Loài diều hâu New Britain sống ở một vùng đất xa xôi và đã ‘bốc hơi’ suốt 55 năm. Mới đây, một nhiếp ảnh gia đã chụp được ảnh của chúng.

Du an moi 88
Mất tích hơn nửa thế kỷ, loài chim quý hiếm đột nhiên xuất hiện. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Thật khó tin nhưng một loài chim quý hiếm được cho là đã biến mất trong nhiều thập kỷ nay đã xuất hiện trở lại ở Papua New Guinea. Hình ảnh gây chấn động của loài diều hâu New Britain (Accipiter princeps) được chụp lại bởi nhiếp ảnh gia bảo tồn và nhà làm phim Tom Vierus.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do WWF-Pacific (@wwfpacific) chia sẻ

Mới đây, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) đã khởi động dự án đánh giá đa dạng sinh học của khu vực và tiềm năng khởi xướng các sáng kiến ​​bảo tồn mới. Vierus là một thành viên trong nhóm được cử đến Quận Pomio xa xôi ở Papua New Guinea. Là một người có bằng thạc sĩ về sinh thái biển nhiệt đới, Vierus nắm trong tay rất nhiều kiến thức về thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, anh không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu sách vở mà còn rất chăm chỉ thực hiện những chuyến đi mạo hiểm vào rừng sâu để ghi lại hình ảnh của động vật hoang dã. 

“Khu vực này cực kỳ đa dạng sinh học nhưng việc tôi chụp được ảnh chim ưng là một điều may mắn”, Vierus chia sẻ.

Chuyến đi lần này của Vierus tràn ngập khó khăn và cả những trải nghiệm tuyệt vời. Anh đã có cơ hội thức dậy ở dãy núi Nakanai và nhìn ra tán rừng nhiệt đới phủ đầy sương mù trong khi lắng nghe tiếng hót của nhiều loài chim khác nhau. Những đêm mất ngủ, những vết côn trùng cắn, những chuyến đi bộ vô vọng trên những con đường không tồn tại, tất cả những điều này khiến anh kiệt quệ nhưng sau tất cả, bức ảnh lịch sử đã khiến anh cảm thấy mọi thứ thật xứng đáng.

“Khi nhận ra tầm quan trọng của bức ảnh, tôi không thể nói nên lời. Trong thời đại ngày nay, việc chụp được ảnh của một loài động vật mà chưa từng có ai chụp là điều không thể tin được”, Vierus nói.

Ban đầu anh không biết chú chim trong bức ảnh lại đặc biệt đến thế. Anh đã đăng tải hình ảnh lên iNaturalist – một nền tảng khoa học công dân cho phép các nhà nghiên cứu và những người đam mê ghi lại cảnh tượng động vật hoang dã. Sau đó, trang web Search for Lost Birds đã xác nhận nhân vật chính trong ảnh là một con diều hâu New Britain. Tác phẩm của Vierus là một hiện tượng “55 năm có 1” kể từ năm 1969. Các cộng đồng khoa học và bảo tồn đang rất phấn khích trước tin tức này.

John Mittermeier, giám đốc của The Search for Lost Birds tại American Bird Conservancy, cho biết: “Bản ghi chép khoa học cuối cùng về loài chim này dường như là một mẫu vật vào tháng 7 năm 1969 được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York, Hoa Kỳ. Loài diều hâu New Britain đã né tránh mọi hoạt động ghi chép bằng hình ảnh, âm thanh và mẫu vật trong suốt 55 năm”.

Người dân địa phương cho biết loài chim này rất hiếm và chỉ xuất hiện ở vùng đất xa xôi của Pomio. Trong ngôn ngữ của họ diều hâu New Britain được gọi là “keango” hoặc “kulingapa”.

Vierus đã khám phá khu vực này từ tháng 3 nhưng phải đến tháng 9 anh mới đăng bức ảnh quý giá của mình. Đối với anh, vẻ đẹp của Pomio là “không thể tin được”. Khu vực này có những bờ biển tuyệt đẹp và nguyên sơ, rừng nhiệt đới rậm rạp và ngoạn mục, cùng nhiều loài động thực vật đa dạng, một số loài “không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất”.

Nhiếp ảnh gia cho rằng những cảnh tượng như thế này thể hiện khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên của thiên nhiên và có thể “truyền hy vọng” cho cả cộng đồng khoa học và công chúng nói chung. Vierus tự cho bản thân là một người kể chuyện. Anh kể những câu chuyện của mình thông qua những bức ảnh chụp động vật hoang dã và giúp mọi người có ý thức hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường.

“Mọi người sẽ không quan tâm đến những gì họ không biết. Nhưng nếu được xem một bộ ảnh đầy cảm xúc hoặc một bộ phim truyền cảm hứng, chắc chắn thái độ của họ về vấn đề đó sẽ thay đổi. Nhận thức của họ sẽ khác đi và có thể họ còn muốn bắt tay vào hành động nữa. Trong một thế giới ngày càng phát triển nhanh chóng, chúng ta liên tục bị tấn công bởi các thông tin trực quan, tôi tin ngành nhiếp ảnh bảo tồn và kể chuyện đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, Vierus chia sẻ.