Lính cứu hỏa: Điều đầu tiên cần làm để cứu mạng khi xảy ra hỏa hoạn
- Tuệ Di t/h
- •
Vào ngày 24/5 vừa qua, vụ cháy nhà trọ kinh hoàng khiến 14 người chết, 3 người bị thương tại phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) lại dấy lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề cứu thoát nạn trong hỏa hoạn. Sau khi xảy ra hỏa hoạn, việc đầu tiên bạn nên làm là dập lửa, chạy trốn hay gọi cứu hỏa? Kẹt trong đám cháy, chạy như thế nào mới có thể đảm bảo tính mạng?
Việc đầu tiên bạn nên làm sau khi xảy ra hỏa hoạn là gì?
Giả sử nếu có đám cháy được phát hiện trong nhà của bạn, bước đầu tiên bạn làm là gì? Lính cứu hỏa Thái Tông Hàn (Cai Zonghan, người Đài Loan), người từng giữ vai trò tham mưu trưởng chỉ huy cứu trợ thiên tai trong nhiều vụ hỏa hoạn lớn, đã đưa ra câu trả lời giúp nhiều người trong tương lai có cơ hội thoát khỏi hỏa hoạn một cách an toàn.
Có phải là dập lửa trước?
Nhiều người trong tiềm thức thường sẽ muốn “dập lửa” ngay khi nhìn thấy đám cháy. Tuy nhiên, khi không xác định được nguyên nhân cháy là do giấy, dầu hay thiết bị điện thì việc dùng nước hoặc chăn bông để dập lửa được coi là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Nếu xung quanh bạn có bình chữa cháy, thì hãy sử dụng nó dập những ngọn lửa đang bùng cháy bao vây mình hoặc khi chiều cao của ngọn lửa thấp hơn 25 cm.
Chú ý phân biệt bình chữa cháy dạng bột và bình chữa cháy dạng khí:
Khi đang bị cháy, bạn chỉ có thể dùng bình chữa cháy bột khô để xịt vào cơ thể. Ngược lại, bình chữa cháy CO2 phun lạnh với nhiệt độ âm 70 độ C lên cơ thể đang cháy, có thể gây bỏng lạnh, thậm chí là bị hoại tử da.
Có phải là gọi cứu hỏa?
“Gọi cứu hỏa” có phải là điều ưu tiên không? Nếu bạn muốn gọi cứu hỏa thì yêu cầu trước tiên là hãy cố gắng cho đơn vị cứu hỏa biết địa chỉ nhà của bạn cụ thể, rõ ràng nhất có thể. Thật ra nói địa chỉ nhà bạn không khó phải không? Tuy nhiên, trong lúc đang cực kỳ hoảng loạn, bạn còn có thể nói rõ ràng và đầy đủ địa chỉ nhà mình không?
Trong một bài phát biểu tuyên truyền phòng chống thiên tai, ông Thái Tông Hàn đã phát một số tập tin ghi âm của những người báo cáo nơi xảy ra vụ cháy. Trong đoạn ghi âm, những người hoảng loạn đều không thể nói được địa chỉ đầy đủ và tất nhiên là người lính cứu hỏa ở đầu dây bên kia cũng không thể nghe thấy người này nói điều gì. Việc này sẽ làm chậm thời gian chạy thoát thân của bản thân.
Do vậy, cách an toàn nhất là chạy ra ngoài rồi sau đó mới gọi cứu hỏa.
Chạy thoát thân?
“Chạy thoát thân” nghe có vẻ là câu trả lời đúng nhất, nhưng ông Thái Tông Hàn lại chỉ ra trong cuốn sách “30 bài học sinh tồn khi chữa cháy” rằng: “Nguyên nhân của một số vụ cháy là do mọi người chạy trốn trong lo lắng và tuyệt vọng vào thời điểm hỏa hoạn mà quên mất rằng vẫn còn các thành viên trong gia đình trong đám cháy. Khi một người ở trong hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng và vô cùng hoảng loạn thì rất có thể sẽ vì bản năng tự vệ mà bỏ chạy”.
Có một ví dụ như thế này: Một người cha vội chạy xuống cầu thang để trốn thoát khi phát hiện cháy. Khi ấy cậu con trai 5 tuổi của ông cũng theo phản xạ thấy có cháy mà chạy theo anh xuống tầng dưới. Tuy nhiên, còn một đứa con trai 6 tuổi khác của ông thì vẫn bị kẹt tại hiện trường và cuối cùng bị thiêu chết. Người cha sau đó hối hận và luôn dằn vặt mình rằng: “Đáng lẽ ra tôi phải cứu con của mình trước mới đúng.”
Ông Thái Tông Hàn cho biết, sau khi phát hiện cháy, việc đầu tiên tốt nhất cần làm là “cảnh báo”. Cách đơn giản nhất là hét lên “cháy rồi” ba lần. Có hai nguyên nhân khiến người dân tử vong tại hiện trường vụ cháy, một là do đám cháy được phát hiện quá muộn, hai là do hành động ứng phó sai lầm. Vì vậy, mục đích của việc hô hoán là để mọi người trong nhà phát hiện đám cháy “sớm”, tranh thủ nhiều thời gian hơn để ứng phó.
Sửa ngay 3 quan niệm sai lầm này khi hỏa hoạn xảy ra để bảo toàn tính mạng
Sau khi cảnh báo và ứng phó tìm đường thoát hiểm, điều quan trọng nhất là cần tìm cách tránh làn khói dày đặc, bởi khói là “sát thủ số một” của các đám cháy.
Trong những phát biểu của mình, ông Thái Tông Hàn thường đưa ra 3 quan niệm sai lầm chết người khi thoát nạn đó là: Trốn trong phòng tắm, chạy lên lầu và dùng khăn ướt bịt miệng và mũi để thoát ra ngoài.
1. Không trốn trong phòng tắm
Hầu hết các cửa phòng tắm đều được làm bằng chất liệu nhựa. Khi cửa tan chảy do nhiệt, luồng khói dày đặc bốc lên có thể khiến chúng ta ngạt thở ngay lập tức. Đồng thời, những phòng tắm dường như có đủ nguồn nước nhưng lại không có khả năng chống lại luồng khói nhiệt độ cao do đám cháy bốc lên. Khi nhiệt độ tăng cao, nước trong phòng tắm sẽ nhanh chóng bốc hơi thành hơi nước khiến nhiệt độ phòng tắm tăng mạnh.
2. Không chạy thoát lên trên
Làn khói dày bốc lên khoảng 3 đến 5 mét mỗi giây, nhanh hơn nhiều so với tốc độ mọi người leo cầu thang. Đồng thời, càng lên tầng cao, nhiệt độ càng tăng.
Vì vậy, lối thoát hiểm an toàn là bạn hãy “chạy thẳng xuống dưới” tầng 1 rồi ra khỏi căn nhà. Sau khi thoát ra ngoài thì nhớ đóng cửa lại để hạn chế lửa và khói.
Sai lầm 3: Không dùng khăn ướt che miệng và mũi để thoát thân
Khăn ướt không thể ngăn được khí độc và nhiệt độ cao trong làn khói dày đặc mà ngược lại sẽ khiến mọi người phải chạy từ những nơi tương đối an toàn đến những tình huống nguy hiểm như phòng tắm, nhà vệ sinh để lấy khăn. .
Nguyên tắc đúng khi thoát khỏi đám cháy: Chạy nhanh khi lửa cháy nhỏ, đóng cửa chặn làn khói
Một nguyên tắc sinh tồn vô cùng quan trọng để tránh khói dày đặc khi có hỏa hoạn là: “Chạy nhanh khi lửa cháy nhỏ, đóng cửa chặn làn khói”. Nếu đám cháy được phát hiện sớm, bạn nên ngay lập tức sơ tán khỏi hiện trường. Còn trường hợp nếu đám cháy được phát hiện muộn hoặc đã lan rộng, chẳng hạn như khi bạn mở cửa để chạy thoát thân mà bên ngoài khói đã dày đặc và nhiệt độ đã rất cao thì bạn phải lập tức “đóng cửa” để chặn làn khói, sau đó hãy mở cửa sổ và kêu cứu và chờ cứu hộ.
Tuy nhiên, nếu không gian đang ở có những yếu tố sau thì không nên thực hiện phương án “đóng cửa để thoát hiểm”:
Thứ nhất, cửa ra vào là cửa nhựa, cửa kính, hoặc phía trên có cửa sổ thông gió, bởi khói và sức nóng sẽ vẫn tràn vào.
Thứ hai, là trong phòng không có cửa sổ nhìn ra bên ngoài.
Thứ ba, các phòng được làm bằng vách ngăn bằng gỗ sáng màu, hoặc toàn căn nhà được làm bằng gỗ hoặc tôn. Vì những căn nhà bằng gỗ và tôn dễ bị sập khi xảy ra hỏa hoạn.
Vậy lúc này, lựa chọn của chúng ta sẽ là gì? Chính là tìm cách “thoát ra trong tư thế thấp”, nghĩa là ở tư thế bò với hai khuỷu tay và đầu gối đều chạm đất và hai tay đưa ra trước đầu, để xem mình có cơ hội trốn ra ngoài hay không.
Tuệ Di t/h
Từ khóa hỏa hoạn cháy chữa cháy Lính cứu hỏa đám cháy thoát hiểm vụ cháy