Người mẹ có 3 đặc điểm này thì con sẽ rất xuất sắc
- Trúc Nhi
- •
Mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Khi mẹ có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, điều này không chỉ giúp trẻ hình thành nhân cách tốt mà còn giúp chúng nhận thức rõ tầm quan trọng của lòng nhân ái và trách nhiệm. Những giá trị này sẽ là nền tảng vững chắc, giúp trẻ phát triển và trở nên xuất sắc hơn trong tương lai.
Nhà giáo dục nổi tiếng Sukhomlinsky từng nói: “Mỗi khoảnh khắc, khi bạn nhìn thấy con, bạn cũng thấy chính mình. Khi bạn giáo dục con, bạn đang giáo dục chính mình và cũng là đang tự kiểm tra phẩm hạnh của bản thân.”
Có một cặp vợ chồng đều là tiến sĩ rất tài giỏi. Hiện tại, họ có một cậu con trai đang học lớp 3 ở trường tiểu học. Tuy nhiên, học lực của cậu bé luôn đứng ở cuối lớp. Khi được hỏi tại sao cả hai đều có học vị tiến sĩ nhưng con lại kém cỏi như vậy. Có người cho là vì người mẹ quá bận rộn với công việc, nên không thể chăm sóc và dạy dỗ con một cách chu đáo.
Khi nghe điều này, người chồng cảm thấy mọi người đang chỉ trích vợ mình. Thực tế, vợ anh ngày nào cũng kèm con làm bài, nhưng lần nào cũng vậy, chưa đầy 5 phút là cô ấy nổi cáu và mắng con: “Sao con ngốc thế!”. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ này: cho dù mẹ của đứa trẻ có thông minh đến đâu, thì cũng không thể yêu cầu một đứa trẻ phải thông minh hơn mẹ khi chúng vẫn còn nhỏ như vậy.
Thời xưa, các bà mẹ của những bậc hiền triết thường có phẩm chất hiền lành, đức độ và ân cần, những đức tính cần thiết để nuôi dạy một đứa trẻ xuất sắc. Từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, mẹ là người ở bên cạnh con lâu nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của con. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi một người mẹ tuyệt vời sẽ trở nên có trách nhiệm, ngoan ngoãn, và rất hiếu thảo trong tương lai.
Đặc biệt, nếu mẹ có ba đức tính sau, thì con cái sẽ rất ngoan ngoãn và ưu tú. Hãy xem bạn có ‘sở hữu’ điểm nào trong số này không nhé!
Tâm trạng tốt của mẹ là nền tảng cho hạnh phúc gia đình
Việc thiết lập mối quan hệ gắn bó tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng. Điều này liên quan đến cảm giác an toàn của trẻ trong cuộc sống sau này.
Nếu người mẹ thường xuyên đánh đập, mắng mỏ, đổ lỗi, đe dọa và phàn nàn về đứa trẻ, cảm giác an toàn bên trong của trẻ sẽ bị phá hủy. Trẻ sẽ hình thành thói quen hành động theo sĩ diện của người khác, và cuối cùng phát triển thành một nhân cách nhút nhát và kém cỏi.
Ngoài ra, trẻ sẽ bắt chước cảm xúc và hành vi của mẹ. Nếu người mẹ dễ lo lắng, bồn chồn và mất kiểm soát, thì cảm xúc của con cũng sẽ không ổn định. Do đó, tâm trạng của mẹ được xem là nền tảng của một gia đình hạnh phúc.
Trẻ em rất thích xem Peppa Pig, không chỉ vì sự dễ thương của Peppa và George, mà còn bởi sự ấm áp, lạc quan của heo mẹ cùng sự hòa thuận và hạnh phúc trong gia đình Peppa.
Dù Peppa và George có nghịch ngợm thế nào, quậy tung phòng, nhuộm áo của bố hay đem khủng long vào vườn rau, thì heo mẹ lúc nào cũng như gió xuân, không giận dỗi mà thường mang lũ trẻ lớn lên trong tiếng cười đùa vui vẻ.
Để thay đổi trẻ, trước tiên hãy thay đổi chính mình
Có rất nhiều bà mẹ luôn lo lắng, nóng lòng và mong muốn thay đổi con cái. Họ hy vọng rằng con mình sẽ thích đọc sách, yêu thích ngoại ngữ, cầm kỳ thư họa, và am hiểu mọi thứ.
Nhưng thực tế là khi đứa trẻ lớn lên từng ngày, mối quan hệ với mẹ sẽ ngày càng xa cách. Không chỉ không nghe lời, không thích học, mà còn có xu hướng nổi loạn. Tình trạng này càng khiến họ sốt ruột, và càng muốn thay đổi con mình hơn nữa.
Nhưng việc đơn phương giám sát và dạy dỗ con có thực sự hiệu quả không?
Nâng cao trình độ giáo dục trong gia đình không phải là việc mẹ đến và thay đổi con, mà mẹ cần bắt đầu thay đổi từ chính bản thân mình. Làm sao có thể có những đứa trẻ hiểu chuyện nếu cha mẹ không trưởng thành?
Người xưa có câu: ‘Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình’. Để xây dựng một gia đình hạnh phúc và nuôi dạy những đứa con ngoan, trước tiên bạn cần thay đổi quan niệm của chính mình. Từ đó, xây dựng những thói quen tốt và những hành vi đúng đắn.
Hãy học cách dậy sớm, đi ngủ sớm, duy trì nếp sống hàng ngày đều đặn, đọc sách nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, và không quên nạp năng lượng cho bộ não của bạn. Luôn ăn nói văn minh, lịch sự, tôn trọng nghi lễ, và thể hiện bản thân là một công dân văn minh, hiện đại trước con của bạn.
Chỉ ra những điểm yếu của con một cách thích hợp và khuyến khích con nhiều hơn
Những bà mẹ quá mạnh mẽ có thể khiến con dễ đánh mất giá trị của bản thân. Họ thường nói: ‘Mẹ làm tất cả vì lợi ích của con’, nhưng ẩn ý trong lời nói thực chất là ‘con phải nhất nhất nghe lời mẹ’. Có thể nói, họ hoàn toàn không cho trẻ quyền lựa chọn.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ sẽ quen với việc dựa dẫm vào người khác, cuối cùng chỉ hình thành tính cách hèn nhát và dần mất đi khả năng sống tự lập vốn có.
Mẹ hãy giấu tài một cách tinh tế, chậm lại một chút, tỏ ra yếu đuối và độ lượng hơn. Như vậy, vừa cho con không gian vui chơi tự do để phát triển, lại có thể giúp con tự cảm nhận sức mạnh từ điểm này đến điểm khác. Con sẽ tự tin, tiếp tục tiến bộ và rèn luyện tốt khả năng tự lập.
Rất nhiều tình huống trong cuộc sống bạn có thể tận dụng để ‘tỏ ra yếu đuối’: Sau khi đi mua sắm ở siêu thị, hãy thể hiện rằng bạn không thể cầm hết và nhờ trẻ xách phụ bạn. Khi bị ốm, hãy nhờ trẻ giúp lấy thuốc, rót nước, v.v. để trẻ hiểu rằng mình cũng có thể chăm sóc, giúp đỡ và có ích cho người khác.
Trong giai đoạn mầm non, khi trẻ đang trong giai đoạn hình thành thói quen và nhân cách. Sự tinh tế của người mẹ là một yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng ra một đứa trẻ xuất sắc.
Sự tán thưởng và khen ngợi của mẹ sẽ khiến trẻ hài lòng và tự tin. Nếu không chú ý đến phản ứng của trẻ, trẻ có thể phản ứng mạnh mẽ, dẫn đến nghi ngờ về thế giới xung quanh và tâm lý thiếu tự tin. Hãy kiểm soát cảm xúc của bạn, thể hiện sự yếu đuối một cách thích hợp, giáo dục con cái đúng cách và không quên sự trưởng thành của chính bạn. Chỉ như vậy, đứa trẻ của bạn sẽ trở nên ưu tú!