Biết nói chuyện cũng là một nghệ thuật sống, nội dung nói và cách biểu đạt thể hiện ra tu dưỡng và trí tuệ của người nói. Khi trò chuyện với người khác, có ba điều tốt nhất tránh đề cập đến, bởi nó rất dễ gây ra những rắc rối không đáng có và thậm chí còn làm hao tổn phúc lành của bạn.

tro chuyen
Trong giao tiếp, cách bạn nói và những gì bạn nói thường có thể phản ánh sự tu dưỡng và trí tuệ của bạn. (Ảnh: Roman Samborskyi/ Shutterstock)

1. Tình trạng kinh tế và tài chính cá nhân

Dù giàu hay nghèo, tình hình tài chính của một người cũng được coi là một chủ đề tương đối riêng tư. Khi giao tiếp với người khác, việc nói quá nhiều về điều này thường gây ra những rắc rối không đáng có.

Nếu bạn có điều kiện về tài chính, thì việc vô tình bộc lộ sự giàu có có thể khơi dậy sự ghen tị hoặc chiêu mời phiền phức không cần thiết từ người khác. Còn nếu bạn gặp khó khăn về tài chính, thì việc tiết lộ quá mức có thể bị người khác coi thường, thậm chí có thể bị coi là yếu đuối và dễ bị bắt nạt.

Tăng Nghiễm Hiền Văn có câu: “Khách bất ly hóa, tài bất lộ bạch” (Khách không nên rời xa đồ của mình, của cải không nên để lộ ra). Câu này chứa đựng trí huệ của người xưa và ý dạy thế nhân rằng trong quan hệ giữa các cá nhân, chúng ta không nên dễ dàng tiết lộ sự giàu có của mình. Điều này không chỉ để bảo vệ sự riêng tư mà còn để tránh những rắc rối, xung đột không đáng có.

Chẳng hạn, ai đó trò chuyện với một đồng nghiệp và vô tình đề cập đến việc họ đã kiếm được rất nhiều tiền từ khoản đầu tư gần đây. Ngay sau đó, anh nhận thấy rằng mình đã trở thành chủ đề bàn tán của các đồng nghiệp, và một số thậm chí bắt đầu vay tiền anh hoặc mời chào anh đủ loại các dự án đầu tư khác nhau. Điều này khiến người này vô cùng khó chịu và hối hận vì đã nói quá nhiều.

Vậy nên, khi trò chuyện với người khác, chúng ta nên thận trọng về tình hình tài chính của mình, từ đó tránh gây ra rắc rối không đáng có cho bản thân.

2. Bình luận về người khác

Trong ‘Cách ngôn liên bích’ có câu: “Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, ý nghĩa rằng, lúc ngồi tĩnh lặng thì thường nghĩ lỗi của mình, khi trò chuyện không nói xấu người khác.

Thật ra không ai mong muốn mình sẽ trở thành mục tiêu bị nói xấu sau lưng người khác. Vậy nên, khi nói chuyện với bất kỳ ai đi chăng nữa, chúng ta cũng tránh đánh giá người khác, vì những nhận xét như vậy rất dễ gây ra tranh chấp và hiểu lầm, thậm chí có thể khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng.

Mỗi người đều có những giá trị và tiêu chuẩn đánh giá riêng. Những quan điểm và đánh giá của một người về ai đó thường dựa trên sở thích và giá trị quan của cá nhân. Tuy nhiên, nó không nhất định là đúng, thậm chí còn mang tính cá nhân mạnh mẽ.

Có một số vấn đề không nhất thiết phải đào sâu hay xác minh mà nên giữ ở trong lòng. Vì nếu để nó lan rộng, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác, từ đó rất dễ đánh mất phước lành của chính mình.

Hơn nữa, việc bình luận quá nhiều về người khác trong cuộc trò chuyện, đặc biệt là những bình luận tiêu cực, dễ khiến người khác nghĩ bạn là người không chân thành. Tệ hơn nữa là những nhận xét này có thể đến tai người bị đánh giá, gây ra những hiểu lầm và mâu thuẫn không đáng có.

Thế nên, khi tương tác với người khác, chúng ta nên cố gắng tránh phán xét sau lưng họ. Nếu thực sự muốn bày tỏ quan điểm của mình, bạn nên chọn một thời điểm để giao tiếp một cách chân thành và tôn trọng với người ấy.

3. Đời sống riêng tư

chuyen doi song rieng tu
Không nên dễ dàng tiết lộ chuyện riêng tư của gia đình cho người ngoài. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Mỗi người đều có những trải nghiệm và bí mật trong quá khứ của riêng mình. Khi trò chuyện, chúng ta cần học cách bảo vệ quyền riêng tư của mình và không nên dễ dàng tiết lộ quá nhiều thông tin ra ngoài. Điều này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn để duy trì sự hòa hợp trong các mối quan hệ giữa các cá nhân.

Nói quá nhiều về những điều riêng tư của bạn có thể gây ra những hiểu lầm và suy đoán không đáng có từ người khác, thậm chí là gây ra những rắc rối lớn.

Ví dụ: Việc tiết lộ những thông tin nhạy cảm như tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm quan hệ cá nhân, v.v. có thể khiến mọi người đặt câu hỏi về tình trạng sống của bạn, từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong tâm trí họ.

Bạn vô tình tiết lộ những điều riêng tư của gia đình khi trò chuyện, bao gồm cả những cuộc cãi vã với vợ hoặc chồng, vấn đề học hành của con cái, v.v.. Người nói vô tình người nghe hữu ý. Nếu không may thông tin này lan truyền, thì mối quan hệ hài hòa ban đầu giữa các cá nhân có thể trở nên căng thẳng. Đây được gọi là “sự xúc phạm vô hình”. Vì xét về kinh nghiệm sống cá nhân, mỗi người đều rất nhạy cảm và có những cảm xúc khác nhau. Việc vô ý chạm vào vết thương hoặc những nơi cấm kỵ của người khác cũng là việc gây tổn hại phước lành, cho nên bạn cần thật sự cẩn thận.

Khi tương tác với người khác, chúng ta cần học cách thận trọng và không nên dễ dàng tiết lộ chuyện riêng tư của mình. Đây không chỉ là sự bảo vệ cho bản thân mà còn là sự tôn trọng đối với người khác.

Tóm lại, khi trò chuyện với người khác, chúng ta cần học cách cẩn thận với lời nói và hành động của mình, tránh nói quá nhiều về những chủ đề nhạy cảm như tình trạng tài chính, đánh giá của người khác và chuyện riêng tư cá nhân. Điều này không chỉ bảo vệ phước lành mà còn duy trì mối quan hệ hài hòa giữa mọi người với nhau.

Người xưa dạy: “Nói nhiều sẽ mắc lỗi, tai họa sẽ từ miệng mà ra”. Sẽ không thừa nếu luôn để ý ngôn hành cử chỉ của mình, vận dụng trí tuệ và sự chân thành trong giao tiếp khiến bạn trở nên đáng mến trong mắt mọi người.