Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều bậc cha mẹ thường kỳ vọng vào sự “tự giác” của trẻ mà quên rằng bản chất của trẻ là tò mò, ham chơi và dễ mất tập trung. Nếu phó mặc cho trẻ tự định hướng mà thiếu sự hướng dẫn và đồng hành từ cha mẹ, quá trình giáo dục sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi. Điều quan trọng là cha mẹ cần kiên trì theo sát, tạo động lực để giúp trẻ hình thành thói quen tốt và phát triển bền vững.

Me va con gai
Cảm xúc của người mẹ quyết định sự ấm áp của thế giới mà trẻ cảm nhận. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Cha mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy suốt đời của con, vì vậy giáo dục của cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ. Trên hành trình giáo dục, cha mẹ không nên lười biếng, còn con cái thì cần phải được quan tâm và hướng dẫn chặt chẽ.

Điều kiêng kỵ nhất trong giáo dục là cha mẹ ngại phiền phức

Một nhà văn đã từng nói: Làm cha mẹ có “thời hạn hiệu lực”.

Khi còn nhỏ, cha mẹ là người mà trẻ tin tưởng nhất và cũng là chỗ dựa duy nhất của chúng; đây chính là thời điểm tốt nhất để giáo dục con. Bởi vì khi trẻ lớn lên và trở nên độc lập, việc giáo dục sẽ trở nên khó khăn hơn.

Quả thật, hiện nay, cha mẹ phải đối mặt với nhiều thách thức, bận rộn với công việc hàng ngày để kiếm sống và tạo dựng một môi trường sống tốt hơn cho con cái, khiến cho việc giáo dục trở nên quá sức. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng: Giáo dục con trẻ là một buổi phát sóng trực tiếp không thể quay lại, và chúng ta chỉ có một cơ hội duy nhất trong đời. Sự trưởng thành của trẻ không thể trở lại; mỗi bậc cha mẹ cần trân trọng từng khoảnh khắc lớn lên của con, dù gánh nặng có lớn đến đâu, cũng cần phải có trách nhiệm với tương lai của chúng.

Cha mẹ là người thầy suốt đời của con cái. Trong việc giáo dục, cha mẹ không thể vắng mặt và càng không thể ngại ngần trước những phiền phức.

Trên thế giới này, hầu hết những “đứa trẻ nhà người ta” khiến bạn ngưỡng mộ đều có lý do đằng sau, và đó chính là kết quả từ nỗ lực bền bỉ và sự đồng hành thực sự của cha mẹ.

Bậc thầy hoạt hình Nhật Bản Miyazaki Hayao từng nói: “Trên đời này, những việc quan trọng hầu hết đều rất phiền phức”.

Giáo dục cũng vậy. Cha mẹ thậm chí còn phải nỗ lực nhiều hơn con cái thì mới có thể gặt hái được thành quả thực sự. Để con trở nên xuất sắc, cha mẹ thực sự không thể vì muốn mọi thứ dễ dàng mà bỏ qua những nỗ lực cần thiết.

Kỳ vọng vào sự tự giác của con trẻ là một phương pháp giáo dục thiếu hiệu quả

Trong bộ phim truyền hình “Gia đình có con”, có một tình tiết như sau: Lưu Tinh và Tiểu Vũ than phiền rằng mẹ họ đã không giúp phát triển năng khiếu từ nhỏ, nếu không họ đã có thể trở thành nhà văn hay nhạc sĩ.

Mẹ của Lưu Tinh bối rối đáp: “Lúc nhỏ, mẹ đã đăng ký cho con học lớp này lớp kia, mẹ muốn con học, nhưng con đã không chịu học mà!”

Lưu Tinh lập tức phản bác: “Con không muốn học thì mẹ cũng không khuyến khích con sao? Khi đó, con còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, có lẽ mẹ cũng không nhận ra điều đó? Mẹ lẽ ra nên rèn luyện và hướng dẫn con từ sớm, mẹ có thể giúp con học nhiều hơn…”

Không có đứa trẻ nào sinh ra đã tự giác; lười biếng, ham chơi và phàn nàn là những đặc điểm tự nhiên của trẻ nhỏ. Nếu cha mẹ biết rằng hành vi của con mình là sai nhưng vẫn không nỡ dạy dỗ, thì làm sao có thể mong đợi con trưởng thành nên người? Các chuyên gia cho rằng ít nhất đến tuổi mười lăm, mười sáu, trẻ mới thực sự có ý thức tự giác. Việc hình thành tính tự giác ở trẻ là một quá trình dài và phức tạp. Mong đợi trẻ tự giác mà không có sự hướng dẫn từ cha mẹ thực sự là một sự thiếu trách nhiệm đối với cuộc đời của con.

Không có đứa trẻ nào tự giác ngay từ khi sinh ra, chỉ có những cha mẹ kiên trì giám sát và hỗ trợ trong suốt một thời gian dài. Giáo dục là một công việc nghiêm túc; với vai trò làm cha mẹ, việc giám sát và hướng dẫn là điều vô cùng quan trọng.

Me dat con gai
Gia đình là ngôi trường đầu tiên của trẻ, và cha mẹ là những người thầy tốt nhất. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Cha mẹ có tầm nhìn xa thường thể hiện sự kiên quyết với con cái

Đổng Khanh từng chân thành chia sẻ rằng tất cả thành tựu của cô ngày hôm nay đều nhờ vào sự nghiêm khắc của cha. 

Cô nói: “Cha đã giúp tôi trở thành một người mạnh mẽ từ bên trong. Khi bước vào xã hội, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, và bạn cần sự kiên cường để vượt qua. Giờ đây, tôi nhận ra mình có thể kiên trì vượt qua nhiều việc”. 

Khi còn nhỏ, cha cô hàng ngày giám sát cô chép thành ngữ, thơ cổ và kiểm tra xem cô đã học thuộc chưa. Khi lên trung học, cha cô lập danh sách những quyển sách cần đọc, yêu cầu cô phải hoàn thành một số lượng tác phẩm kinh điển nhất định và chép lại những câu hay. Thậm chí, khi trời chưa sáng, cha đã kéo cô dậy để chạy 1.000 mét quanh trường học gần nhà. 

Đổng Khanh từng vô cùng ghét sự nghiêm khắc của cha, nhưng giờ đây cô lại rất biết ơn ông. Chính nhờ sự thúc ép và giám sát của cha mà cô đã học được cách kiên trì, để hôm nay cô tỏa sáng trên sân khấu.

Những bậc cha mẹ thực sự có tầm nhìn xa thường không “nhân từ” với con cái, thậm chí đôi khi tỏ ra cứng rắn. Nhưng chính nhờ sự cứng rắn đó mà con có thể bay cao hơn, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hơn. 

Cha mẹ yêu con thì sẽ nghĩ sâu xa cho con. Tất nhiên, chúng ta không khuyến khích việc chỉ nghiêm khắc với con cái; mà khi thế giới quan và nhân sinh quan của trẻ chưa hình thành, cha mẹ cần phải dẫn dắt, và đôi khi điều này đòi hỏi sự kiên quyết. Cha mẹ càng “cứng rắn”, con cái càng xuất sắc.

Tầm nhìn của người cha quyết định hướng đi tương lai của con

Có câu nói rằng: “Cách suy nghĩ quyết định con đường, tầm nhìn tạo nên tương lai”. 

Tầm nhìn của một người không chỉ định hướng cuộc sống của họ mà còn ảnh hưởng đến cả thế hệ sau. Các nhà tâm lý học cho rằng: “Trẻ em thường coi cha mình là thần tượng cho đến khoảng 12 tuổi”. Vì vậy, tầm nhìn của người cha quyết định độ cao mà con cái họ có thể vươn tới trong tương lai. 

Lương Khải Siêu có 9 người con, tất cả đều thành đạt và có thể gọi là “người cha tuyệt vời nhất” trong lịch sử. Điều này không thể tách rời với triết lý giáo dục ưu tú của ông; ông không can thiệp vào lựa chọn của con cái mà đứng ở vai trò một người bạn, sử dụng kinh nghiệm của mình để định hướng, cùng con trao đổi bình đẳng và luôn tôn trọng các quyết định của con. 

Ông từng nói: “Nếu ai đó hỏi tôi tin vào chủ nghĩa nào, tôi sẽ trả lời rằng tôi tin vào chủ nghĩa hứng thú”. 

Quan điểm sống này không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân ông mà còn tác động sâu sắc đến con cái. Trẻ em thường có một sự ngưỡng mộ mãnh liệt đối với cha mình, xem cha là biểu tượng của trí tuệ và sức mạnh.

Sự xuất sắc của con cái phần lớn phụ thuộc vào việc người cha thực hiện tốt vai trò của mình, trao cho con nguồn sức mạnh bất tận. Vì vậy, một người cha tốt nhất định phải là tấm gương về tầm nhìn cho con, vì điều này sẽ quyết định giới hạn mà con cái có thể đạt được trong tương lai.

Cảm xúc của người mẹ quyết định sự ấm áp của thế giới mà trẻ cảm nhận

Có người từng hỏi: “Một đứa trẻ hạnh phúc và xuất sắc thường có người mẹ như thế nào?”

Một câu trả lời được chú ý nhất là: “Một đứa trẻ hạnh phúc và xuất sắc cần có một người mẹ thông thái và tràn đầy yêu thương”.

Đôi khi, làm mẹ thực sự rất khó khăn, vừa phải lo công việc vừa chu toàn gia đình, khiến cảm xúc khó tránh khỏi thất thường. Nhưng ngay cả khi bạn không thể kiềm chế được cảm xúc, hãy nhớ đến vai trò của mình – người mẹ mà con yêu thương và tin cậy nhất. 

Cảm xúc của mẹ là biểu đồ thời tiết của cả gia đình. Mẹ có cảm xúc ổn định, trẻ sẽ an tâm, gia đình sẽ đầm ấm. Một người mẹ có cảm xúc ổn định sẽ dạy con biết đối xử với người khác bằng tấm lòng bao dung và nhìn thế giới với ánh mắt ấm áp. Người mẹ dịu dàng, vui vẻ và tràn đầy tình yêu thương chính là “quý nhân” trong cuộc đời của con.

Kiểu giáo dục gia đình tốt nhất là khi cha mẹ làm gương

Trên mạng từng có một video ghi lại hình ảnh nhiều cha mẹ thể hiện những thói quen xấu trong cuộc sống:

– Mẹ hút thuốc và vứt đầu thuốc bừa bãi; con cũng bắt chước hút thuốc và xả rác.

– Cha uống rượu, con cũng uống theo.

– Mẹ say xỉn, mất kiểm soát và thường nổi giận; con cũng hành xử tương tự…

Khi cha mẹ ngạc nhiên về hành vi của con, liệu họ có nhận ra rằng những điều đó đều bắt nguồn từ “người thầy đầu tiên trong cuộc đời” của trẻ?

Gia đình là ngôi trường đầu tiên của trẻ, và cha mẹ là những người thầy tốt nhất. Trong quá trình nuôi dạy, từng lời nói và hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ, thậm chí có thể quyết định cả tương lai của con. Sự trưởng thành của trẻ là một quá trình không thể đảo ngược, vì vậy cha mẹ với vai trò người nuôi dưỡng cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc làm gương.

Cha mẹ cần nghiêm khắc với bản thân, học cách tự nhìn nhận và thay đổi thói quen xấu, làm gương từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Cha mẹ là người như thế nào còn quan trọng hơn cả những gì họ làm cho con.