Nếu bạn mệt mỏi, hãy tự an ủi mình
- Trúc Nhi
- •
Nhiều khi chúng ta cảm thấy cuộc sống thật mệt mỏi, muốn tìm một nơi để trốn tránh. Nhưng dù đến đâu cũng không thể loại bỏ được những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu. Vậy bạn có thể thử những cách này, tự giúp mình thoát khỏi mệt mỏi, tìm về nơi an tĩnh trong tâm hồn bạn.
Ai rồi cũng có những lúc tâm trạng không vui, khi ấy đừng để những thứ cảm xúc buồn bã, chán nản, tự trách hay tủi thân hành hạ bạn. Cách này không những không thể giải quyết vấn đề mà còn khiến bạn ngày càng trở nên tiêu cực và lún sâu hơn vào rắc rối.
Vậy làm thế nào để có thể điều chỉnh tốt cảm xúc khi đang ở trong một tình trạng tồi tệ?
1. Khi tâm trạng không vui, hãy ngừng nghĩ về những điều khiến bạn buồn
Những điều khiến bạn buồn phiền phần lớn đều là suy nghĩ chủ quan, tự nghĩ ngợi rồi tự buồn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, hãy phóng tâm mắt rộng ra một chút, đi tìm nguyên nhân từ khía cạnh khách quan, tránh việc cứ mãi để bản thân bị mắc kẹt trong cảm xúc tiêu cực.
Trong cuộc sống, luôn có những chuyện không vui, bất kể ai làm điều gì sai cũng đều khiến chúng ta buồn. Chỉ là có người sẽ lựa chọn tự mình giải quyết vấn đề, có người sẽ lựa chọn âm thầm “tiêu hóa” hết thảy những chuyện này, họ mặc kệ là như thế nào, chỉ cần bản thân vui vẻ là được.
Đời người như một dòng sông, bờ bên trái là ký ức khó quên, bờ bên phải là hiện tại không thể bỏ lỡ, còn ở giữa chính là buồn vui đan xen không ngừng chảy. Cho nên đôi khi cần lắng đọng, có lúc cần một mình, có lúc cần phải lãng quên và đôi khi lại cần thời gian để suy ngẫm. Bởi lẽ, cuộc sống này phải có đủ trải nghiệm để bạn có thể trưởng thành.
2. Học cách tha thứ cho người khác và tử tế với chính mình
Mỗi người đều có tính khí, ý tưởng và cách làm của riêng mình, và tất nhiên ai cũng đều có ưu và khuyết điểm.
Trên đời này, không có người nào là hoàn hảo, cũng không có việc gì là hoàn hảo. Những điều không vừa ý bằng cách này hay cách khác sẽ luôn xảy ra trong cuộc sống, mà đó lại là điều bạn không thể tránh khỏi. Khi đối mặt với những điều này, chúng ta hãy học cách đối xử với người khác bằng sự khoan dung và đối xử với bản thân bằng sự tha thứ, khích lệ.
Chỉ khi chúng ta biết khoan dung cho người, và biết bao dung hơn cho mình, thì chúng ta mới có thể hòa hợp với nhau tốt hơn. Đừng quá nghiêm trọng hóa mọi thứ, đôi khi sự nghiêm túc quá mức sẽ chỉ tạo ra rắc rối và nỗi đau cho cả hai. Việc bạn có thể rộng lượng tha thứ cho đối phương cũng chính là cách bạn đối xử tốt nhất với bản thân mình.
3. Đừng quan trọng hóa vấn đề
Có câu nói: “Đừng tranh luận với những kẻ ngốc, bởi vì sau đó bạn sẽ không còn nhận ra được ai là kẻ ngốc nữa.”
Người ngốc nhất trên đời là người luôn quan tâm đến chuyện của người khác, coi chuyện của người khác như là chuyện của mình, bàn tán, bình luận không biết chán.
Họ chỉ quan tâm đến những gì khiến họ cảm thấy hiếu kỳ, thậm chí cố gắng hết sức để “quan tâm đến từng chi tiết”. Nhưng họ không biết rằng, đối với rất nhiều việc, thì thà từ bỏ còn hơn mất thời gian giải thích và tranh luận. Nếu bạn không thể thay đổi tất cả, hãy thay đổi bản thân và làm cho mình mạnh mẽ hơn. Đừng quan tâm quá nhiều đến mọi chuyện, có như vậy cuộc sống mới trở nên dễ thở.
Cuộc sống cũng giống như một cuộc chạy marathon, không phải người chạy nhanh nhất sẽ chiến thắng. Thắng hay thua tạm thời không quan trọng, quan trọng hơn là bạn có nhìn rõ bản thân mình không, bạn đã cố gắng để không quan tâm quá nhiều và cởi mở với mọi việc hay chưa.
Đời người ngắn ngủi chỉ có mấy chục năm, nhưng để đi hết thì thật không hề dễ dàng. Chỉ bằng cách buông bỏ tham muốn và hiếu kỳ, mới có thể để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Hãy nhớ một điều rằng những người có thể tồn tại trong cuộc sống này phải là những người biết cách bằng lòng và học cách buông bỏ.
4. Đừng để bị đắm chìm trong tiêu cực, hãy huyển hướng sự chú ý và để tâm trí được nghỉ ngơi
Khi tức giận, buồn hoặc khó chịu, hãy thử chuyển hướng sự chú ý, làm điều gì đó bạn thích để tránh xa những cảm xúc tiêu cực.
Lúc không vui, bạn có thể tìm một nơi không có ai, tìm một vị trí thoải mái cho mình và khóc thật nhiều. Sau khi khóc xong bạn sẽ thấy rằng những rắc rối của bạn đã biến mất không một dấu vết.
Lúc tâm trạng không tốt, bạn cũng có thể đi dạo hoặc tập thể dục ngoài trời. Một lựa chọn khác là xem một bộ phim hài nhẹ nhàng, hay đi dạo trong công viên. Còn khi cảm thấy tồi tệ hơn nữa, bạn hãy tự thưởng cho mình một khoảng thời gian nghỉ dưỡng và để bản thân thay đổi tâm trạng nhé.
5. Đừng giấu lo âu trong lòng, hãy tâm sự cởi mở với người bạn thân thiết của bạn
Nhiều người luôn cho mình là người “thẳng thắn nhanh miệng”, thực ra “nhanh miệng” và “trung thực” là hai việc khác nhau, đằng sau sự “nhanh miệng” đó có thể ẩn tàng tâm lý muốn giấu diếm một số điều nào đó.
Trước những bí mật không thể nói ra, bạn hãy thử trò chuyện với bạn bè của mình. Khi nói chuyện, khi chia sẻ những rắc rối với người khác, bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều người đã trải qua những điều tương tự, và có thể họ cũng đã gặp rắc rối bởi vấn đề này hay vấn đề kia.
Khi gặp những điều khó đối mặt, hoặc không dám nói ra, chúng ta đừng ngại ngần mở lòng và tâm sự với bạn bè. Chia sẻ những cảm xúc bị kìm nén bấy lâu trong lòng với người khác không chỉ có thể giải tỏa tâm trạng mà thông qua trò chuyện còn có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề.
6. Đừng để tâm quá nhiều về nhìn nhận của người khác về bạn
Sai lầm lớn nhất trong đời là quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác. Đôi khi chúng ta thấy cuộc sống quá mệt mỏi, thật ra không phải vì hiện thực khắc nghiệt mà là vì chúng ta quá dễ bị hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng, cũng như bị cảm xúc của người khác chi phối.
Tốt hơn hết là đừng tiếp tục dằn vặt mình, bạn hãy xem như đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân, suy nghĩ một chút xem tình hình có thật sự tệ hại đến mức đó không, bản thân còn khuyết điểm gì cần sửa, nghĩ cho mình một kế hoạch để làm tốt hơn nữa. Chỉ cần bạn cố gắng, vậy là rất tốt rồi. Lúc đó, bạn nên tự hào về bản thân vì đã không để bất cứ điều gì đánh ngã, hãy tự hào vì bạn đã luôn cố gắng.