Những dấu hiệu cho thấy con bạn đang bị bắt nạt
- Minh Minh
- •
Những đứa trẻ bị bắt nạt luôn bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Lúc này các con rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Nắm được những dấu hiệu bất thường này sẽ giúp cha mẹ biết được con mình có đang bị bắt nạt hay không.
1. Đồ đạc bị mất hoặc hư hỏng
Các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 29% những người bị bắt nạt sẽ bị tổn thương về thể chất. Cha mẹ cần chú ý xem đồ đạc của con như sách, đồ dùng, quần áo, đồ trang sức có bị mất hoặc hư hỏng hay không. Hãy hỏi con. Có thể những kẻ bắt nạt đã cố ý lấy đồ của nạn nhân để làm họ tổn thương.
2. Đột ngột mất tự tin, giảm lòng tự trọng
Bị bắt nạt khiến trẻ tự ti về giá trị bản thân. Trẻ luôn phải sống trong tình trạng không biết tại sao chúng lại bị đối xử bất công như vậy. Kết quả là lòng tự trọng, sự tự tin của trẻ bắt đầu giảm xuống. Bạn cần điều tra xem ở trường có chuyện gì không nếu thấy con liên tục cúi thấp đầu khi đi bộ, nói chuyện với giọng lí nhí, có thái độ tránh né giao tiếp với người khác.
3. Khó ngủ hoặc gặp ác mộng
Khi con bạn đột nhiên bị khó ngủ hoặc thường xuyên gặp ác mộng, đó có thể là dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Nghiên cứu cho thấy việc bị bắt nạt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Vì thế các bậc phụ huynh đừng quên theo dõi sát sao tình trạng của con vào ban đêm.
4. Lảng tránh bạn bè và xã hội
Nếu con bạn vốn là một người năng động nhưng đột nhiên thích ở nhà hơn đi gặp bạn bè, đó có thể là dấu hiệu của sự sợ hãi. Trẻ đang muốn tránh gặp gỡ những kẻ bắt nạt mình bằng bất cứ giá nào. Vì còn nhỏ nên trẻ sẽ không dám bỏ học, chúng sẽ viện cớ để được ở nhà lâu nhất có thể.
5. Giảm tương tác, cư xử lạnh nhạt với người nhà
19% học sinh bị bắt nạt cho biết mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình cũng trở nên căng thẳng. Con bạn vẫn sẽ ngồi cùng mọi người nhưng chúng sẽ không hòa nhập vào cuộc trò chuyện. Thậm chí có những đứa trẻ sẽ tự nhốt mình ở trong phòng, điều này càng nguy hiểm hơn nếu trước đây đứa trẻ vốn không gặp vấn đề gì trong việc tương tác với gia đình.
6. Sự thay đổi đột ngột trong thái độ đối với cha mẹ
Bị bắt nạt có thể gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Cách cư xử của chúng trở nên trầm lặng hơn hoặc bốc đồng hơn. Có những đứa trẻ chọn cách gây hấn với anh chị em của mình, hoặc cãi lại bố mẹ để lấy lại sự tự tin. Chúng nghĩ rằng cư xử giống như những kẻ bắt nạt không phải là điều sai trái.
7. Xin thêm tiền hoặc đồ dùng
Có rất nhiều hình thức cắt nạt khác nhau. Kẻ bắt nạt có thể làm tổn thương nạn nhân bằng cách trấn lột vật chất, xúc phạm bằng lời nói, kêu gọi tẩy chay hoặc ném đá qua mạng xã hội. Những kẻ bắt nạt có thể gây áp lực buộc nạn nhân phải nộp cho chúng nhiều hơn (ví dụ như tiền, đồ chơi, sách vở). Vì sợ hãi trước những lời đe dọa, trẻ sẽ xin bố mẹ tiền hoặc hoặc những thứ khác nhiều hơn so với mức bình thường.
8. Những tổn thương không thể giải thích được
Bạo lực thể chất là một vấn nạn phổ biến. Nếu con bạn đột nhiên bị thương hoặc bầm tím, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng đang bị bắt nạt. Trong trường hợp con không thể giải thích tại sao lại bị thương, phụ huynh càng có cơ sở nghi ngờ có chuyện không hay đã xảy ra ở trường.
Cách ngăn chặn nạn bắt nạt
Theo StopBullying, cha mẹ có thể giúp con giảm nguy cơ bị bắt nạt bằng 4 cách sau:
– Giải thích cặn kẽ cho trẻ biết thế nào là bắt nạt để con ý thức được lúc nào nên tự bảo vệ mình và chống lại những điều đó.
– Phụ huynh cần thường xuyên giao tiếp với con để nhanh chóng nhận ra điều bất thường.
– Khuyến khích con khám phá, trau dồi các sở thích và thú vui. Đây là cách giúp trẻ tăng cường sự tự tin và không dễ dàng trở thành nạn nhân bị bắt nạt.
– Cha mẹ hãy là một tấm gương tốt để con noi theo. Bạn hãy sống tốt bụng, niềm nở, tôn trọng những người xung quanh. Khi được sống trong môi trường tốt với cha mẹ gương mẫu, trẻ sẽ hiểu rằng những hành vi bất công là không thể chấp nhận được.
Minh Minh (Theo Bright Side)
Xem thêm:
Từ khóa Làm cha mẹ bắt nạt Nuôi dạy con cái trẻ em