Phát hiện cổ vật với dòng chữ kỳ lạ tại Jerusalem linh thiêng
- Trúc Nhi
- •
Một mảnh bát sứ có niên đại từ thế kỷ 16, mang dòng chữ Trung Quốc cổ, vừa được các nhà khảo cổ khai quật tại Núi Zion, Jerusalem. Phát hiện độc đáo này không chỉ cung cấp manh mối về mối quan hệ giao thương giữa Trung Quốc và Đế chế Ottoman mà còn mang đến góc nhìn mới về ý nghĩa lịch sử của địa điểm linh thiêng này.
Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết, các nhà khảo cổ học gần đây đã phát hiện ra một dòng chữ Trung Quốc được coi là cổ xưa nhất tại địa điểm linh thiêng trên núi Zion.
Quá trình khai quật được thực hiện bởi IAA và Viện Khảo cổ Tin Lành. Theo thông cáo báo chí được cơ quan này công bố trong tháng này, dòng chữ này được viết trên một mảnh bát sứ có niên đại từ thế kỷ 16. Cổ vật là minh chứng cho mối quan hệ giữa Vùng đất Israel và Trung Quốc.
Theo IAA: “Mùa hè vừa qua, như thường lệ, trong quá trình chuẩn bị cho lần khai quật tiếp theo, ông Michael Chernin, một nhà khảo cổ học thuộc Cơ quan Cổ vật Israel, bất ngờ nhìn thấy một vật thể đầy màu sắc lộ ra từ lớp đất đã được dọn sạch khi chuẩn bị địa điểm. Khi ông Michael lấy vật thể đó ra và rửa sạch, ông phát hiện đó là một mảnh bát sứ với dòng chữ cổ ở đáy: ‘Chúng ta sẽ mãi mãi bảo vệ mùa xuân vĩnh cửu’”.
IAA báo cáo rằng nhiều phát hiện từ cuộc khai quật có niên đại từ thời kỳ Đền thờ Thứ hai đến thời kỳ Byzantine, nhưng mảnh bát sứ vừa được phát hiện lại có “nguồn gốc không thể ngờ tới”.
Mảnh bát này, có khả năng là được tạo ra vào triều đại nhà Minh từ năm 1520 đến năm 1570, là biểu tượng của mối quan hệ thương mại giữa Đế chế Trung Hoa và Đế chế Ottoman, vốn kiểm soát Jerusalem vào thời điểm đó. Đây là mảnh bát đầu tiên được tìm thấy ở Israel có chứa dòng chữ Trung Quốc, mặc dù các đồ gốm cổ khác của Trung Quốc cũng đã được phát hiện trước đó.
IAA cho biết: “Các tài liệu lịch sử được tìm thấy trong khoảng thời gian từ thế kỷ 15 đến 17, nhiều đoàn quân Ottoman đã đến thăm Trung Quốc, và các cộng đồng thương nhân Trung Quốc cũng đã được hình thành ở các thành phố như Beirut, Tripoli, và có thể là Jerusalem. Việc phát hiện ra mảnh bát Trung Quốc tại đây đã chứng minh sự kết nối văn hóa và thương mại rộng rãi giữa các nền văn hóa trong thời gian đó. Ví dụ, các tác phẩm của học giả Trung Quốc Ma Li từ năm 1541 ghi nhận sự hiện diện của các cộng đồng thương nhân Trung Quốc tại các thành phố ven biển của Lebanon như Beirut và Tripoli. Tác phẩm thậm chí còn đề cập đến những thành phố quan trọng khác trong khu vực như Jerusalem, Cairo và Aleppo”.
Theo một số truyền thống Kitô giáo, Bữa Tiệc Ly (Bữa tiệc cuối cùng của Chúa) được cho là được tổ chức tại Phòng Trên (Upper Room) hay Phòng Tiệc Ly (the Cenacle), của Núi Zion. Trong Tân Ước, ngọn núi này cũng được mô tả là biểu tượng cho lời hứa của Chúa.
Địa điểm này cũng có ý nghĩa tôn giáo quan trọng đối với người Do Thái vì Hòm Giao ước được lưu giữ tại Núi Zion dưới thời vua David trị vì.
Giám đốc IAA là ông Eli Escusido chia sẻ trong một tuyên bố: “Trong nghiên cứu khảo cổ, bằng chứng về mối quan hệ giao thương giữa các thương nhân tại Vùng đất Israel và Viễn Đông đã được biết đến từ các thời kỳ trước đó – chẳng hạn như buôn bán các loại gia vị. Nhưng thật thú vị khi tìm thấy bằng chứng về mối quan hệ này dưới dạng một dòng chữ thực tế, được viết bằng tiếng Trung Quốc, và ở một địa điểm bất ngờ – trên Núi Zion ở Jerusalem!”
Từ khóa Jerusalem phát hiện Kỳ lạ cổ vật