Nghiên cứu: Trẻ nhỏ tiếp xúc nhiều với màn hình thường khó kiểm soát cảm xúc
- Trúc Nhi, Tuệ Di t/h
- •
Rất khó để đối phó với trẻ nhỏ khi chúng mất bình tĩnh nên một số bậc cha mẹ có thể nghĩ rằng việc cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại di động, TV, v.v sẽ khiến chúng được xoa dịu. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy, dù phương pháp này có thể mang lại hiệu quả nhưng về lâu dài, trẻ sẽ không biết cách kiềm chế cảm xúc và gây ra nhiều vấn đề nguy hại hơn.
Xoa dịu con trẻ bằng các thiết bị điện tử có tốt không?
Sử dụng thiết bị điện tử để điều chỉnh cảm xúc của trẻ “có thể có hiệu quả trong thời gian ngắn”, nhưng về lâu dài nó sẽ dẫn đến chứng nghiện mất kiểm soát và khiến trẻ khó đối phó hơn với các tình huống căng thẳng trong tương lai cũng như dẫn đến nhiều vấn đề hơn về phản ứng cảm xúc.
Các thí nghiệm về mức rối loạn trong việc kiểm soát hành vi của trẻ từ 3 tới 5 tuổi cho thấy việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử sẽ chỉ khiến tình trạng rối loạn cảm xúc ở trẻ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa, việc sử dụng thiết bị điện tử để dỗ dành sẽ làm mất đi cơ hội dạy trẻ cách phản ứng tích cực với các cảm xúc.
Các nhà nghiên cứu từ Canada và Hungary đã thực hiện một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi với hơn 300 phụ huynh có con từ 2 đến 5 tuổi ở Nova Scotia.
Kết quả nghiên cứu cho thấy “nếu cha mẹ thường xuyên cho trẻ chơi các thiết bị điện tử nhằm xoa dịu hoặc giảm cơn mất bình tĩnh của trẻ thì trẻ sẽ không học được cách điều tiết cảm xúc của mình”.
Theo CBC, bác sĩ nhi khoa Michelle Ponti của Ontario cho biết: “Sử dụng thiết bị điện tử như một chiến thuật để trấn an trẻ em có thể trở thành một vòng luẩn quẩn. Chiến lược này thường hoạt động tốt trong thời gian ngắn. Nhưng chúng tôi biết từ các nghiên cứu tương tự rằng nó thực sự tạo ra một vấn đề lớn hơn về lâu dài vì không có các thiết bị điện tử, trẻ em sẽ khó học được bất kỳ kỹ năng mới nào hơn.”
Bác sĩ Angela Mattke tại Trung tâm nhi khoa Mayo Clinic cho biết rằng trẻ từ 6 tháng tuổi đã biết bắt chước hành động trên TV. Cô chia sẻ: “Có mối liên hệ chặt chẽ giữa những nội dung truyền thông bạo lực và hành vi hung hăng của trẻ em.”
Cha mẹ cần là người đưa ra quy tắc sử dụng thiết bị điện tử cho con cái
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra các khuyến nghị về việc sử dụng thiết bị công nghệ cho trẻ em như sau:
– Trẻ từ 0 – 18 tháng: Không được nhìn vào màn hình thiết bị điện tử.
– Trẻ từ 18 tháng – 4 tuổi: Có thể nhìn màn hình những lúc trò chuyện qua video, tuy nhiên cần có sự giám sát của người lớn.
– Trẻ 4 – 5 tuổi: Được phép sử dụng trong giới hạn tối đa là 30 phút/ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần chọn lọc các video mang tính giáo dục bổ ích.
– Trẻ từ 6 tuổi trở lên: Được phép sử dụng trong giới hạn tối đa là 1 tiếng/ngày. Đặc biệt là cha mẹ cần đưa ra quy định chặt chẽ về việc thời gian sử dụng để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học, ngủ, tập thể dục và các hoạt động khác cần thiết cho sức khỏe của trẻ.
– Giảm thiểu tối đa thời gian sử dụng thiết bị, đặc biệt là không cho trẻ nhìn vào màn hình ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
– Thiết lập các thói quen lành mạnh như khuyến khích trẻ cùng cha mẹ đọc sách, chơi trò chơi và hoạt động ngoài trời. Đồng thời, cần tránh xem TV ở chế độ nền.
Nếu có thể, hãy tránh mang thiết bị điện tử đến gần con của bạn
Não trẻ phát triển nhanh nhất trong 6 năm đầu đời. Các nhà khoa học thậm chí còn gọi giai đoạn này là “bộ não thần đồng”. Khi này trẻ có thể tiếp thu mọi thứ và hình thành nên các liên kết thần kinh để trở thành một mạng lưới dày đặc, và những liên kết này sẽ tồn tại suốt cuộc đời của đứa trẻ.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu quét não của trẻ từ 3 đến 5 tuổi, các nhà khoa học nhận ra rằng những trẻ tiếp xúc sớm với màn hình điện thoại trong thời gian dài thường có mức độ phát triển các vùng chất trắng trong não rất thấp và lộn xộn. Đây là khu vực chịu trách nhiệm phát triển ngôn ngữ như đọc viết, nói, hiểu và nhận thức. Bởi việc sử dụng tivi, điện thoại, máy tính bảng đã cản trở giai đoạn phát triển, khiến trẻ không có cơ hội tiếp nhận thêm thông tin để tạo ra các liên kết thần kinh vững chắc nhất.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy trẻ 2 tuổi xem TV hơn 3 giờ mỗi ngày có nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ cao hơn 3 lần so với trẻ đồng trang lứa xem TV chưa đến 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nguyên nhân là do trẻ học tương tác trực tiếp với người và vật nhanh hơn so với việc nhìn vào màn hình.
Vậy nên, trong 6 năm đầu đời của con, cha mẹ cần tập trung vào sự tương tác, để tăng vốn từ vựng, tăng khả năng gắn kết tình cảm cũng như thúc đẩy khả năng EQ ở trẻ, đây là yếu tố giúp trẻ có thể phát triển tư duy một cách toàn diện nhất.
Từ khóa điện thoại di động trẻ nhỏ cha mẹ thiết bị điện tử màn hình