Sau vụ cháy nhà tại Đà Lạt: Tôi không còn dám đổ lỗi cho “bệnh quên” của mình nữa
Khi đứa trẻ đến với bạn, có lẽ chúng đã đặt niềm tin và trọng trách được “bảo hộ” lên bạn. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, người làm cha làm mẹ như chúng ta cần thật sự chú tâm và cân nhắc kỹ hơn nữa trong mọi việc mình làm. Hãy đặt an toàn của con lên hàng đầu.
Sau khi biết tin vụ hỏa hoạn ở Đà Lạt vào sáng ngày 24/5 vừa qua đã làm 3 em bé tử vong khiến bản thân là một người có con nhỏ 13 tháng tuổi như tôi không khỏi bàng hoàng và chua xót. Bình thường con gái của tôi chỉ bị té nhẹ là tôi đã hoảng hốt rồi, huống chi là người mẹ này đã một lúc mất đi cả 3 người con. Có lẽ chỉ có những người từng rơi vào hoàn cảnh tương tự mới cảm nhận được nỗi đau đó.
Sau vụ cháy, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của người mẹ, tuy nhiên tôi nghĩ rằng cô ấy khóa cửa vì muốn đảm bảo an toàn cho 3 đứa con và chỉ nghĩ mình đi rất nhanh rồi sẽ quay trở lại. Nhưng rồi, chuyện gì xảy ra thì cũng đã xảy ra, hậu quả này đã không thể vãn hồi được nữa.
Là một người mẹ đang chăm con nhỏ, tôi vô cùng đồng cảm và hiểu lý do tại sao cô ấy lại hành động khóa cửa như vậy. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta – những người đang làm mẹ cần thật sự bình tĩnh lại và suy ngẫm xem mình rút ra được bài học gì? Có phải không vì “bạn hay quên sau khi sinh” mà là vì bạn chưa chọn được cách giải quyết khác tốt hơn không?
Bản thân tôi là một người khá kỹ tính và cẩn thận, mọi người trong gia đình thường nói rằng kỹ tính quá cũng không tốt, cẩn thận quá là “dư sức lo xa”. Tuy nhiên, tôi lại không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Có lẽ đây là một tư duy phản biện khi ai đó lười suy nghĩ và lười phân tích về những hậu quả có thể xảy ra trong tương lai gần.
Khi con gái của tôi nằm võng, nếu phải rời khỏi con dù chỉ 5-10 phút, tôi cũng sẽ bế con ra khỏi võng hoặc dùng gối chèn ở hai bên để con không bị lăn xuống đất. Tôi nghĩ chuyện gì cũng có thể xảy ra nên không cho phép mình bất cẩn trước bất kể điều gì đối với sự an toàn của con trẻ.
Trong trường hợp này, có lẽ sẽ có người nghĩ: “Chỉ đi một chút rồi quay lại”, “em bé đang nằm ngoan như thế, chắc sẽ không lăn xuống đất đâu”,…Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là những phán đoán mà thôi. Có bao giờ bạn nghĩ: Khi xảy ra sự việc, ai sẽ chịu trách nhiệm cho hậu quả của việc làm này? Có thể bạn sẽ nói: “Ai biết là sẽ như thế đâu!”. Thật ra câu này đồng nghĩa với việc bạn chưa nghĩ sâu xa hơn, chưa tính lường đến tất cả các trường hợp có thể xảy ra.
Bạn hay quên không phải vì trí nhớ không tốt mà là vì khi làm một việc nào đó, bạn không đặt tâm trí vào đó. Nếu bạn luôn có yêu cầu thật nghiêm khắc trong mỗi hành động của mình, luôn tạo thói quen kiểm tra mọi thứ thật cẩn thận thì dần dần bạn cũng sẽ trở thành một người cẩn thận.
Đối với người mẹ trong vụ hỏa hoạn này, tôi nghĩ rằng khóa cửa cũng không phải là không nên, nếu cô ấy không thể nhờ ai chăm coi con một chút thì có thể làm như vậy. Tuy nhiên, trước khi ra khỏi nhà và khóa cửa, chúng ta cần kiểm tra thật kỹ lại mọi thứ trong nhà, nhìn tất cả các thiết bị trong nhà bao gồm những thứ có thể gây nguy hiểm như là bếp ga phải tắt và khóa chắc van ga; rút phích cắm ổ điện; tắt nguồn điện trong nhà; khóa vòi nước nóng; rèm cửa sổ phải được kéo lên để trong trường hợp khẩn cấp thì người ngoài có thể nhìn thấy được; cất các vật dụng gây nguy hiểm như dao, phích nước nóng ở trên cao; nhờ hàng xóm để mắt đến con một chút… Còn trong trường hợp bạn phải đi ra ngoài lâu hơn, đừng quên gửi chìa khóa cho nhà hàng xóm đáng tin cậy.
Sau khi sự việc xảy ra, bạn sẽ không phải nói rằng “là do tôi hay quên…” hay “giá mà tôi làm thế này…không làm thế kia”…
Làm cha mẹ, chúng ta cần xác định rằng sự nỗ lực để đảm bảo an toàn cho con là thuộc về trách nhiệm và khả năng của chính mình. Vậy nên, hãy cùng cố gắng kiểm soát mọi rủi ro có thể xảy ra để tương lai không phải nói ra hai từ “giá như”.
Từ khóa Đà Lạt cháy nhà bệnh quên