Các nhà tâm lý học cho rằng việc nghe nhạc khi làm việc không chỉ giúp tăng cường sự tập trung mà còn cải thiện tâm trạng, kích thích sáng tạo và giảm căng thẳng.

Nghe nhac 2
Nhà tâm lý học liệt kê 5 lợi ích của việc vừa nghe nhạc vừa làm việc. (Ảnh minh hoa: Shutterstock)

Một số người có thói quen nghe nhạc nhẹ khi học tập, cho rằng điều này giúp họ tập trung hơn. Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trần Chí Hằng cho biết, nếu đã quen làm việc kết hợp với âm nhạc, thì việc lựa chọn loại nhạc phù hợp sẽ giúp chúng ta phát huy hiệu quả tốt hơn. Nếu muốn nâng cao tinh thần, nên nghe những bản nhạc có tiết tấu nhanh hoặc giai điệu hùng tráng. Ngược lại, nếu muốn giữ tâm trạng bình tĩnh khi học tập hoặc làm việc, nên chọn nhạc có tiết tấu chậm rãi, giai điệu êm dịu và không có lời.

Tờ Liberty Times trích dẫn bài đăng của chuyên gia Trần Chí Hằng trên trang Facebook “Chen Zhiheng Counseling Psychologist” rằng do tiếng ồn từ công trình ở tầng trên nhà mình, ông đã nhanh chóng bật nhạc cổ điển để chặn tiếng ồn và cải thiện khả năng tập trung. Tuy nhiên, ông nhắc nhở rằng việc một người có thể nghe hay không nghe nhạc khi cần tập trung chẳng hạn như khi đọc sách hoặc làm việc tùy thuộc vào từng cá nhân, và mỗi loại nhạc khác nhau có chức năng khác nhau.

Ông giải thích rằng khi não bộ hoạt động hết công suất, việc có nên nghe nhạc hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm khả năng học tập cá nhân, tác dụng của âm nhạc cũng như đặc điểm của từng thể loại nhạc.

Tuy nhiên, nếu bạn thuộc kiểu người cần sự yên tĩnh tuyệt đối và không thể chịu được bất kỳ âm thanh nào, thì tốt nhất nên tìm một không gian thật tĩnh lặng để học tập hoặc làm việc, tránh nghe nhạc để không bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu bạn cần âm nhạc để đồng hành, hãy cân nhắc năm tác dụng dưới đây và lựa chọn loại nhạc phù hợp để tránh tác dụng ngược, gây mất tập trung.

  1. Cách ly tiếng ồn

Nếu muốn dùng âm nhạc để cách ly bớt tiếng ồn bên ngoài và nâng cao sự tập trung, nên chọn nhạc không lời, chẳng hạn như âm thanh nước chảy, tiếng mưa rơi hoặc các giai điệu êm dịu, giúp tạo hiệu ứng “tiếng ồn trắng”.

  1. Mang lại cảm giác bình tĩnh

Nếu muốn giữ tâm trạng ổn định khi học tập hoặc làm việc, nên chọn nhạc có tiết tấu chậm rãi, giai điệu êm ái và chủ yếu là nhạc không lời.

  1. Phấn chấn tinh thần

Nếu muốn nâng cao tinh thần và tạo cảm giác hứng khởi, có thể sử dụng âm nhạc để kích thích tâm trạng. Trong trường hợp này, nên chọn nhạc có tiết tấu nhanh hoặc giai điệu hùng tráng, có thể là những bản giao hưởng cổ điển với nhịp điệu mạnh mẽ.

  1. Thay đổi tâm trạng

Khi xử lý các công việc khác nhau hoặc học các môn có tính chất khác nhau, đôi khi chúng ta cần điều chỉnh trạng thái tâm lý cho phù hợp, và âm nhạc có thể hỗ trợ điều này. Chẳng hạn, nhạc có tiết tấu nhanh có thể giúp tăng tốc độ giải toán; nhạc du dương có thể hỗ trợ ghi nhớ nội dung lịch sử và văn học; nhạc sôi động có thể giúp cải thiện khả năng ghi nhớ từ vựng tiếng Anh hoặc công thức toán học; còn khi viết luận hoặc sáng tác, nhạc đồng quê hoặc những bản nhạc cổ điển có thể truyền cảm hứng sáng tạo.

  1. Đồng hành về mặt tinh thần

Khi phải học tập hoặc làm việc một mình trong thời gian dài, cảm giác cô đơn và mệt mỏi có thể xuất hiện. Một số người chọn bật radio khi học hoặc làm bài tập để có cảm giác được đồng hành. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuộc trò chuyện giữa người dẫn chương trình và khách mời có thể khiến bạn mất tập trung mà bạn không nhận ra.

Chuyên gia Chen nhắc nhở rằng hiệu quả của việc nghe nhạc khi học tập và làm việc phụ thuộc vào từng người. Do đó, mỗi cá nhân nên tự khám phá và tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Nếu thấy có hiệu quả, hãy duy trì; nếu không, hãy điều chỉnh hoặc ngừng lại.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Sound Of Hope