Nghị lực phi thường của “cô bé bóng rổ” chỉ có nửa thân hình
- Hoài Anh
- •
Tuy bị mất toàn bộ chi dưới sau tai nạn khi mới 5 tuổi, nhưng cô bé Qian Hongyan đã khiến những người xung quanh phải thán phục vì nghị lực phi thường của mình khi giành hàng loạt huy chương bơi lội trong các cuộc thi quốc tế.
Qian Hongyan, sinh năm 1996, tại huyện Luliang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cô bé từng nổi tiếng một thời với biệt danh “cô bé bóng rổ”. Biệt danh này không xuất phát từ việc Qian yêu thích bóng rổ, mà khởi nguồn từ một vụ tai nạn hơn 20 năm trước. Vào tháng 10/2000, cô bé nhí nhảnh và hay cười này không may mắn gặp phải một tai nạn kinh hoàng, 2 chân cô bị xe tải cán qua dập nát. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức để chữa trị nhưng vết thương quá nặng, Qian Hongyan phải cắt cụt 2 chân và trở thành người khuyết tật.
“Khi tỉnh dậy, cháu chỉ thấy 2 bàn chân lạnh toát. Cháu gọi mẹ đi giày vào nhưng mẹ không nói gì, nước mắt tuôn rơi. Sự thật là chân của cháu không bao giờ đi lại được nữa”, Qian Hongyan nhớ lại.
Gia đình của Qian vô cùng nghèo khó. Họ làm nông và dệt lụa để kiếm sống qua ngày. Theo tờ People’s Daily Online, vì gia cảnh khó khăn, ông của cô bé đành phải cắt một quả bóng rổ cũ để thay cho phần dưới của cô bé. Cô bé đã phải học cách “bước đi” bằng tay và nâng đỡ toàn bộ thân người bằng 2 miếng gỗ có gắn tay cầm. Quả bóng rổ giúp cô bé giữ thăng bằng và nâng đỡ cơ thể khi cô bé mệt – từ đó biệt danh “cô bé bóng rổ” gắn liền với Qian.
May mắn thay, nỗi đau thể xác không thể tước đoạt nụ cười hồn nhiên và nghị lực sống của cô bé. Qian nhanh chóng làm quen với cuộc sống trên quả bóng của ông nội cắt, vui chơi, đùa nghịch cùng chúng bạn và khao khát được đến trường.
Ngày đầu tiên đến trường, nhìn thấy Qian, bạn bè cùng lớp xúm lại nhưng cô bé không hề mặc cảm hay sợ hãi mà khẳng định muốn được đi học, điều này khiến cha mẹ càng tin tưởng ở con gái hơn.
Câu chuyện của cô bé Qian dần được nhiều người Trung Quốc biết đến. Các nhà hảo tâm đã chung tay tài trợ, đưa cô đến Bắc Kinh để thăm khám và phục hồi chức năng. Tại đây, Qian được lắp chân giả giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Với Qian, đôi chân giả góp phần mở ra một cuộc sống mới và tạo đà cho cô đến với con đường trở thành một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp.
“Ngoài giờ học, em không thể chạy nhảy như bạn bè của mình. Thế nhưng khi ở dưới nước, mọi người đều như nhau. Và em xem đây là một trong những lý do khiến mình thích bơi lội đến vậy”, Qian nhớ lại.
Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, Qian từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn “Dường như không có cách nào để em có thể nổi được trên mặt nước. Em luôn bị sặc nước”. Nhưng cô bé đã đặt toàn bộ trái tim của mình vào thể thao.
Ban đầu, mọi người ở lớp dạy bơi không mấy để ý đến Qian. Tuy nhiên, theo thời gian, cô bé đã bộc lộ tài năng trong bơi lội, khả năng nổi tốt, cánh tay khỏe, sức bền tốt. Nhờ đó, Qian được đào tạo bài bản và có hệ thống với nhiều kiểu bơi khác nhau.
Mỗi ngày Qian cùng đồng đội tập luyện không dưới 4 tiếng. Với giáo trình đặc biệt của huấn luyện viên Zhang Honghu, cô bé có thể giữ cân bằng 2 vai và ổn định tốc độ khi bơi.
Và sự nỗ lực của Qian cuối cùng cũng được đền đáp. Chỉ trong vài năm, cô bé đã giành được nhiều HCV tại các cuộc thi quốc gia và đã mơ tới giấc mơ được đại diện Trung Quốc tham dự Paralympics ở London năm 2012.
Năm 2009. Qian lại dành được sự chú ý khi giành được 1 HCV và 2 HCB tại cuộc thi bơi lội quốc gia dành cho người khuyết tật ở Trung Quốc. Cô bé đã giành được thêm 3 HCB cũng trong kỳ thi đó ở năm tiếp theo.
“Em thích bơi lội, nó đã thay đổi cuộc đời và giúp em thấy được những điều tuyệt vời”, Qian Hongyan chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.
Hiện tại, Qian đã giải nghệ và đang trên hành trình trở thành một huấn luyện viên để có thể giúp đỡ những thế hệ vận động viên khuyết tật tiếp theo. Qian đồng thời cũng đảm nhận một công việc trong hội khuyết tật tại quê nhà.
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa phi thường Câu chuyện cuộc sống nghị lực sống