Phim hoạt hình “Rag Doll” sản xuất trong 4 năm đoạt giải ‘Leo Awards’ Canada
- Nhạc Di
- •
Ngày 7/7, bộ phim hoạt hình ngắn có tên “Rag Doll” (Búp bê vải) do đạo diễn người Canada gốc Hoa đạo diễn và được sản xuất trong 4 năm, đã giành được giải “Leo Awards”, với 4 giải thưởng lớn về phim hoạt hình gồm: Phim hoạt hình hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất và Đạo diễn nghệ thuật xuất sắc nhất.
Rag Doll xoay quanh quá trình trưởng thành của một cô bé 5 tuổi tên Doanh Doanh. Vào một đêm sấm chớp, mẹ của Doanh Doanh bị bắt đi, để lại Doanh Doanh làm bạn với một cây cọ vẽ và một con búp bê. Doanh Doanh sống côi cút một mình, lang thang nơi đầu đường xó chợ. Em vừa ẩn nấp tìm chốn an thân, vừa cẩn trọng trốn tránh những thế lực đen tối đã bắt mẹ mình.
Những đám mây đen u ám hết lần này đến lần khác xua đuổi những người tốt bụng xung quanh Doanh Doanh. Em phải tự tìm sức mạnh từ chính bản thân mình, vượt qua nỗi sợ hãi và sử dụng những món quà mà mẹ em để lại, để thực hiện giấc mơ có ngày được đoàn tụ cùng mẹ.
Trải nghiệm thế giới thực từ góc nhìn của một đứa trẻ
Một trong những đặc điểm của phim Rag Doll là quan sát thế giới qua góc nhìn của trẻ thơ. Thông qua nhận thức và cảnh ngộ của Rag Doll về thế giới xung quanh, bộ phim phản ánh cảnh ngộ của một số trẻ mồ côi ở Trung Quốc trong xã hội hiện thực. Bởi đó là thế giới của một con búp bê, nên có rất nhiều trải nghiệm kỳ diệu và nhiều ý nghĩ thơ ngây.
Rag Doll được chỉ đạo bởi ông Lý Vân Tường (Leon Lee), đạo diễn từng đoạt giải “Peabody Award”. Ông nói rằng cảm hứng sáng tác của bộ phim đến từ cảnh ngộ của những đứa trẻ mồ côi vì cha mẹ chúng bị bức hại tại Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, có rất nhiều trẻ em có cha mẹ bị Đảng cộng sản Trung Quốc đàn áp vì đức tin của họ, hoặc do họ có tư tưởng và chính kiến khác biệt, hoặc đã có một số nỗ lực trong lĩnh vực nhân quyền. Một số em bị đuổi học, một số em sống lang thang trên đường phố, một số em mồ côi cha mẹ. Các em phải trải qua rất nhiều nỗi đau trong quá trình trưởng thành. Đạo diễn Lý Vân Tường cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã tìm hiểu rất nhiều câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi như vậy và xúc động sâu sắc.
Ông nói: “Nhiều đứa trẻ mồ côi là con của những người bất đồng chính kiến, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, v.v … Một nhóm người rất đông, nhưng họ lại ít được quan tâm. Chúng mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ, và phải chịu đựng những nỗi đau không thể tưởng tượng nổi trong quá trình trưởng thành. Nhưng nhiều em vẫn giữ được nét hồn nhiên của trẻ thơ.”
“Vì vậy, khi xây dựng bộ phim, tôi đã quyết định sử dụng phương thức phim stop-motion (hoạt hình tĩnh vật), để đưa khán giả vào không gian tưởng tượng hồn nhiên của trẻ em. Mọi thứ đều có thể xảy ra ở đó, và mọi thứ đều tràn đầy hy vọng. Qua bộ phim này, tôi hy vọng sẽ có nhiều người hơn tôi có thể chú ý đến cảnh ngộ của những đứa trẻ này và tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.”
Hình thức hoạt hình tĩnh vật khiến bộ phim chân thực hơn
Trong bài phát biểu nhận giải của mình, ông Lý Vân Tường đã đề cập đến cách ông nghĩ đến việc sử dụng hoạt hình stop-motion như một hình thức nghệ thuật để hoàn thành quá trình sản xuất bộ phim. (Hoạt hình stop-motion, hay còn gọi là hoạt hình tĩnh vật, là một kỹ thuật làm phim hoạt hình, mà các nhân vật là những con rối được dựng lên theo từng động tác. Sau đó chúng được chụp hình và ghép lại thành một bộ phim.)
Ông nói đã xem một bản tin nói rằng một con búp bê mang thương hiệu nổi tiếng của Ý, đã được sản xuất trong một trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc. Trong số những người tham gia làm ra sản phẩm có những đứa trẻ như vậy, trẻ vị thành niên buộc phải làm ra những con búp bê này.
Ông nói: “Tôi bèn nảy ra một ý tưởng: Chúng ta có thể làm một bộ phim với búp bê làm tuyến chính. Thông qua góc nhìn của đứa trẻ này, tìm hiểu xem trải nghiệm của chúng như thế nào. Trong quá trình chúng lớn lên, sau khi mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, chúng sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn và nỗi đau như thế nào. Chúng lại phải tự tin và can đảm như thế nào để đối mặt với một thế giới phức tạp như thế này. Đây là ý định ban đầu của tôi khi xây dựng bộ phim Rag Doll.”
Ông nói rằng vì bộ phim sử dụng hình thức nghệ thuật là hoạt hình tĩnh vật, nên rất khó sản xuất và phải mất khoảng 4 năm. Nếu thuận lợi, thì mỗi ngày cũng chỉ có thể hoàn thành cảnh quay trong vài giây.
Đạo diễn Lý Vân Tường cho biết, khi chuẩn bị áp dụng phương thức hoạt hình, ê-kíp của ông có thể sử dụng hoạt hình vẽ tay hoặc sử dụng máy tính để làm bộ phim này. Nhưng sau đó, họ cảm thấy rằng sử dụng hoạt hình tĩnh vật có lẽ sẽ chân thực nhất, bởi các hình thức khác đều là vẽ ra, và điều này không chân thực lắm. Hình thức nghệ thuật của hoạt hình stop-motion đảm bảo rằng mọi cảnh quay và mọi hình ảnh, đều được thực hiện trong thực tế.
Ông cho biết: “Mỗi một nhân vật, mỗi một cảnh phim đều được thực hiện rất chân thực. Chỉ là tỷ lệ tương đối nhỏ, như vậy sẽ đảm bảo được cảm giác chân thực. Hơn nữa trong quá trình thực hiện những cảnh quay và nhân vật này, nhà sản xuất cũng sẽ lồng ghép một số ý tưởng của mình. Vì vậy cuối cùng chúng tôi đã áp dụng loại hình nghệ thuật tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng mang lại cảm giác chân thực này.”
Bộ phim được sản xuất trong 4 năm. Do ông Martin Meunier từng đoạt giải Oscar về đạo diễn phim hoạt hình stop motion phụ trách chính. Các nhà làm phim hoạt hình stop-motion như ông Ken Burton, ông Rich Zimmerman và ông Justin Kohn, những người đã tham gia sản xuất nhiều phim hoạt hình đoạt giải Oscar hoặc được đề cử, đảm nhận.
Rag Doll đã lọt vào danh sách tuyển chọn cho giải Oscar và nhiều liên hoan phim, như “Liên hoan phim quốc tế LA Shorts”, “Liên hoan phim Holly Shorts”, “Liên hoan phim Foyle” và “Liên hoan phim Quốc tế Flickers’ Rhode Island”, v.v.
Theo Nhạc Di, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Nhân quyền phim hoạt hình Dòng sự kiện Rag Doll