Sự hiếu kỳ: Cách bạn suy nghĩ tạo nên sự khác biệt
- Robert Backer, Ph.D.
- •
Sự hiếu kỳ không chỉ là một đặc điểm bẩm sinh, mà là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn khám phá thế giới xung quanh và phát triển tư duy sáng tạo. Cách bạn tiếp cận các vấn đề, câu hỏi và những trải nghiệm mới có thể mở ra những cánh cửa mới, giúp bạn nhìn nhận cuộc sống dưới những góc độ khác biệt. Sự tò mò đơn giản có thể dẫn bạn đến những phát hiện bất ngờ, và chính cách bạn suy nghĩ sẽ quyết định mức độ xa xôi bạn có thể đạt được.
Bạn đang hướng đến đâu? Liệu trong hành trình đó, bạn có thật sự nhận thức được những gì đang xảy ra không? Hãy cùng Tiến sĩ Robert Backer, nhà tâm lý học thần kinh khám phá mối liên hệ giữa sức khỏe tâm trí – cơ thể, những hiện tượng tâm lý và các xu hướng văn hóa.
“Tại sao con quạ lại giống cái bàn viết?”
Câu hỏi “tại sao con quạ lại giống cái bàn viết?” là một câu đố kỳ lạ trong truyện Alice ở xứ sở thần tiên. Ban đầu nghe qua, nó có vẻ vô lý và không có lời giải — vì thật ra nó được tác giả tạo ra để không có câu trả lời cụ thể. Thế nhưng, tôi thường dùng câu hỏi này khi làm việc với khách hàng để rèn luyện tư duy sáng tạo. Tôi đố họ chỉ ra mười cách mà con quạ và cái bàn viết có thể liên quan đến nhau.
Nghe có vẻ là một thử thách khó, nhưng thực tế không phải vậy. Sự tò mò và khả năng suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau là hai yếu tố quan trọng giúp chúng ta trở nên sáng tạo hơn. Thêm vào đó, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng mỗi người có cách thể hiện sự hiếu kỳ rất khác nhau — không ai giống ai.
Bạn là thợ săn, người thích khám phá nhiều thứ khác nhau (hiếu kỳ), hay là vũ công kết nối những ý tưởng bất ngờ?
Một nghiên cứu công bố năm 2024 trên tạp chí Science Advances đã phân tích cách thức gần 500.000 người từ 50 quốc gia sử dụng Wikipedia. Kết quả cho thấy có ba kiểu hiếu kỳ khác nhau:
Kiểu thợ săn (Hunter): Bạn tập trung tìm một câu trả lời cụ thể và làm mọi cách để tìm ra nó. Bạn có mục tiêu rõ ràng, làm việc hiệu quả, nhưng đôi khi không để ý đến những lựa chọn khác ngoài mục tiêu ban đầu.
Kiểu hiếu kỳ (Busybody): Bạn thích khám phá đủ thứ. Bạn xem nhiều chủ đề khác nhau, linh hoạt và ham học hỏi, nhưng dễ bị phân tán và thiếu chiều sâu.
Kiểu vũ công (Dancer): Bạn không đi theo lối mòn. Bạn thích kết nối những ý tưởng bất ngờ – như nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác rồi bất ngờ tạo ra một điều sáng tạo. Tuy nhiên, bạn có thể thiếu sự rõ ràng hoặc hệ thống.
Hãy thử nhớ lại lần gần nhất bạn đi dạo trong một hiệu sách, hoặc khi bạn tìm kiếm thông tin trên mạng. Bạn có tập trung tìm đúng thứ mình cần (thợ săn), đọc lan man vì thứ gì cũng khiến bạn hứng thú (hiếu kỳ), hay vô tình lướt từ chủ đề này sang chủ đề khác rồi nảy ra một ý tưởng độc đáo (vũ công)?
Thực tế, hầu hết chúng ta có thể linh hoạt chuyển giữa các kiểu này. Tuy nhiên, khi hiểu rõ mình thiên về kiểu nào, bạn sẽ dễ dàng chọn cách học, sáng tạo hoặc giải quyết vấn đề phù hợp hơn, vì mỗi kiểu đều có ưu điểm và hạn chế riêng.
Tận dụng sự hiếu kỳ để sáng tạo và thành công
Chọn đúng cách tiếp cận và áp dụng vào thời điểm thích hợp có thể giúp bạn học nhanh hơn, giải quyết vấn đề hiệu quả hơn và phát triển tư duy sáng tạo.
Thợ săn (Hunter)
Là người đi tìm câu trả lời cụ thể, bạn đang vận dụng tư duy hội tụ — tức là tập trung từ cái chung đến cái riêng. Trong kinh doanh, lối tư duy này đặc biệt hữu ích khi cần xác định và giải quyết một vấn đề rõ ràng, chẳng hạn: Làm thế nào để tăng năng suất dây chuyền sản xuất?
Bạn sẽ tập trung phân tích các yếu tố chính có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu.
Nếu mục tiêu của bạn là nâng cao chuyên môn, xử lý vấn đề hiệu quả hoặc thành thạo một kỹ năng cụ thể, thì tư duy kiểu “thợ săn” là lựa chọn phù hợp.
Phù hợp với: hiệu suất cao, tính kỷ luật, và khả năng thành thạo kỹ năng.
Hạn chế: thiếu linh hoạt, dễ bị căng thẳng hoặc kiệt sức khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi.
Hiếu kỳ (người thích khám phá nhiều thứ)
Bạn thường bị thu hút bởi những điều mới lạ và thích khám phá nhiều lĩnh vực cùng lúc? Đó là dấu hiệu của tư duy phân kỳ — thay vì chỉ tập trung vào một chủ đề, bạn mở rộng suy nghĩ và khám phá nhiều khả năng từ một ý tưởng ban đầu.
Chuyên môn là quan trọng, nhưng đôi khi chính sự mở rộng tư duy và khám phá những điều mới lại tạo ra đột phá. Ngay cả Trường Y Harvard — nơi vốn nổi tiếng với sự chuẩn xác và quy trình nghiêm ngặt — cũng nhận thấy rằng việc khuyến khích bác sĩ suy nghĩ rộng trước khi tập trung vào chẩn đoán cụ thể có thể giúp xử lý hiệu quả những ca bệnh phức tạp.
Phù hợp với: tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, khám phá giải pháp mới lạ.
Hạn chế: dễ phân tán, thiếu tập trung, đôi khi không theo đuổi đến cùng một ý tưởng.
Vũ công
Nếu “thợ săn” và “người hiếu kỳ” đã được công nhận từ lâu, thì nghiên cứu mới đây trên Science Advances lại đưa sự chú ý đến một hình mẫu khác: vũ công — những người không ngần ngại “nhảy” giữa các lĩnh vực, ý tưởng và góc nhìn khác nhau.
Cách tiếp cận này mang lại nhiều lợi ích. Người sáng tạo thường là những người hạnh phúc nhất, bởi tâm lý học cho thấy: khi nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng, con người sẽ tìm thấy niềm vui sâu sắc trong việc phát triển bản thân và tạo ra những đột phá. Trong môi trường áp lực cao, những cá nhân có khả năng thích nghi — giống như vũ công luôn thay đổi động tác trên sân khấu — thường phát triển mạnh mẽ nhờ khả năng nhìn nhận lại vấn đề và tìm ra hướng đi sáng tạo cho những thử thách khó nhằn.
Ngược lại, khi ta mắc kẹt trong một lối mòn suy nghĩ, mọi thứ có thể rơi vào trạng thái bế tắc, thiếu hiệu quả. Việc chủ động thay đổi góc nhìn, bước ra khỏi vùng an toàn giúp ta nhận ra những khía cạnh bị bỏ sót — từ đó mở ra các giải pháp mới mẻ. Đối với những ai chưa quen với phong cách này sẽ cần thời gian để thích nghi. Nhưng cũng như một điệu nhảy, mọi động tác ban đầu đều khó khăn — cho đến khi bạn luyện tập đủ để thành thạo.
Phù hợp với: cảm hứng, phát triển bản thân và tư duy sáng tạo.
Hạn chế: các tình huống cần tính thực tế cao, yêu cầu kết quả trong ngắn hạn.
Vậy đâu là cách tiếp cận tối ưu?
Chìa khóa nằm ở sự tò mò có mục đích rõ ràng. Khi bạn biết khi nào cần tập trung như một thợ săn, mở rộng như người hiếu kỳ, và linh hoạt như một vũ công — đó chính là lúc bạn đang khai thác trọn vẹn sức mạnh của trí tò mò để học hỏi, sáng tạo và phát triển không ngừng.
Mặc dù sự tò mò có mục đích giúp chúng ta khám phá những ý tưởng và khả năng mới, điều quan trọng là phải biết khi nào nên thay đổi hướng đi. Hai nhà kinh tế học hành vi đoạt giải Nobel là Daniel Kahneman và Amos Tversky đã đề cập đến sự khác biệt giữa ‘làm đúng’ và ‘hoàn thành’ trong cuốn ‘Tư duy, nhanh và chậm’. Có những lúc, việc mở rộng tìm hiểu thông tin đa chiều là rất hữu ích. Nhưng cũng có lúc, chúng ta cần phải tập trung vào một giải pháp cụ thể. Nếu không, việc quá sa đà vào việc khám phá có thể khiến ta cảm thấy lạc hướng và thất vọng.
Tuy nhiên, sự cân bằng này không chỉ là một vấn đề tâm lý — mà còn liên quan đến cách thức hoạt động của não bộ. Các nghiên cứu thần kinh cho thấy: sự hiếu kỳ không chỉ khiến việc học trở nên hấp dẫn hơn, mà còn kích hoạt các vùng não liên quan đến phần thưởng và khả năng tự kiểm soát. Một trong những chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến quá trình này là norepinephrine, một chất ảnh hưởng đến mức độ tỉnh táo, sự tập trung và động lực hành động.
Hãy hình dung một con mèo đang rình mồi: ánh mắt tập trung, cơ thể căng lên, mỗi chuyển động đều hướng tới mục tiêu rõ ràng. Khi trí tò mò được dẫn dắt đúng cách, chúng ta cũng có thể tập trung mạnh mẽ như vậy và từ đó đạt được những đột phá thực sự.
Áp dụng sự tò mò để có cuộc sống viên mãn hơn
Sự tò mò không chỉ làm cho cuộc sống trở nên thú vị mà còn có thể giúp bạn tái lập trình não bộ. Khi bạn khám phá những ý tưởng hoặc trải nghiệm mới não của bạn sẽ giải phóng dopamine — một chất hóa học liên quan đến cảm giác hạnh phúc. Chính sự thúc đẩy này giúp việc học trở nên hấp dẫn hơn, mở rộng tầm nhìn và giúp não bộ nhận ra các mô hình dễ dàng hơn. Nói một cách đơn giản, sự tò mò kích thích sáng tạo và giúp bạn kết nối các ý tưởng theo những cách mới mà bạn chưa từng nghĩ đến.
Với tất cả những lợi ích mà sự hiếu kỳ mang lại, bạn có thể tự hỏi làm thế nào để khai thác nó nhằm gia tăng hạnh phúc trong cuộc sống. Để tận dụng tối đa sức mạnh của sự tò mò bạn có thể làm theo bốn bước dưới đây:
Tìm ra phong cách của bạn:
Thợ săn, người hay tò mò hay vũ công? Xác định phong cách phù hợp sẽ giúp bạn tận dụng sức mạnh của nó, hoặc thay đổi cách tiếp cận khi cần thiết.
Điều chỉnh tư duy:
Xây dựng một môi trường hỗ trợ mục tiêu của bạn
Thợ săn: Hãy xác định rõ ràng câu hỏi hoặc nhiệm vụ bạn cần giải quyết, chia nó thành các bước nhỏ và tập trung vào từng bước một. Đặt giới hạn thời gian hoặc loại bỏ những yếu tố không liên quan để giúp bạn duy trì sự chú ý. Ví dụ, nếu bạn đang tìm hiểu một ứng dụng mới, hãy bắt đầu với tính năng quan trọng nhất, tức là tính năng bạn cần sử dụng ngay thay vì cố gắng khám phá tất cả các tính năng từ đầu.
Hãy tự hỏi: “Bước quan trọng tiếp theo là gì?” Con đường không phải lúc nào cũng thẳng tắp, nhưng việc ưu tiên các nhiệm vụ nhỏ sẽ giúp bạn tiến bộ. Tập trung vào từng khoảnh khắc, đặt hẹn giờ và tránh những yếu tố gây xao nhãng. Sắp xếp môi trường làm việc của bạn để giảm thiểu sự phân tâm. Hãy luôn giữ mục tiêu trong tâm trí!
Hiếu kỳ: Bạn có thể khuyến khích sự lang thang của tâm trí bằng cách tương tác với nhiều loại tài liệu khác nhau và để cho những ý tưởng bất ngờ xuất hiện. Thử thách bản thân bằng cách chọn một vật thể và nghĩ ra càng nhiều cách sử dụng khác nhau càng tốt, không giới hạn suy nghĩ.
Bao quanh mình với nhiều loại vật liệu khác nhau sẽ kích thích khả năng suy nghĩ liên tưởng. Hãy chú ý đến cách các ý tưởng kết nối với nhau và sau đó suy ngẫm lại. Việc vận động cơ thể hoặc thiền — không cần mục đích cụ thể, chỉ cần ngồi yên và quan sát suy nghĩ trong khoảng 5 đến 10 phút — cũng có thể giúp tăng cường khả năng sáng tạo.
Vũ công: Bạn sẽ hưởng lợi từ việc thay đổi góc nhìn. Hãy thử kết hợp các sở thích khác nhau, khám phá môi trường mới, hoặc nói chuyện với những người bên ngoài vòng tròn quen thuộc của bạn. Ban đầu, việc thay đổi thói quen có thể khó khăn vì não thường chống lại những thay đổi này. Tuy nhiên, với sự luyện tập, những thay đổi này sẽ trở nên tự nhiên hơn và giúp bạn nâng cao khả năng sáng tạo và phục hồi sau những lúc kiệt sức.
Định hình lại vấn đề để mở ra cánh cửa mới
Hãy thử đặt những câu hỏi như: “Điều này có thể dùng vào mục đích gì khác?” hoặc “Một người khác sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?” Đừng vội phán xét, hãy để sự tò mò dẫn dắt bạn mà không lo lắng về việc có “đúng” hay không.
Việc kích thích sự tò mò có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng bế tắc và mở rộng tư duy. Một cách đơn giản là thay đổi thói quen hằng ngày, ví dụ như đi một con đường khác khi đi làm và chú ý những điều bạn chưa bao giờ để ý. Hãy thử nhìn nhận những điều quen thuộc từ một góc độ mới, ví dụ như học một kỹ năng mới và giải thích cho người khác. Những thay đổi nhỏ này có thể giúp bạn nhìn nhận thế giới xung quanh với sự tò mò và sáng tạo hơn.
Củng cố thói quen sáng tạo
Hãy giữ một cuốn nhật ký để ghi lại những suy nghĩ tò mò của bạn. Viết xuống những ý tưởng mới, các mối liên hệ hoặc mô hình mà bạn nhận thấy. Bạn cũng có thể tạo một “danh mục chờ khám phá” – sau đó dành thời gian để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi, nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau và thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo mới. Điều này sẽ giúp bạn duy trì và phát triển sự sáng tạo một cách liên tục.
Hãy khám phá ra nhà thám hiểm bên trong bạn
Tôi nhớ câu chuyện về những thủy thủ châu Âu vật lộn để vượt qua Đại Tây Dương, cho đến khi họ nhận ra rằng lướt theo dòng nước dễ dàng hơn rất nhiều. Đây là một phép ẩn dụ thú vị cho việc ‘chèo thuyền’ theo nhịp điệu tự nhiên của bạn thay vì luôn cố gắng chống lại những điều tự nhiên của bản thân.
Khi nhận thức được phong cách hiếu kỳ của chính mình và điều chỉnh theo cách phù hợp, bạn sẽ dễ dàng tận dụng nhịp điệu tự nhiên của bản thân thay vì ép mình vào những thói quen cứng nhắc. Khi bạn cần tập trung, mở rộng tầm nhìn, hay thực hiện những bước đột phá, sáng tạo lớn nhất của bạn có thể xuất hiện khi bạn thay đổi cách tiếp cận.
Vậy, tại sao quạ lại giống như một cái bàn viết? Câu trả lời có thể nằm ở cách bạn chọn suy nghĩ về chúng.
Từ khóa sự hiếu kỳ sự khác biệt
