“Nhân quý cửu phẩm” – 9 phẩm chất của người thành công
- Thủy Mộc
- •
Có câu nói “nhân quý cửu phẩm”, nghĩa là nhắc đến 9 phẩm chất đáng quý của con người. Làm người muốn thành công và được kính trọng, hãy đặt tâm tu dưỡng 9 phẩm chất đáng quý này.
1. Trung thực
Trung thực là nền tảng của một con người. Trung thực có vẻ như là một khái niệm đơn giản, nhưng giá trị của sự trung thực vượt xa việc chỉ đơn giản là “không nói dối”. Những lời nói trung thực sẽ giúp con người ngày càng nhân ái, chan hòa và các mối quan hệ cũng từ đó mà trở nên tốt đẹp. Trung thực làm nên nhân cách con người chân chính. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân.
Người xưa nói: “Người không chân thành thì không thể kết giao”. Chỉ bằng cách sống thành thật và trung thực, bạn mới có thể giành được sự tôn trọng của người khác và phát triển sự nghiệp của chính mình.
2. Thừa nhận sai lầm
Thừa nhận sai lầm là một điều khó khăn đối với bất kỳ ai. Thường thì người ta hay đổ lỗi cho người khác hơn, nhìn nhận rằng mọi việc là do lỗi của người khác trước và cho rằng nhận thức của mình là đúng. Thực ra, không thừa nhận sai lầm tự nó đã là một sai lầm.
Cuốn “Chu tử gia huấn”, tác phẩm quản trị gia đình kinh điển của thời Thanh dạy rằng:
“Khinh thính phát ngôn, an tri phi nhân chi trấm tố? Đương nhẫn nại tam tư;
Nhân sự tương tranh, yên tri phi ngã chi bất thị? Tu bình tâm ám tưởng.”
Tạm dịch:
Tiếng nói rỉ tai, biết đâu chừng có kẻ gièm pha vu cáo, nên nhẫn nại suy xét kỹ.
Có việc tranh cãi, biết đâu chừng mình có điều không phải, nên bình tâm thầm nghĩ.
Trên thực tế, thừa nhận sai lầm không những không mất mát gì mà còn cho thấy bạn là người độ lượng
3. Thành tín
Trong giao tiếp giữa người với người, điều quan trọng là phải giữ sự thành tín. Cổ nhân coi việc thủ tín là một trong những phẩm hạnh làm người vô cùng quan trọng, coi trọng việc nói có uy tín, làm ra kết quả. “Nhân nhi vô tín, vị tri kỳ khả”, nếu một người không giữ chữ tín thì chuyện gì cũng không thể làm trọn vẹn.
Thành thực là gốc lập thân, con người trong xã hội nếu không thủ tín, chắc chắn không ai muốn kết giao, lại càng chẳng thể nhận được sự tín nhiệm từ người khác.
Làm người, chỉ khi thành tín mới được người khác tôn trọng, mới có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Đối với công việc cũng vậy, dù là vấn đề gì, đều cần thực sự cầu thị, tuyệt đối không thể làm giả, thất tín với mọi người.
4. Thiện lương
Trong thời điểm nhiễu nhương, thiện lương thường hay bị chê cười, nhưng rốt cuộc nó lại là thứ duy nhất có thể bảo tồn lương tri, ban cho con người hy vọng, đưa con người vượt thoát tuyệt cảnh.
Người xưa nói: “Người tốt được mọi người kính trọng, đạo trời che chở, phước báo theo sau, điều tà tránh xa, thần linh bảo vệ.”
Thiện lương chân chính không nằm ở hình thức bề ngoài mà là thể hiện của nội tâm. Thiện lương không phải là vẻ thành kính nơi chùa chiền, miếu mạo mà chính là sự quan tâm, tôn trọng xã hội từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Thiện lương là lương tri, là bản tính, là lựa chọn và là một đức hạnh tốt đẹp của con người.
Cổ ngữ nói: “Trong tâm khởi niệm thiện, tuy chưa làm điều thiện, nhưng cát Thần đã theo. Trong tâm khởi niệm ác, tuy điều ác chưa làm, nhưng hung Thần đã theo.”
Thiện lương là yếu tố quan trọng nhất trong phẩm chất của một người tốt. Người thường giữ cho mình một trái tim biết ơn luôn được mọi người kính trọng.
5. Sự khoan dung
“Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”, ý nói biển lớn dung nạp trăm nghìn dòng sông, tấm lòng bao dung mới có thể trở nên vĩ đại. Con người phải có tấm lòng bao dung mới có thể chịu đựng được những điều khó tha thứ trên đời. Khoan dung người khác thực chất là nới lỏng tâm tình của chính mình. Nếu không thể làm vậy thì sẽ chỉ gây áp lực cho chính mình, và cuối cùng bản thân vẫn là người mệt mỏi nhất. Cần phải thừa nhận rằng người với người có sự khác biệt, từ đó mà hướng mình nhìn vào ưu điểm và sở trường của người khác, bao dung cho những khuyết điểm của họ.
Trong mọi việc, tranh thì hai lần bại, nhường thì hai lần lợi. Khi ngài Trương Anh, Lễ bộ Thượng thư của nhà Thanh, nhận được một bức thư từ nhà kể rằng gia đình hiện đang vì ba thước đất làm tường mà phát sinh tranh chấp với gia đình hàng xóm. Sự việc kéo dài trong thời gian lâu mà vẫn chưa giải quyết được nên muốn ông sử dụng chức quyền của mình để giải quyết mối tranh chấp này.
Vừa đọc đến đó, ngài Trương Anh đã phá lên cười rồi thản nhiên dùng bút viết một phong thư gửi về quê nhà. Trong bức thư, ông ghi hai câu thơ, tạm dịch là:
“Ngàn dặm viết thư chỉ vì tường, nhường họ ba thước có sao đâu?
Vạn Lý Trường Thành nay còn đó, nhưng Tần Thủy Hoàng nào thấy đâu.”
Đây chính là thể hiện của một cảnh giới bao dung, sống ở trên đời, không thể hồ đồ.
6. Thấu hiểu
Ai cũng biết sự tử tế là phẩm chất quan trọng nhất của một người tốt, nhưng giữ trọn phần tử tế của mình và thêm lên phần yêu thương, thấu hiểu là một cảnh giới tư tưởng khác.
Thấu hiểu là cảm giác gần gũi, không có khoảng cách. Thấu hiểu là tấm chân tình nơi trái tim, là sự giao cảm trong sinh mệnh, là bến đỗ bình yên cho tâm hồn.
Nhưng muốn thấu hiểu thì cần có sự giao tiếp, quan tâm lẫn nhau. Bởi vì thiếu giao tiếp, thì sẽ sinh ra nghi kỵ đúng sai, tranh chấp và hiểu lầm, có thể lý giải thì mới có thể thấu hiểu.
7. Khiêm tốn
Khiêm tốn là một phần quan trọng tạo nên phẩm chất của một người tốt. Xưa nay, những người càng có thực tài, tầm hiểu biết càng rộng thì lại càng khiêm tốn, không bao giờ thể hiện mình tài năng.
Người xưa nói: “Dù là người ở đẳng cấp nào thì cũng không được nịnh bợ, dù hành nghiệp gì cũng không được hợm mình.”
Làm người mà khiêm tốn một chút thì không những có lợi cho sự tiến bộ của bản thân mà càng có thể hòa đồng với những người khác. Một người khiêm tốn luôn được mọi người yêu mến.
8. Nhu hòa
Nhu hòa chỉ tính cách ôn hoà, nhu thuận, dễ chung sống hoà hợp với người khác, được cho là vẻ đẹp tài đức của con người. Người nhu hòa thường giữ được thái độ khiêm nhường, cẩn trọng dựa trên nguyên tắc bất di bất dịch. Mặc dù họ kiên trì giới hạn của mình nhưng không cố chấp, nắm vững nguyên tắc nhưng lại tôn trọng người khác.
Người nhu hòa hiểu rằng giữa người với người cần thiện đãi nhau, nên có thể nắm vững được chữ “độ” (chừng mực) trong cuộc sống.
Con người vốn là răng cứng lưỡi mềm, cho đến cuối đời răng dù đã rụng hết mà lưỡi vẫn còn, cho nên mềm mại, nhu hòa thì mới có thể lâu bền. Một trái tim nhu hòa là tiến bộ lớn nhất trong tu dưỡng bản thân. Một cuộc sống nhu hòa thì mới có thể hạnh phúc và lâu dài hơn.
9. Buông xuống
Cuộc sống đôi khi được ví như chiếc vali, khi cần hãy nâng lên, khi không cần nữa thì hãy đặt xuống. Vào thời điểm nên buông xuống mà lại không chịu buông thì chẳng khác gì kéo lê chiếc vali nặng nề, trong tâm không thể nào tự tại.
Cổ ngữ nói: “Cầm lên được, hạ xuống được”, “cầm lên được” là năng lực, là nắm giữ, chịu trách nhiệm. “Hạ xuống được” lại là trí tuệ, là giải thoát, là tiêu diêu tự tại. Cho nên, trong cuộc sống cần biết việc gì nên nắm giữ thì nắm giữ, việc gì không nên thì hãy buông bỏ.
Đời người chính là một quá trình tu dưỡng bản thân. Mà cuộc sống tu dưỡng thì quý ở tu tâm, lấy một tâm thái bình ổn để đối mặt với bất kỳ tình huống khó khăn nào, học tập chăm chỉ, không ngừng tiến tới, và cuối cùng đạt được sự trọn vẹn. Đây chính là sự khôn ngoan.
Từ khóa Thành công phẩm chất