Say nắng không chỉ dừng lại ở những triệu chứng khó thở, nôn nao, chóng mặt mà còn có thể dẫn đến tử vong. Những người trên 70 tuổi có nguy cơ bị say nắng rất cao.

say nang
Bất cứ ai cũng có thể bị say nắng, nhưng những người lớn tuổi (đặc biệt là trên 70 tuổi) là dễ gặp phải nhất. (Ảnh: New Africa/ Shutterstock)

Say nắng là một tình trạng rất nguy hiểm và xảy ra phổ biến vào mùa hè. Tình trạng say nắng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể của chúng ta tăng cao – thường là hơn 104 độ F (40 độ C). Lúc này, cơ thể sẽ không thể tự làm mát thông qua quá trình đổ mồ hôi và thở. Khi bị say nắng, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như nhịp tim nhanh, thở gấp, chóng mặt, buồn nôn, chuột rút cơ và mất ý thức.

Nếu không được hỗ trợ y tế kịp thời, người bệnh thường sẽ không qua khỏi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, mỗi năm ở Mỹ có trung bình khoảng 658 người tử vong do tình trạng say nắng.

Bất cứ ai cũng có thể bị say nắng, nhưng những người lớn tuổi (đặc biệt là trên 70 tuổi) là dễ gặp phải nhất. Nguyên nhân là bởi khả năng làm mát của cơ thể chúng ta sẽ yếu dần theo thời gian. Ngoài ra, nếu sử dụng một số loại thuốc có tác dụng kiểm soát huyết áp, co giật và rối loạn tâm lý thì chúng cũng có thể làm giảm khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể bạn.

Rủi ro đối với người lớn tuổi sẽ càng tăng lên khi họ không nhận thức được những đợt nắng nóng nguy hiểm, không có máy điều hòa nhiệt độ trong nhà và không có người ở bên cạnh để trông nom.

Bên cạnh tuổi tác, các loại bệnh tật như béo phì, tiểu đường và bệnh tim cũng có thể làm tăng nguy cơ khiến bạn bị say nắng.

Dưới đây là ba lời khuyên hữu ích giúp bạn ngăn ngừa tình trạng say nắng:

1. Uống đủ nước

Trong những ngày nắng nóng, bạn đừng quên uống nhiều nước và tránh các loại đồ uống có đường và rượu. Trong trường hợp bác sĩ khuyên nên hạn chế lượng nước uống hàng ngày vì bị bệnh suy tim (hoặc một căn bệnh khác) thì bạn hãy nhớ giữ liên lạc với bác sĩ trong suốt đợt nắng nóng để phòng tránh các biến chứng y tế.

uong du nuoc
Trong thời tiết nóng hơn, hãy uống nhiều nước hơn và tránh đồ uống có đường và rượu. (Ảnh: LightField Studios/ Shutterstock)

2. Nghỉ ngơi

Bạn không nên tập thể dục vào những giờ nóng nhất trong ngày – thường là từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Lúc này, nhiệt độ và độ ẩm tăng cao nên cơ thể sẽ rất khó để phục hồi.

3. Tìm một môi trường mát mẻ

Nếu nhà của bạn không có điều hòa thì có thể áp dụng những cách sau:

– Mặc quần áo nhẹ, thoáng khí
– Tránh đứng dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp
– Dùng quạt hơi nước
– Tắm với nước mát
– Chườm túi lạnh lên cổ, nách hoặc đầu
– Đến các địa điểm công cộng mát mẻ như thư viện, siêu thị…

Quạt có thể giúp bạn cảm thấy mát mẻ hơn nhưng nó không có khả năng hạ thấp nhiệt độ không khí. Quạt tạo ra sự chuyển động của không khí trên da, dẫn đến tình trạng bay hơi mồ hôi, làm giảm nhiệt độ cơ thể.

Không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời của quạt trong mùa hè nhưng trong những ngày có độ ẩm cao thì điều hòa sẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Bởi chúng có thể dễ dàng khiến không khí trở nên khô hơn, giúp cơ thể bạn tự làm mát dễ dàng hơn.

Khi có đợt nắng nóng, bạn hãy dành thời gian hỏi thăm họ hàng, bạn bè, những bác hàng xóm lớn tuổi để đảm bảo họ có đủ phương tiện giữ mát. Nếu bạn gặp ai đó có triệu chứng say nắng, hãy giúp họ gọi cấp cứu hoặc đưa họ đến một cơ sở y tế.