Nam Cực – Vùng Đất Tận Cùng Trái Đất (Phần I)
- Ngọc Chi
- •
Barbara và Manos Angelakis đã có một chuyến du lịch thám hiểm đầy ngoạn mục đến thăm nơi lạnh nhất Trái Đất – Nam Cực. Họ đã ghi lại những trải nghiệm đáng kinh ngạc về chuyến hành trình thay đổi cuộc đời này.
Mặc dù tôi biết rằng Nam Cực là một trong những nơi lạnh nhất trên trái đất, nơi có nhiều vùng nước có thể biến thành băng mà không cần báo trước, nhưng tôi đã không chuẩn bị sẵn sàng cho việc đối mặt với những cơn gió. Khi tôi nói gió, ý tôi không phải là loại gió thông thường có thể làm bay chiếc mũ, mà là loại có thể thổi tung cơ thể bạn lên không trung như một quả tên lửa.
Lúc này, có thể bạn đã đoán được tôi đang nói về chuyến du ngoạn mới đây của chúng tôi đến Nam Cực.
Nam Cực thực sự là một điểm đến độc đáo! Không có người, không có di tích cổ xưa, không có những thành phố nhộn nhịp hiện đại; không đèn, không vỉa hè, không dấu hiệu có người ở. Tuy nhiên, khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đang đổ xô đến đây để được nhìn thấy lục địa này trước khi nó bị chìm xuống đáy biển và biến mất mãi mãi giống như lục địa Atlantis huyền thoại.
Nhưng vùng đất này không phải là một câu chuyện truyền thuyết – nó có thật! Nam Cực – một môi trường tự nhiên nguyên sơ – là món quà của các vị Thần nước và băng. Nam Cực được xác nhận là lục địa thứ 7 vào năm 1820. Đã có thời gian nó được coi là “Vùng đất phương Nam vô danh” – được đưa ra giả thuyết nhưng không được biết đến. Có tranh cãi về việc ai đã thực sự phát hiện ra lục địa Nam Cực (những người đi thuyền đến gần đó nhất, những người đã nhìn thấy nó từ tàu của họ, hay những người đầu tiên đặt chân lên nó), nhưng cuối cùng năm 1820 đã được thống nhất là tìm ra Nam Cực.
Ra khơi
Cuộc phiêu lưu của chúng tôi bắt đầu vào một ngày hè ấm áp ở Buenos Aires, thủ đô nổi tiếng của Argentina. Chúng tôi đã dành cả ngày để ngắm cảnh thành phố với những đại lộ rợp bóng cây và những tòa nhà tuyệt đẹp theo phong cách kiến trúc Beaux Arts. Tiếc là chúng tôi không có thời gian để thưởng thức một buổi trình diễn tango – trái tim đang đập của Argentina – vì phải dậy sớm từ 3 giờ sáng. Chúng tôi bắt buộc phải dậy vào cái giờ oái oăm này để bắt chuyến bay thuê riêng đến Ushuaia, tại đó lên tàu du lịch Ultramarine – là con tàu mới nhất trong dòng tàu sang trọng Quark Expeditions đi qua Biển Nam.
Các cuộc hành trình bằng thuyền đều phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nhưng may mắn đã đến với chúng tôi khi rời Ushuaia đi về phía nam qua Kênh Beagle – tuyến đường thủy tự nhiên ngăn cách Argentina và Chile. Vào ngày đầu tiên trên biển, thời tiết tuyệt đẹp với bầu trời trong xanh và biển đủ lặng để chúng tôi đi thuyền bơm hơi ra Cape Horn – mũi cực nam của Chile. Chà, hãy để tôi tả lại tình huống lúc đó theo cách nhẹ nhàng: Vì Aeolus (tên vị Thần gió trong thần thoại Hy Lạp) đã tạo ra những cơn gió với tốc độ từ 40 đến 50 dặm/giờ ở mặt nước biển, nên không nghi ngờ rằng có những cơn gió giật mạnh hơn đang đợi chúng tôi ở đỉnh mũi đá – nơi nước biển của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương hội tụ.
Cỗ máy kim loại một thời đưa du khách lên núi nay đã bị rời thành từng mảnh, nên khi vừa rời thuyền bơm hơi, chúng tôi đã được mời leo lên 152 bậc thang gỗ ọp ẹp chênh vênh, thỉnh thoảng có cái bị gãy để leo lên đỉnh. Điều đáng nói là để được lên thuyền bơm hơi, bạn phải mặc ba lớp tất cả mọi thứ từ tất đến mũ, bao gồm cả ủng chống nước hạng nặng, kính bảo hộ, áo khoác và PFD (thiết bị nổi cá nhân), mà với những cơn gió dữ dội đã khiến “cuộc dạo chơi” trên những bậc thang còn trở nên bấp bênh hơn. Vì vậy, tôi phải trèo lên từng bước từng bước một – (ít nhất cũng có một bên tay vịn… đại loại như vậy… để bám vào, tôi tự nhủ đi nhủ lại như vậy.)
Một chuyến đi quá sức
Thở hổn hển bước lên bậc thang cuối cùng, tôi bước ra nơi mà tôi hy vọng sẽ là đỉnh núi. Cho đến thời điểm đó, tôi không biết rằng các bậc thang chỉ là khúc dạo đầu cho chặng leo dốc vẫn còn ở phía trước trên một con đường được dựng bằng lưới kim loại màu vàng tươi – giống như con đường gạch màu vàng trong Phù thủy xứ Oz…Mà không phải! Nền đường là để bảo vệ những cây phát triển chậm trong môi trường khắc nghiệt này khỏi những vị khách hai chân; trong khi kền kền và chim biển được chào mời tự do đi lang thang.
Có một lối đi dẫn đến tượng đài Albatross và một lối đi dẫn đến ngọn hải đăng… và lần này không có tay vịn để giúp giữ thăng bằng trước gió. Đài tưởng niệm Albatross đầy ấn tượng là nơi tưởng niệm hàng nghìn sinh mạng đã thiệt mạng khi cố gắng vượt qua mũi đất đầy nguy hiểm này trong lịch sử.
Trạm hải đăng được giám sát bởi Hải quân Chile và hàng năm, một gia đình mới được chọn từ các tình nguyện viên để dành thời gian sống tại ngọn hải đăng. Năm nay, gia đình được chọn là trung sĩ hải quân José Luarte cùng vợ và ba đứa con nhỏ.
Gió mạnh đến nỗi tôi không thể không hỏi liệu họ có lo ngại rằng một trong những đứa trẻ có thể bị gió cuốn đi không, đặc biệt là khi tôi nhìn thấy đứa bé nhất chạy tung tăng và chân không chạm đất.
Họ đảm bảo với tôi rằng khi trời rất gió — khi tốc độ gió ở đây đo đến 186 dặm/giờ — bọn trẻ sẽ chơi bên trong. Gia đình sẽ ở lại ngọn hải đăng cho đến khi gia đình hải quân tình nguyện tiếp theo thế chỗ. Đây là một vị trí danh dự, được quản lý bởi những người yêu nước, những người coi việc đại diện cho đất nước theo cách này là một đặc ân lớn.
Cape Horn là một trải nghiệm tuyệt vời đầu tiên vì nó gắn kết hành khách và nhân viên đoàn thám hiểm lại với nhau trong một chuyến phiêu lưu chung và chuẩn bị cho chúng tôi những thử thách cần thiết để hướng đến eo biển Drake khét tiếng – chặng hành trình cuối cùng dẫn đến Nam Cực. Ngài Frances Drake (1540-1596) lần đầu tiên phát hiện ra đường thủy — chứ không phải lục địa — khi đang đi vòng quanh trái đất trên một con tàu gỗ có kích thước bằng 1/3 tàu Ultramarine.
Đoạn eo biển Drake được mệnh danh là một trong những vùng biển khắc nghiệt nhất thế giới; lòng dũng cảm và nghị lực của những thủy thủ gan dạ đầu tiên đến đây cũng giống như việc các phi hành gia ngày nay bước vào một “viên nang nhỏ” và hướng tới sao Hỏa, ngoại trừ việc các phi hành gia mặc đồ bảo hộ, có thông tin liên lạc tinh vi và kiến thức khoa học về những gì sẽ xảy ra. Ngược lại, Drake và các thủy thủ của ông thậm chí còn không chắc liệu họ có rơi khỏi mặt đất khi đến chân trời hay không.
Hãy theo dõi Phần II
Từ khóa Nam Cực nơi tận cùng Trái Đất