Một số tổn thương thời thơ ấu là do lời bông đùa vô tâm của cha mẹ
- Trúc Nhi
- •
Khi còn nhỏ, một câu nói vô tình của cha mẹ thường đi theo suốt cuộc đời con trẻ, ảnh hưởng đến cả đời chúng. Nếu ví đứa trẻ khi sinh ra như một tờ giấy trắng thì từng lời nói, hành động của cha mẹ chính là những nét bút đầu tiên vẽ lên tờ giấy ấy.
Lời nói của cha mẹ có thể nâng đỡ cuộc đời con
Những lời nói ấm áp, động viên và khích lệ của cha mẹ có thể khơi dậy tinh thần cầu tiến và khả năng sáng tạo ở trẻ.
Vào thế kỷ 19 tại Mỹ, có một cậu bé thường bị xem là lập dị trong lớp học, vì cậu thường đặt ra những câu hỏi ngoài sách vở khiến thầy cô đau đầu và cho rằng cậu đang cố tình quậy phá.
Một ngày nọ, giáo viên đưa cho cậu một tờ giấy và nói: “Mang về cho mẹ cháu, chỉ mẹ cháu mới được xem nội dung”.
Khi mẹ cậu bé mở tờ giấy, bà rơi nước mắt và đọc lớn cho con nghe: “Thưa bà, con của bà là một thiên tài. Trường hiện không có giáo viên nào đủ khả năng dạy em, kính mong bà tự mình dạy dỗ”.
Nhiều năm sau, cậu bé đã phát minh ra bóng đèn điện và cống hiến cho nhân loại. Cậu chính là nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison.
Sau này, khi mẹ Edison qua đời, ông dọn dẹp tủ áo và tình cờ tìm thấy tờ giấy ngày xưa. Khi đọc lại, ông thấy dòng chữ thực sự viết: “Thưa phụ huynh, rất tiếc, con bà có vấn đề về tâm thần. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, nhà trường quyết định chính thức cho em nghỉ học”.
Edison rơi lệ, và trong hồi ký của mình, ông viết: “Chính mẹ tôi đã biến một đứa trẻ bị xem là có vấn đề trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Lời nói của người mẹ đã đánh thức tài năng tiềm ẩn và thay đổi vận mệnh của ông.
Edison là một người may mắn, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như Edison.
Một số tổn thương thời thơ ấu đến từ lời nói không đúng mực của cha mẹ
Một giám đốc doanh nghiệp, thường xuyên uống rượu để giải tỏa áp lực. Khi say, điều anh buột miệng kể lại chẳng liên quan gì đến công việc, mà là: “Có mấy năm tuổi thơ, bầu trời lúc nào cũng xám xịt vì mẹ anh bảo anh là nhặt được từ thùng rác”.
Vợ anh ngạc nhiên hỏi: “Sao mẹ lại nói vậy?”
Anh cười khổ: “Anh hỏi mẹ là con từ đâu mà ra, chắc bà ngại giải thích về chuyện sinh sản nên nói đại như vậy. Mà lúc đó anh tin thật, cứ đi ngang thùng rác là tim đập chân run”.
Có một đứa trẻ học tiếng Anh không giỏi, sau một thời gian cố gắng, cuối cùng đạt 90 điểm. Cậu vui mừng khoe với cha mẹ nhưng người cha nghiêm mặt nói: “Con sao không so với bạn học giỏi hơn? Người ta còn được 100 kia kìa”.
Kết quả, đứa trẻ lên đại học rồi chuyển sang học tiếng Pháp, và từ đó không còn hứng thú với tiếng Anh nữa.
Một lần khác, có đứa trẻ mè nheo giữa đường, cha mẹ liền nói: “Còn khóc nữa, mẹ bỏ con lại cho chú công an bắt đi”. Hay: “Con không ăn rau chỉ ăn thịt, để cô y tá tới chích cho một mũi”.
Một phụ nữ hồi tưởng về thời thơ ấu của mình: Trên bàn ăn, mẹ cô từng đùa: “Em út kén ăn, mai mốt lớn không gả được cho chồng tốt đâu”. Giờ đây, cô vẫn độc thân. Kén ăn không còn là vấn đề, nhưng câu nói “gả không được cho người tốt” vẫn ảnh hưởng đến sự tự tin trong chuyện tình cảm của cô. Sau vài lần tan vỡ, cô quyết định chọn sống độc thân.
Những ví dụ trên rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày — những câu nói đùa nửa thật nửa chơi, những lời “hài hước lạnh”, hay những câu nói châm chọc. Ai lại có thể tin rằng người mẹ thật sự xem con mình là nhặt được từ thùng rác? Ai lại có cha mẹ nào thật sự bỏ con lại giữa đường? Ai lại không tự hào khi con học giỏi? Ai lại không mong con có một cuộc sống hạnh phúc, kết hôn với người tốt?
Tuy nhiên, vì nhiều lý do — có thể vô tình hoặc cố ý — cha mẹ lại thốt ra những lời như vậy. Nhưng những lời nói này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực gì đối với trẻ em?
Vì sao cha mẹ lại “nói móc” hoặc “nói lệch hướng”?
Những người có phong cách hài hước lạnh thường sở hữu tư duy linh hoạt, thích phá vỡ khuôn mẫu và sử dụng châm biếm hay ngôn ngữ phản đề để tạo ra hiệu ứng cảnh tỉnh. Tuy nhiên, khi là cha mẹ, nếu thường xuyên sử dụng kiểu hài hước lạnh này sẽ gây ra tác hại rất lớn.
Nhiều cha mẹ thường dùng lời nói vòng vo với các mục đích sau:
– Để thử phản ứng của con.
– Để né tránh những câu hỏi khó.
– Để “khích tướng” trẻ.
– Hoặc để dọa nạt con nhằm đạt hiệu quả nhanh chóng.
Ví dụ, có những đứa trẻ chỉ cần nghe đến “công an bắt” hay “bác sĩ tiêm” là liền nghe lời, và vì thấy hiệu quả tức thì nên cha mẹ lại tiếp tục dùng những câu nói này.
Trong giáo dục gia đình, kiểu dạy “ăn liền”, “dễ làm, nhanh có kết quả” dễ dẫn đến việc sử dụng phương pháp hù dọa, tránh né vấn đề, và điều này tạo ra một môi trường khiến ngôn ngữ không phù hợp dễ dàng xảy ra.
Vì sao trẻ lại bị tổn thương bởi những lời nói ấy?
Trẻ em vốn rất đơn giản và phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Chúng tin tưởng cha mẹ tuyệt đối, không phân biệt được thật giả, đúng sai. Lời nói của cha mẹ trở thành chân lý, in sâu trong lòng trẻ và ảnh hưởng lâu dài.
Khi trẻ không nhận được sự công nhận từ cha mẹ thì cảm giác an toàn của chúng bị tổn thương. Dù là lời nói nửa đùa nửa thật, lời phản ý hay lời châm biếm, chúng đều khiến trẻ cảm thấy bị lừa dối — và sự lừa dối này lại đến từ người mà trẻ tin tưởng nhất. Vết thương tinh thần ấy không hề nhỏ.
Hơn nữa, những lời nói sai lệch có thể làm nhiễu loạn khái niệm đúng – sai của trẻ. Ví dụ, khi trẻ cố gắng học giỏi nhưng không nhận được sự khích lệ mà lại bị mỉa mai “Sao không so với bạn đứng đầu?”, trẻ sẽ nghĩ rằng nỗ lực không quan trọng bằng việc so bì với người khác, từ đó hình thành một giá trị quan sai lệch. Khi trưởng thành, trẻ dễ cảm thấy thất vọng và nghi ngờ bản thân khi đối diện với thử thách.
Cuối cùng, sức khỏe tinh thần và cảm xúc của con người luôn gắn liền với cảm giác an toàn. Người có cảm giác an toàn sẽ bình tĩnh đối mặt với lo âu và áp lực. Gia đình là nơi đầu tiên giúp trẻ xây dựng cảm giác này. Nếu cha mẹ dùng lời châm biếm, giễu cợt, trẻ sẽ cảm thấy thiếu công nhận và yêu thương, từ đó khó có được cảm giác an toàn vững chắc.
Tình yêu và sự yêu thương được học từ gia đình từ thuở nhỏ. Ngôn ngữ và hành vi của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của con cái. Để giáo dục con hiệu quả, cha mẹ cần chú trọng vào lời ăn tiếng nói của mình: hãy lấy sự tôn trọng làm nền tảng, nói với con bằng thái độ chân thành để giúp con xây dựng lòng tự trọng và nhân cách vững vàng thay vì làm tổn thương tâm hồn con bằng những lời “xoáy”, lời “cay đắng”.
Tình yêu thể hiện qua lời nói còn quý giá hơn bạc vàng. Như nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Madeleine Hunter từng nói: “Trẻ em học cách yêu thương, học cách sống và học cách được tôn trọng. Nếu chúng học được những điều đó trong gia đình, chúng sẽ đủ sức đối mặt với cả thế giới”.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina
Từ khóa lời nói cha mẹ tổn thương
