sếp, công việc này chưa làm tốt, tôi và các thành viên trong nhóm đều cảm thấy rất áy náy”.

“Chúng tôi đã xem xét kỹ lại quá trình và nhận thấy vấn đề nằm ở…”

“Tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa từng bước từ… và tăng cường quản lý quy trình. Lần sau chắc chắn sẽ làm tốt hơn.”

Khi nhiệm vụ đã hoàn thành và sếp chỉ đang khen ngợi xã giao, nhân viên có EQ cao chắc chắn sẽ nắm bắt cơ hội này và xem đó là một cơ hội tương tác tốt:

“Cảm ơn sếp. Thực ra, tất cả mọi người đều rất vất vả. Dự án này thành công là nhờ vào việc cả đội đã làm việc cật lực, cùng nhau vượt qua những khó khăn”.

“Thực ra, vấn đề này còn có một hướng giải quyết khác, nhưng vì thời gian gấp gáp, cuối cùng chúng tôi đã chọn phương án A, vốn là phương án an toàn hơn”.

“Bây giờ nghĩ lại, có một số chi tiết vẫn còn thiếu sót, tôi đã tổng kết lại và rút kinh nghiệm. Lần sau, tôi tự tin sẽ làm tốt hơn!”

Chú ý: Hãy hướng đến tinh thần đồng đội, sự suy nghĩ chuyên nghiệp và triển vọng trong tương lai, thể hiện thái độ lạc quan và tích cực.

Đãi ngộ tinh thần không bao giờ phụ thuộc vào việc “đòi hỏi”

Tất cả những điều không hài lòng hiện tại của bạn đều có thể giải quyết bằng cách “làm cho bản thân trở nên tốt hơn.” Điều này càng đúng trong môi trường công sở. Nếu bạn không hài lòng với đãi ngộ hiện tại, cách tốt nhất không phải là liên tục tìm cơ hội để đòi hỏi từ sếp. Việc đòi hỏi sẽ không mang lại kết quả. Thay vào đó, hãy thay đổi bản thân, tập trung vào sự phát triển cá nhân, không ngừng rèn luyện và nâng cao năng lực cốt lõi của mình. Đó mới là con đường đúng đắn.