Làm thế nào mà những “học bá” học tập nhanh chóng
- Thân Tư Mính
- •
Người hiện đại thích những thứ đơn giản và nhanh chóng, tức là họ thích những nỗ lực trong thời gian ngắn hạn và có thể dễ dàng đạt được một cách nhanh chóng. Nhưng việc học và thành thạo một kỹ năng là một quá trình lâu dài, nên nhiều người không thích học. Cha mẹ ép con học để con có tương lai tốt đẹp, thầy cô cũng cố gắng hết sức để học sinh học tập tốt. Đương nhiên cũng có một số “học bá” – sinh ra đã ham thích học tập, họ luôn là những người đạt thành tích cao nhất ở trường. Ngay cả khi đã ra trường, họ vẫn rất thích học và học rất nhanh. Vậy bí mật đằng sau những người học giỏi rốt cuộc là gì?
Suy nghĩ của những người học giỏi có 2 logic tâm lý cơ bản: Trí thông minh kết tinh (Fluid and crystallized intelligence) và phát triển hướng ngoại. Đầu tiên cùng tìm hiểu trí thông minh kết tinh là gì. Vào những năm 1960, nhà tâm lý học người Mỹ Raymond Cattell đã chia trí thông minh thành trí thông minh linh hoạt và trí thông minh kết tinh. Đúng như tên gọi, trí thông minh linh hoạt giống như nước không có hình dạng. Đó là khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, thường đạt đến đỉnh cao ở độ tuổi 20 và sau đó bắt đầu suy giảm. Trí thông minh kết tinh thì hoàn toàn ngược lại, nó là khả năng huy động kinh nghiệm đã biết để giải quyết vấn đề, loại trí thông minh này sẽ phát triển dần dần theo tuổi tác.
Tuấn là nhân viên mới của một công ty, trong khi Kiệt là nhân viên lâu năm. Khi Tuấn nhìn thấy một vấn đề, anh ấy sẽ dùng tư duy ban đầu (trí thông minh linh hoạt) để tìm ra câu trả lời. Đối với Tuấn, mỗi câu hỏi đều là một tờ giấy trắng và chưa từng có trải nghiệm nào cả. Nhưng khi Kiệt gặp vấn đề, anh ấy sẽ đọc nhiều tài liệu khác nhau và vận dụng những kinh nghiệm đã biết của mình để tìm ra giải pháp cho vấn đề. Đây là ví dụ minh họa cho việc chúng ta sử dụng 2 loại trí thông minh trong cuộc sống.
Tục ngữ có câu: “Gừng càng già càng cay”. Những người mới bước chân vào lĩnh vực mới thường cảm thấy dù người kỳ cựu có làm gì thì chỉ cần tùy ý mà làm sẽ có thể thành công. Như bàn tay của người họa sĩ sẽ tự động vẽ, còn tay chân của vũ công sẽ tự động nhảy múa. Hành động tự nhiên, tùy ý, không gò bó của người kỳ cựu thật khiến người khác ngưỡng mộ. Điều này phù hợp với sự khát khao của chúng ta về bản thân. Tuy nhiên, nếu muốn thành thạo một kỹ năng một cách nhanh chóng, bạn cần tránh tôn sùng mù quáng trí thông minh linh hoạt. Bởi vì so với trí thông minh linh hoạt, trí thông minh kết tinh dễ dàng học được và định lượng hơn. Nếu muốn học một kỹ năng một cách nhanh chóng, trí thông minh kết tinh chắc chắn là bước đệm tốt nhất cho bạn, nghĩa là bạn cần tìm một người có kinh nghiệm để học theo.
Sau khi tìm hiểu về trí thông minh kết tinh, chúng ta hãy tìm hiểu về sự phát triển hướng ngoại. Sự phát triển hướng ngoại là gì? So với sự phát triển hướng nội, sự phát triển hướng ngoại là học một kỹ năng, chẳng hạn như học viết, vẽ, v.v. Sự trưởng thành hướng nội là sự trưởng thành của tâm hồn và sự trưởng thành về mặt tinh thần của một con người. Mục đích cuối cùng của việc học một kỹ năng là để phát triển nội tâm của con người. Ví dụ, việc thành thạo một kỹ năng có thể mang lại những phần thưởng và sự hài lòng to lớn, từ đó nâng cao sự tự tin của bạn và thay đổi cách nhìn của bạn về nhân sinh quan và giá trị quan.
Sự phát triển hướng ngoại của chúng ta đòi hỏi những phản hồi tích cực từ thế giới bên ngoài. Nếu không có những phản hồi tích cực, chúng ta sẽ dễ dàng mệt mỏi và bỏ cuộc theo thời gian. Nói đến đây, hầu hết độc giả có lẽ đã hiểu tại sao những người đạt thành tích cao nhất ở trường lại yêu thích việc học đến vậy. Bởi vì họ nhận được rất nhiều phản hồi tích cực ở trường lớp. Sau khi ra trường, họ sẽ vận dụng những trải nghiệm tích cực do hình thức học tập này mang lại vào nhiều công việc khác nhau để tiếp tục học tập. Lúc này, phản hồi tích cực mà việc học mang lại không còn là “điểm thi” mà là một cuộc đàm phán thành công, một ca phẫu thuật thành công, một bài giảng thành công và nụ cười hài lòng của khách hàng… Những trải nghiệm tích cực này đã mang lại cho họ cảm giác hài lòng rất lớn, từ đó thôi thúc họ tiếp tục học hỏi và “giải quyết vấn đề”.
Điều này cũng giải thích tại sao các công ty lớn thích tuyển dụng những nhân viên có trình độ học vấn cao. Công ty hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục sao chép những phản hồi tích cực do việc học của họ mang lại. Điều này cuối cùng sẽ mang lại lợi nhuận cho công ty, mang lại sự thịnh vượng và hạnh phúc cho xã hội. Một số người dành 30 năm để lặp lại cùng một công việc mà không đạt được tiến bộ nào. Trong khi một số người tiếp tục khám phá và giải quyết vấn đề trong khi làm cùng một công việc, đồng thời mang lại ngày càng nhiều lợi ích và giá trị cho những người xung quanh. Đây là sự khác biệt giữa một học sinh bình thường và một học sinh xuất sắc.
Vậy làm thế nào để chúng ta sử dụng 2 logic trên để học các kỹ năng mới trong cuộc sống thực? Trước hết, chúng ta tạo ra một kết tinh hướng ngoại, đảm bảo rằng chúng ta có điểm đầu ra bên ngoài rõ ràng. Ví dụ, nếu chúng ta học ở trường thì đầu ra là kỳ thi cuối kì, kỳ thi trung học và kỳ thi đại học. Nếu bạn là nhà soạn nhạc, bạn có thể thử cố gắng vừa sáng tác vừa xuất bản các bài hát, đồng thời không ngừng thúc đẩy bản thân hoàn thiện thông qua việc sáng tạo và chia sẻ. Ngay cả khi bạn học được điều gì đó dường như không thể làm ra sản phẩm, chẳng hạn như luật sư và kế toán, bạn có thể giao tiếp với các đồng nghiệp có kinh nghiệm.
Sau khi tìm được đầu ra phù hợp, bước tiếp theo là thu thập những dự án và tài liệu tham khảo tương ứng. Dự án là những gì bạn muốn sử dụng kỹ năng này để làm, chẳng hạn như học tiếng Anh cho kỳ thi TOEFL và tài liệu tham khảo là người sử dụng kỹ năng này đặc biệt tốt. Nếu muốn dự thi TOEFL, bạn cần tìm một người tham khảo giống mình. Ví dụ: Nếu bạn chưa có kinh nghiệm sống ở nước ngoài và không có cơ hội luyện nói thì người tham khảo đó cũng giống như bạn, nhưng anh ấy đã đạt được 29/30 điểm trong bài kiểm tra nói. Bạn có thể phân tích cách anh ấy luyện tập như một nguồn tham khảo. Với kết quả đầu ra, dự án và tài liệu tham khảo sẵn có, việc học của bạn sẽ có mục tiêu và động lực rõ ràng. Tương tự như vậy, trong công việc, bạn có thể tìm thấy một “hình mẫu” trong cùng lĩnh vực, xem tại sao anh ấy lại làm tốt công việc đó, phân tích lý do và nói chuyện với anh ấy nhiều hơn để có được thông tin tham khảo.
Lúc này, bạn sẽ sang bước thứ 2, đó là học hỏi kết tinh. Kết tinh của người khác thường được chia thành 3 loại: Giáo trình, phương pháp cụ thể và tài liệu phụ trợ. Giáo trình giải thích mọi thứ một cách chi tiết, nhưng nếu chỉ đọc sách giáo khoa thì bạn sẽ không hiểu rõ lắm, cho dù sách giáo khoa có chi tiết đến đâu thì cũng không thể bao quát hết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Như mọi người vẫn nói nếu quá chú trọng sách giáo khoa trở nên “giáo điều”, “thiếu thực tế” và “máy móc”. Lúc này, bạn cần phân tích mục lục sách giáo khoa và suy nghĩ xem tại sao lại sắp xếp thứ tự kiến thức như vậy. Khi hiểu cấu trúc của toàn bộ kiến thức từ trên xuống dưới thì bạn sẽ dễ dàng hơn để tìm hiểu chi tiết nội dung bên trong. Bạn không chỉ cần biết mình phải học những gì, mà còn cần biết lý do tại sao lại học những điều này. Khi hiểu logic đằng sau bất cứ điều gì, các thao tác cụ thể sẽ trở nên đơn giản hơn và khi đó bạn có thể chọn tài liệu phụ trợ có lợi cho mình dựa trên nhu cầu và điểm yếu của bản thân.
Bước cuối cùng là phá vỡ “kết tinh” của người khác, bạn mới có thể xây dựng lại “kết tinh” của riêng mình. Phương pháp cụ thể để phá vỡ “kết tinh” là viết nội dung sách giáo khoa ra giấy, sau đó gạch bỏ những thứ không có ích với bạn. Sách giáo khoa cho phép bạn biết được nội dung tổng thể và chi tiết của kiến thức cần học. Nhưng nếu quá “tôn sùng” vào sách giáo khoa sẽ khiến bạn quên đi mục đích học tập ban đầu. Mục đích học tập ban đầu của bạn là xây dựng bản đồ kiến thức của riêng mình chứ không phải để trở thành phiên bản lặp lại của người khác. Ví dụ, giáo viên trong trường giảng bài cho tất cả học sinh. Đừng lãng phí thời gian và sức lực của bạn vào những thông tin bạn không cần. Bạn chỉ cần tìm hiểu những thông tin hữu ích cho mình từ bài giảng, sau đó tạo ra “miền đất” của riêng mình.
Đáng buồn thay, dưới sự quảng bá của các cơ sở giảng dạy khác nhau, việc học một kỹ năng hay ngành nghề đã trở thành một hoạt động thương mại thuần túy, trường lớp không còn cho bạn biết ý nghĩa sâu sắc đằng sau của việc học. Có rất nhiều người bị cuốn theo vòng quay theo đuổi bằng cấp khác nhau. Bạn đăng ký một lớp học và trả tiền, nhưng sau 2 ngày bạn cảm thấy dường như mình đang chạy đua kiến thức, chứ không còn theo đuổi giá trị mà kiến thức mang lại, nên bạn không thể kiên trì được. Trải nghiệm này sẽ mang lại cho bạn cảm giác rất tồi tệ. Bạn sẽ than thở tại sao mình lại bị loại khỏi? Kiểu tự ti “làm việc gì cũng không được” này sẽ theo bạn suốt đời, cuối cùng bạn sẽ thất bại. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều công ty không muốn tuyển dụng những sinh viên kém. Và đây cũng là lý do tại sao chúng tôi chia sẻ “phương pháp thành công” mà chúng tôi đã học, hy vọng nó sẽ hữu ích cho mọi người.
Có thể nhiều người thắc mắc, bây giờ trí tuệ nhân tạo phát triển như vậy thì tại sao mình phải học hành chăm chỉ để làm gì? Học chăm chỉ bởi vì “ham thích học tập”. Những người ham học là những người yêu thích sự phát triển, trưởng thành. Hầu hết họ đều là những “học bá” (học sinh xuất sắc) trưởng thành ngoài đời. Việc học tập thực sự sẽ thấm vào da và cơ bắp, chảy vào máu và từ từ ảnh hưởng đến cách bạn giao tiếp với thế giới xung quanh. Thông qua sự phát triển bên ngoài, cuối cùng nó sẽ thúc đẩy sự phát triển bên trong của bạn, cho phép bạn trở thành hình mẫu mà bạn muốn.
Hy vọng rằng mọi người có thể trở thành kết tinh độc đáo của riêng mình, sau đó bạn sẽ nhận ra rằng, lý do thực sự tại sao thích những thứ nhanh chóng, đơn giản và chúng khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu ngay lập tức, là vì chúng ta vẫn chưa tìm thấy kết tinh của riêng mình.
Từ khóa Học tập Học giả học bá