Nắng nóng mùa hè và bệnh tiểu đường: Lời khuyên giúp ngừa say nắng và giữ gìn sức khỏe
- Minh Minh
- •
Nhiệt độ, độ ẩm cao vào mùa hè và bệnh tiểu đường có liên quan mật thiết với nhau. Nếu bị mất nước, tình trạng bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Thời tiết nóng nực và độ ẩm cao của mùa hè có thể gây ra những thay đổi về trao đổi chất trong cơ thể, từ đó dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống. Những thay đổi đột ngột như vậy có thể khiến những người mắc bệnh mãn tính, như bệnh tiểu đường, khó quản lý sức khỏe và kiểm soát tình trạng bệnh. Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà các bệnh nhân tiểu đường nên thực hiện trong những tháng hè nóng bức.
Tình trạng mất nước và nhiệt độ cao gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu
Nhiệt độ cao có thể dẫn đến tình trạng mất nước trong cơ thể con người, từ đó gây tác động tiêu cực đến nồng độ glucose trong máu. Mất nước khiến lượng đường trong máu trở nên cô đặc hơn, có khả năng dẫn đến hệ lụy tiếp theo là lượng đường trong máu tăng cao. Những người mắc bệnh tiểu đường cần phải uống đủ nước để duy trì trạng thái cân bằng giữa chất lỏng và lượng đường trong máu trong cơ thể.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Nhắc đến mùa hè, chúng ta không thể không nhắc đến những món ăn nhiều đường hấp dẫn như hoa quả dầm sữa tươi, kem, nước ngọt ướp đá…Tất cả các món ăn này đều có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý tuân thủ các khuyến nghị về chế độ ăn uống của bác sĩ và tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm nhiều đường.
Tập thể dục và hoạt động thể chất
Bạn nên chăm chỉ tập thể dục (ở mức độ vừa phải) để kiểm soát lượng đường trong máu. Thói quen này sẽ giúp cải thiện độ nhạy insulin và duy trì sức khỏe tổng thể. Bệnh nhân tiểu đường có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc tham gia các hoạt động và tập thể dục ngoài trời trong thời tiết nóng nực. Vậy nên, người bệnh nên tập thể dục vào những thời điểm mát mẻ trong ngày để cơ thể không bị mất nước.
Những thay đổi về độ nhạy insulin
Khi thời tiết trở nóng, một số bệnh nhân tiểu đường có thể sẽ gặp phải những thay đổi đáng kể về độ nhạy insulin. Để thích ứng với những thay đổi này, người bệnh cần điều chỉnh liều lượng insulin hoặc xem lại những loại thuốc mình đang sử dụng.
Mặc dù thời tiết mùa hè gây khó khăn cho bệnh nhân tiểu đường nhưng vẫn có thể kiểm soát bệnh tật bằng cách duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, tập thể dục và thường xuyên xin lời khuyên từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Bệnh nhân tiểu đường cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng say nắng?
So với một người khỏe mạnh thì những người mắc bệnh tiểu đường thường nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao và tình trạng mất nước. Dưới đây là một số lời khuyên để người bệnh ngăn ngừa tình trạng say nắng:
1. Giữ ẩm cho cơ thể
Trong thời tiết nóng bức, cơ thể rất dễ bị mất nước thông qua quá trình đổ mồ hôi. Vậy nên lời khuyên cho bạn là hãy uống nhiều nước để duy trì lượng đường trong máu ổn định. Bạn có thể tăng lượng chất lỏng nạp vào nếu nhận được sự chấp thuận từ bác sĩ.
2. Tránh thực hiện các hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ cực cao
Người mắc bệnh tiểu đường nên tránh các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, đặc biệt là vào khoảng giữa trưa. Thời điểm tốt nhất để tập thể dục ngoài trời là vào buổi sáng hoặc buổi tối.
3. Tập thể dục vừa phải
Tập thể dục nhẹ và vừa phải là một cách hiệu quả giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể. Có thể chọn các hoạt động nhẹ nhàng như bơi lội trong nhà, yoga, giãn cơ. Điều quan trọng là người bệnh không nên tập thể dục quá sức trong thời tiết nóng nực.
4. Mặc quần áo phù hợp
Mặc quần áo nhẹ, thoáng khí có thể giúp chúng ta hạ nhiệt độ cơ thể và hạn chế tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều. Bạn nên đội mũ rộng vành và đeo kính râm để bảo vệ đầu và mắt khỏi thời tiết khắc nghiệt ngoài trời.
5. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể có làn da nhạy cảm với ánh nắng hơn so với những người khỏe mạnh. Bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao và tránh tiếp xúc với ánh mặt trời trong thời gian dài.
6. Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu
Trong mùa hè, bệnh nhân tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu. Khi thấy lượng đường huyết tăng đột biến hoặc giảm bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để có giải pháp xử lý kịp thời.
7. Cảnh giác với các triệu chứng say nắng
Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị say nắng cao hơn người bình thường. Vậy nên khi nhận thấy các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa và nhịp tim nhanh, bạn nên tìm nơi nghỉ ngơi và có biện pháp chăm sóc y tế kịp thời.
Chú ý đến chế độ ăn trong mùa hè
Vào mùa hè, bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế ăn trái cây, món tráng miệng hoặc đồ uống có nhiều đường và tránh các món ăn quá cay. Nên ăn các thực phẩm nhẹ như bột yến mạch, nấm, cần tây, rau bina, mướp đắng và bí.
Điểm bấm huyệt cho bệnh tiểu đường
Bấm huyệt vào các điểm cụ thể có thể giúp tăng cường chức năng lá lách và dạ dày, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm lượng đường trong máu. Những huyệt đạo này bao gồm: Túc tam lý (ST36), Thủ tam lý (LI10), Hợp cốc (LI4).
Y học cổ truyền Trung Quốc coi kinh tuyến là kênh dẫn năng lượng. Cơ thể con người có 12 kinh mạch chính tương ứng với 12 cơ quan. Một số điểm dọc theo các kinh tuyến này được cho là điểm bấm huyệt. Nhiều người cho rằng, khi kích thích các điểm này (thông qua các kỹ thuật như bấm huyệt hoặc châm cứu) thì những tình trạng liên quan đến các cơ quan tương ứng cũng cũng sẽ được điều trị.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2017, các nhà khoa học đã xem xét một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trên 30 bệnh nhân tiểu đường được bấm huyệt tại điểm Túc tam lý (ST-36), mỗi lần 30 phút, 3 lần 1 tuần, trong 11 tuần. Nhóm đối chứng tiếp tục điều trị thông thường. Những người tham gia cả 2 nhóm được kiểm tra lượng đường trong máu hàng tuần. Kết quả cho thấy, bấm huyệt vào huyệt Túc tam lý (ST-36) có hiệu quả làm giảm lượng đường trong máu và giúp giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Từ khóa sức khỏe bệnh tiểu đường nắng nóng Mùa Hè say nắng