3 điều giúp trẻ có tinh thần mạnh mẽ
- Minh Huyền
- •
Những thách thức, khó khăn, và thất bại trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, việc dạy dỗ để trẻ có tinh thần mạnh mẽ, giúp chúng trở nên kiên cường là một điều vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là chìa khóa để giúp trẻ đạt tới tiềm năng lớn nhất của chúng trong cuộc sống.
Tất cả trẻ em đều có khả năng phát triển sức mạnh tinh thần, chỉ cần chúng ta biết phải dạy chúng như thế nào. Nhưng, những vấn đề hàng ngày lại dễ dàng cuốn ta đi, như bài tập ở nhà hay bài thực hành bóng đá, khiến chúng ta quên nhìn vào bức tranh toàn cảnh của việc nuôi dạy con cái, điều vốn trọng đại hơn nhiều. Bởi lẽ đó, nhiều trẻ em không phát triển được sức mạnh tinh thần mà chúng cần có để trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm.
Dưới đây là 3 điều bạn có thể làm để giúp những đứa con của mình trở thành những mẫu hình mạnh mẽ và tốt nhất của bản thân chúng:
1. Dạy con trẻ suy nghĩ một cách thực tế
Cách thức mà con bạn suy nghĩ ảnh hưởng đến cách chúng cảm nhận và cư xử. Vì vậy, điều quan trọng là phải dạy trẻ cách đối phó với những suy nghĩ tiêu cực thái quá ra sao.
Trẻ em cũng phải đấu tranh với nhiều kiểu suy nghĩ giống như người lớn, như cảm giác thê thảm, thiếu tự tin, và sự chỉ trích gay gắt. Và đôi khi, cha mẹ thường vội vàng nói những điều như: “Khỏi lo đi” hoặc “Điều đó sẽ tốt đẹp thôi”, khi trẻ bày tỏ những mối bận tâm của chúng.
Hầu hết phụ huynh không bao giờ dạy cho trẻ em tự vấn đáp với bản thân rằng làm thế nào để chúng phát triển lành mạnh hơn. Và giải pháp không chỉ đơn giản là: “Hãy suy nghĩ tích cực”. Những đứa trẻ tin chắc mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp mà không làm gì cả thì sẽ khó có thể chuẩn bị và xử lý tốt khi phải đương đầu với những thách thức trong thực tiễn cuộc sống
Một đứa trẻ ban đầu nghĩ rằng: “Mình sẽ không bao giờ có thể vượt qua tiết học môn toán”, thì có thể học cách định hướng lại suy nghĩ tiêu cực của nó bằng việc tự nhủ: “Mình có thể cải thiện điểm số môn Toán của mình bằng cách học tập chăm chỉ, nhờ giúp đỡ và làm bài tập về nhà của mình”. Những trẻ em có suy nghĩ một cách thực tế thường cảm thấy tốt hơn về bản thân và dẻo dai, kiên định hơn.
Cách dạy cho trẻ điều này: Khuyến khích con bạn phải trở thành những thám tử có tư duy đánh giá bằng chứng, từ đó ủng hộ và bác bỏ các giả định của chúng. Khi con bạn nói điều gì đó tiêu cực, hãy hỏi: “Điều gì làm con nghĩ đó là sự thật?” và “Đâu là những bằng chứng có thể không đúng sự thật đây?” Dạy cho trẻ phải thách thức những suy nghĩ của chúng và tự chứng minh bản thân mình là sai.
- 10 lời khuyên của giáo viên dành cho phụ huynh để giúp trẻ “xốc lại” tinh thần học tập
- Trước khi trẻ hình thành tính cách, hãy dạy con những điều quan trọng này
2. Dạy con trẻ phải điều khiển được cảm xúc của bản thân
Một cuộc khảo sát về sinh viên đại học cho thấy hơn 60% thanh thiếu niên không có cảm xúc sẵn sàng đối với cuộc sống thực tế. Chúng thiếu những kỹ năng để đối phó với cảm xúc khó chịu, như cô đơn, nỗi buồn, và sự lo lắng.
Cha mẹ nhanh chóng sẽ nhảy vào và nói với con mình:“Đừng sợ” hoặc “Đó không phải là vấn đề lớn”. Nhưng chính điều đó lại dạy cho trẻ rằng những cảm nhận của chúng là sai hoặc chúng không thể xử lý được cảm xúc của bản thân.
Điều quan trọng là phải giáo dục trẻ em về những cảm xúc của chúng và những cảm xúc đó ảnh hưởng đến chúng như thế nào. Một đứa trẻ mà có thể nói: “Con cảm thấy lo lắng và nỗi lo âu đó khiến con muốn tránh né những điều đáng sợ”, sẽ được trang bị tốt hơn để đối mặt với những nỗi sợ hãi của nó. Nó cũng sẽ có hiểu biết tốt hơn về cách đối phó với cảm xúc của mình và nó sẽ có nhiều tự tin hơn trong khả năng của nó để xử lý tình huống không thoải mái.
Cách dạy cho trẻ điều này: Dạy cho con bạn phải nhận ra cảm giác của chúng. Gọi tên những cảm xúc của chúng là bước đầu tiên để hiểu những cảm xúc đó ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của trẻ. Xác nhận cảm xúc của con bạn và dạy cho chúng biết rằng chúng có những lựa chọn trong cách đối phó với cảm xúc của chúng ra sao.
- 3 độ tuổi “nổi loạn” của trẻ, cha mẹ cần chú ý để giáo dục con tốt
- Cha mẹ đừng làm “quan tòa đáng sợ” khi xử lý mâu thuẫn giữa các con
3. Dạy con có hành động tích cực
Tư duy thực tế và cảm giác tốt chỉ là một nửa trận chiến. Trẻ em cũng cần có hành động tích cực.
Thật không may, nhiều bậc cha mẹ sẽ nhanh chóng “giải cứu” trẻ em khỏi những khó khăn của chúng. Hoặc, họ quản lý ở mức vi mô các hoạt động hàng ngày của chúng. Và do đó, trẻ em không học được cách tự bản thân thực hiện những lựa chọn lành mạnh. Cho trẻ “cần câu” chứ đừng chỉ cho “cá”.
Hành động tích cực có nghĩa là trẻ cần đối mặt với nỗi sợ hãi, kiên trì khi mệt mỏi, và hành động theo các giá trị của bản thân – ngay cả khi điều đó không phải là điều phổ biến. Những đứa trẻ tin tưởng chúng có thể hành động trái ngược với cảm xúc của mình và có thể chịu đựng được khi không thoải mái thì sẽ có lợi thế cạnh tranh trong mọi việc chúng làm trong cuộc sống.
Cách dạy cho trẻ điều này: Chủ động dạy cho trẻ em những kỹ năng giải quyết vấn đề. Cho trẻ thấy chúng có quyền tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của bản thân và cả trong cuộc sống của người khác. Giúp trẻ thấy rằng chúng có thể thực hiện các bước nhỏ mỗi ngày để dần trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Theo INC
Minh Huyền
Xem thêm:
Từ khóa Dạy con Phương pháp dạy con khoa học Bí quyết dạy con phát triển tư duy trẻ nhỏ