Sàn khảm La Mã cổ đại được khám phá ở Verona
- Hoàng Thu
- •
Năm 2020, có vẻ như mọi thứ đều xuống dốc và không có mấy tin tức tốt được gửi đến giới báo chí. Vui thay, gần đây “vận may” đã trở lại, người ta vừa phát hiện ra một trong những khám phá khảo cổ lớn nhất trong năm – được ví như một kho báu cổ xưa của thời đại chúng ta.
Các nhà khảo cổ học người Ý đã phát hiện ra một sàn khảm La Mã ngoạn mục ở vùng Valpolicella thuộc tỉnh Verona nước Ý. Ẩn giấu bên dưới một vườn nho, những bức khảm có niên đại từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên được tìm thấy trong tình trạng tuyệt vời.
Nhà sử học Myko Clelland đã giúp lan truyền tin tức nóng hổi này trên phương tiện truyền thông xã hội với dòng tweet hiện đã nhận được hơn 515 nghìn lượt thích và 113 nghìn lượt retweets.
Do đó, giữa trận chiến mệt mỏi chống lại những tin tức xấu gần đây, chúng ta hãy dành ít thời gian chiêm ngưỡng một đoạn lịch sử tuyệt đẹp bên dưới nhé.
Nhà sử học Myko Clelland chia sẻ về phát hiện gây sốc này và nó đã được lan truyền rộng rãi trên Twitter.
Newly discovered just outside of Verona, what could be this year’s biggest discovery – an almost entirely intact Roman mosaic villa floor! pic.twitter.com/tZwy0yfvNL
— Myko Clelland (@DapperHistorian) May 26, 2020
“Mới được phát hiện ngay bên ngoài thành phố Verona, đây có thể là khám phá lớn nhất của năm nay – một sàn biệt thự khảm La Mã gần như nguyên vẹn!”
Khi được hỏi về tầm quan trọng của những bức khảm này, nhà sử học Myko chia sẻ: “Mặc dù những công trình như thế này có thể được phát hiện thường xuyên hơn bạn tưởng, nhưng rất hiếm khi tìm thấy một thứ gì đó còn trong tình trạng tốt và hoàn chỉnh như vậy. Thông thường, thuận theo sự bào mòn của thiên nhiên và sự tàn phá của con người, các bộ phận có thể bị thiếu hoặc hư hỏng qua thời gian.”
Các sàn khảm La Mã này được phát hiện bởi Soprintendenza di Verona, một tổ chức đã làm việc không biết mệt mỏi nhằm tiết lộ những bí mật khảo cổ chấn động nhất của khu vực trong quá khứ.
Nhà sử học Myko nói rằng anh ấy sống với gia đình ở Verona và người ta đã cho anh thấy những điều tuyệt vời mà họ đang làm cùng những gì họ khám phá ra, nhiệm vụ của anh là phải chia sẻ điều đó với thế giới. Họ xứng đáng với tất cả sự tín nhiệm!
Và mọi người đều thắc mắc làm sao một kho báu như vậy có thể bị chôn vùi dưới đất?
“Tôi luôn hoài nghi làm sao mà một thứ như thế này… rốt cuộc lại nằm sâu 3 foot dưới lòng đất”, Smokesniper thắc mắc.
“Một ngàn lý do có thể, nhưng có một quy luật rất mập mờ là cứ mỗi một thế kỷ sẽ có khoảng một inch đất bị chôn vùi, thật đáng kinh ngạc khi loài người có thói quen xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đó. Rome là một ví dụ hấp dẫn, đã có nhiều tái khám phá thường xuyên ở đó!”, nhà sử học Myko cho biết.
“Các tấm bản đồ cũ cho thấy có một biệt thự nằm trong khu vực, nhưng tất nhiên họ không sử dụng tỷ lệ bản đồ như ngày nay, vì vậy vị trí chính xác đã bị mất. Đây là kết quả của một cuộc tìm kiếm lâu dài để đến cuối cùng xác định chính xác được vị trí.”
Đó là một quá trình tự nhiên khi mọi thứ bị bao phủ theo thời gian và thiên nhiên sẽ bồi đắp lên chúng. Anh Myko nhận xét: “Đất và lá cây có thể che phủ chúng, lũ lụt có thể mang đến phù sa và nước, hoặc bụi sẽ bám dày trên chúng.”
Tất nhiên, không chỉ có thiên nhiên phải chịu trách nhiệm về điều đó. Người dân ở đây thường có thói quen xây dựng lại trên cùng một địa điểm và trên những nỗ lực trước đây của họ, họ có thể xây dựng trên nền móng của các tòa nhà cũ hoặc chồng lên những đống đổ nát. Điều này khiến những thứ như bức khảm này dần dần bị chôn vùi theo thời gian.
Ví dụ, có những nơi ở vùng Mesopotamia cổ xưa có những ngọn đồi mọc trên những khu vực đáng lẽ ra nên hoàn toàn bằng phẳng. Thực ra, nó chính là tàn tích của toàn bộ các thị trấn, nơi cư dân đã bồi đắp từng lớp, từng lớp cho đến khi toàn bộ khu vực cao lên hàng mét.
Trong tương lai, có thể sẽ có nhiều phát hiện như thế này. Chúng có lẽ không đẹp như những bức khảm này, nhưng mỗi thứ đều có mối liên kết giữa chúng ta với tổ tiên của mình, chính điều này khiến những gì được tìm thấy trở nên vô giá.
Theo Bored Panda
Hoàng Thu
Xem thêm:
Từ khóa công trình cổ đại văn minh La Mã