Lâm viên Trung Hoa truyền thống – Sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên
- Ngọc Chi
- •
Lâm viên truyền thống của Trung Hoa đã có lịch sử hơn ba nghìn năm và vẫn được bảo tồn, trân trọng cho đến ngày nay. Dù có diện tích lớn hay nhỏ, các lâm viên đều chú trọng vào việc truyền tải sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, tạo nên không gian lý tưởng để con người thưởng ngoạn và chiêm nghiệm.
Triết học
Tuân theo các nguyên lý của Khổng Tử và Đạo giáo, các lâm viên Trung Hoa truyền thống thể hiện sự hợp nhất giữa con người với tự nhiên, và sự hài hòa này đạt được bằng cách kết hợp giữa các mặt đối lập. Người Trung Quốc xưa coi lâm viên như một biểu hiện nghệ thuật của tự nhiên.
Tất cả các lâm viên Trung Hoa truyền thống đều có bốn yếu tố chính: kiến trúc, thực vật, đá và nước. Các yếu tố này được kết hợp với nhau một cách khéo léo để tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hài hòa.
Kiến trúc của các lâm viên muôn hình muôn vẻ, là thể hiện của yếu tố con người để tạo nên sự cân bằng với tự nhiên. Các đình đài, lầu các, sân trong, lối đi có mái che và các cửa hình tròn đều có tác dụng làm điểm nhấn cho cảnh sắc thiên nhiên và là nơi để du khách dừng chân thưởng ngoạn.
Thực vật trong lâm viên rất phong phú và đầy màu sắc, chịu trách nhiệm cho vẻ đẹp luôn thay đổi của khu vườn. Các loại cây và hoa được lựa chọn cẩn thận về hình dáng, màu sắc, cách sắp đặt và hương thơm để tạo cảnh quan. Tiếng lá cây xào xạc trong gió hoặc những giọt nước mưa rơi trên lá tạo nên những âm thanh đặc trưng của khu vườn. Các loại cây ăn quả, hoa mẫu đơn, diên vĩ, tử đinh hương và hoa hồng… thường được trồng trong vườn vì có hương thơm quyến rũ.
Đá, tượng trưng cho sức mạnh và sự ổn định, mang lại cho người ta một cảm giác vững chắc về vị trí. Đá trong lâm viên rất đa dạng, từ những tảng đá lớn với các hình dạng khác nhau dùng để mô phỏng những ngọn núi hùng vĩ tượng trưng cho phẩm giá cao thượng; đến những viên đá nhỏ thường được dùng để trang trí trên những lối đi, đồng thời giúp bấm huyệt cho đôi chân trần của du khách.
Nước, đặc biệt là dòng nước đang lưu chuyển, tượng trưng cho cuộc sống, khiến tâm trí mở mang và là biểu tượng của sự giao tiếp và những ước mơ. Nước có vị trí trung tâm trong khu vườn, thường ở dạng ao và được thả cá koi hoặc cá vàng và hoa sen. Nước mềm mại bổ sung cho sự cứng cỏi vững chãi của đá và liên kết các đặc điểm khác được bài trí xung quanh nó.
Ngoài 4 yếu tố trên còn có yếu tố thứ năm, rất cần thiết cho khu vườn nhưng lại nằm bên ngoài nó, được gọi là cảnh mượn. Những ngọn núi ở xa hoặc các cảnh quan thu hút khác được đóng khung có chủ đích để tạo ra những khung cảnh bất ngờ trong khu vườn khép kín.
Sự kết hợp chỉn chu và hài hòa của 5 yếu tố trên có khả năng gợi lên những chiêm nghiệm sâu sắc và sự bình yên nội tại.
Cấu trúc
Các lâm viên Trung Quốc truyền thống gợi nhớ đến những bức tranh sơn thủy hữu tình. Dạo bước quanh khu vườn giống như trải nghiệm một thế giới khác và là cơ hội để khám phá bản thân.
Những cảnh đẹp bất ngờ được ẩn giấu sau những góc nhìn bị che khuất, đường đi quanh co, không đối xứng và có nhiều điểm nhấn. Không có gì nổi bật đến mức thu hút hết thảy sự chú ý, do đó đôi mắt và tâm trí của chúng ta được tự do lang thang suy tưởng.
Các yếu tố phong thủy thường được sử dụng để tạo nên năng lượng trong khu vườn. Mỗi khía cạnh trong cuộc sống được đại diện bởi các yếu tố khác nhau, và được đặt trong một khu vực cụ thể của khu vườn.
Khía cạnh sức khỏe được thể hiện ở trung tâm lâm viên với một hồ nước và hòn non bộ. Khía cạnh công việc được thể hiện ở phía bắc, thông qua đá và nước, sử dụng màu đen và xanh lam. Khía cạnh tình yêu, được tượng trưng bằng màu đỏ của hoa, đèn lồng hoặc các vật trang trí khác, được đặt ở phía nam. Trí tuệ được thể hiện ở phía đông, với sự sắp xếp phức tạp của nhiều loại cây khác nhau. Ở phía tây, có tình bạn, được thể hiện bằng màu trắng và được tô điểm bằng các vật trang trí bằng kim loại.
Mặc dù thiết kế của lâm viên được lên kế hoạch tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất nhưng trông lại hoàn toàn tự nhiên như không có sự can thiệp của con người.
Lịch sử
Trong thời nhà Thương và Tây Chu, lâm viên được coi là nơi săn bắn của hoàng đế. Lâm viên Trung Hoa đã phát triển qua các triều đại để trở thành một biểu hiện thơ mộng được tinh gọn từ thiên nhiên. Trong hoàng cung triều Tần và Hán đều có có vườn Ngự Uyển gồm hồ non bộ và rất nhiều loại thực vật.
Đến thời Ngụy và các triều đại Nam và Bắc triều, các quan lại sẽ thực hiện các chuyến du ngoạn với mục đích duy nhất là để trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên. Những cảnh đẹp này đã được đưa vào lâm viên dưới dạng sông núi. Sau đó, trong các triều đại nhà Tùy và nhà Đường, những trí thức đã tìm cách sàng lọc và đưa yếu tố văn hóa, văn học nghệ thuật vào vườn thông qua các biểu tượng. Những tảng đá lớn và đá cuội bắt đầu được sử dụng để tượng trưng cho các ngọn núi trong triều đại nhà Tống và nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh và nhà Thanh đã mang lại “kỷ nguyên vàng” của thiết kế lâm viên Trung Hoa, với việc xây dựng Vườn Hoàng gia ở Bắc Kinh. Các nhà thiết kế đã nâng cao vẻ đẹp tự nhiên bằng nhiều hình thức kiến trúc khác nhau, làm cho khu vườn trở thành một trải nghiệm sống động hơn là một khung cảnh tách biệt.
Những lâm viên nổi tiếng của Trung Quốc
Một số lâm viên đẹp nhất ở Trung Quốc được tìm thấy ở Tô Châu, bao gồm Chuyết Chính Viên (The Humble Administrator’s Garden), Thương Lãng Đình (Blue Wave Pavilion), Lưu Viên (The Lingering Garden), và Sư tử Lâm (Lion Grove).
Chuyết Chính Viên là khu vườn lớn nhất và được cho là đẹp nhất Tô Châu, là một công trình kinh điển từ thời nhà Minh. Lâm viên này được thiết kế bởi một viên quan về hưu có tên là Vương Hiền Trần, tên gọi của lâm viên phản ánh mong muốn rút lui khỏi chính trường của ông. Thiết kế của Chuyết Chính Viên như họa như thơ với rặng tre, lầu hóng mát, hồ sen và các cây cầu xinh xắn nằm rải rác.
Thương Lãng Đình của Tô Châu, được xây dựng vào thời nhà Tống giống như một khu vườn thượng uyển dành cho hoàng tử. Nhà thơ và học giả Su Shunyin đã tạo ra ảo ảnh quang học với khung cảnh bên trong và bên ngoài, bao gồm các lầu nhỏ, suối nước, cây xanh và địa hình. Năm 2000 nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Dự Viên được ca ngợi với kiến trúc tuyệt vời, các tảng đá với hình dạng ấn tượng và nghệ thuật tinh tế. Được xây dựng bởi Phan gia trong thời nhà Minh, nó có 6 khu vực riêng biệt, được ngăn cách bởi “các bức tường rồng” mà mỗi khu vực kết thúc bằng một điêu khắc hình đầu rồng. Các khu vườn đã bị hư hại nhiều lần trong các cuộc xâm chiếm khác nhau, nhưng đã được sửa chữa và hiện được coi là di tích quốc gia.
Từ khóa Thiên nhiên nghệ thuật truyền thống kiến trúc cổ Lâm viên