Sự ra đi của nữ sĩ Quỳnh Dao khiến ta suy nghĩ sâu sắc về tuổi già
- Trúc Nhi
- •
Nhà văn Quỳnh Dao là một tác giả nổi tiếng trong thế giới văn học Hoa ngữ, những tiểu thuyết của bà đã khắc họa nhiều câu chuyện tình yêu cảm động, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Tuy nhiên, những trải nghiệm và lựa chọn trong những năm cuối đời của bà lại khiến vô số người phải kinh ngạc. Những lựa chọn ấy vừa khiến người ta tiếc nuối, vừa khiến người ta phải suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống tuổi già
Sau một thời gian dài chịu đựng nỗi đau bệnh tật, bà Quỳnh Dao lựa chọn cuộc đời mình theo cách riêng. Vào những năm tháng cuối đời, bà mắc phải nhiều bệnh mãn tính, cơ thể dần suy yếu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Bà mắc phải bệnh Alzheimer, dần mất đi khả năng tự chăm sóc và chức năng ngôn ngữ. Đặc biệt, việc chịu cú sốc tâm lý trước sự ra đi của người chồng yêu dấu đã khiến tinh thần của bà sa sút nghiêm trọng.
Khoảng thời gian này đã ảnh hưởng sâu sắc đến bà, nhưng điều đó lại khiến bà càng thêm kiên định với quan điểm rằng cuộc sống không nên kết thúc trong đau đớn và sự hành hạ. Trong di chúc, bà viết: “Tôi làm chủ cuộc đời mình, đó là sự giải thoát cho bản thân và cũng là sự giải phóng cho gia đình”. Bà chọn cách kết thúc cuộc sống của mình, bà hy vọng không bị bó buộc bởi đau đớn và các can thiệp y tế vô nghĩa.
Đây là một cách bảo vệ quyền tự quyết về sinh tử, hay chỉ là một sự giải thoát bất lực? Chúng ta nên nhìn nhận thế nào về lựa chọn này?
Dưới đây, thông qua kết hợp y học và khái niệm về sức khỏe từ bốn khía cạnh: thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần, để khám phá cách giúp mỗi giai đoạn của cuộc sống người cao tuổi đều trở nên đúng đắn và đầy ý nghĩa.
Sức khỏe thể chất
Chúng ta bắt đầu từ sức khỏe thể chất, từ đó dần dần giải mã cách đối mặt với một số thử thách mà người cao tuổi thường gặp phải.
Sức khỏe thể chất là nền tảng của mọi thứ. Người cao tuổi thường phải đối mặt với các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao, viêm khớp… Những bệnh này không chỉ gây ra đau đớn về thể chất, mà còn ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của họ.
Tôi từng tiếp nhận một bệnh nhân trên 70 tuổi mắc bệnh viêm khớp, do cơn đau gối kéo dài, ông hầu như không thể di chuyển.
Chúng tôi kết hợp châm cứu, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục vừa phải để điều trị. Sau 6 tháng, ông đã phục hồi thói quen đi bộ buổi sáng. Đối với ông, năng lượng sống đã trở lại.
Một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên kéo dài 26 tuần được thực hiện tại Mỹ với 298 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cho thấy, cả châm cứu và xoa bóp đều có thể giảm đau cho bệnh nhân, cải thiện tình trạng mệt mỏi và mất ngủ.
Điều trị tâm lý
Cơn đau về thể chất có thể được làm dịu, nhưng cảm giác cô đơn và bất lực về tâm lý lại khó nhận ra hơn. Trong suốt thời gian dài phải chịu đựng bệnh tật, nhà văn Quỳnh Dao cảm thấy bất lực, nỗi cô đơn của bà không chỉ xuất phát từ những cơn đau thể xác mà chủ yếu đến từ sự kháng cự của bà đối với một cuộc sống vô nghĩa.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể giúp người cao tuổi vượt qua tâm lý căng thẳng này?
Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 10 năm ngoái cho thấy, trong số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, khoảng 14% bị rối loạn tâm thần, với các tình trạng tâm lý phổ biến nhất là trầm cảm và lo âu. Theo ước tính sức khỏe toàn cầu năm 2019, có hơn 1/4 số người chết do tự sát (27%) là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên.
Tôi có một bệnh nhân 85 tuổi, bà ấy đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng khi chồng bà qua đời. Qua thiền và liệu pháp tâm lý nhóm, bà dần dần chấp nhận sự ra đi của bạn đời và tham gia lại vào các hoạt động cộng đồng. Vì vậy, hỗ trợ tâm lý là vô cùng quan trọng.
Thiền, liệu pháp chánh niệm và trị liệu nhóm có thể giúp giảm bớt lo âu về sự cô đơn và cái chết ở người cao tuổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng đối với những người bị trầm cảm, lo âu hoặc những rối loạn về căng thẳng và thích nghi, trị liệu nhóm dựa trên chánh niệm có hiệu quả tương đương với trị liệu hành vi nhận thức cá nhân.
Giá trị và cảm giác thuộc về
Tuy nhiên, chỉ làm dịu các vấn đề tâm lý là chưa đủ. Người cao tuổi thường cảm thấy mình bị lãng quên và cần tìm thấy giá trị và cảm giác thuộc về trong xã hội.
Thực tế, người cao tuổi vẫn có giá trị xã hội to lớn, chỉ cần tìm được nền tảng phù hợp để thể hiện. Trong một lần tham gia hoạt động cộng đồng, có một người lớn tuổi đã chia sẻ trải nghiệm phấn đấu lúc còn trẻ, không chỉ truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ mà còn giúp bản thân tìm lại ý nghĩa sống của mình. Sau đó, ông ấy nói với tôi rằng đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời ông.
Vì vậy, thông qua việc tham gia các hoạt động cộng đồng, dịch vụ tình nguyện, hoặc đơn giản là các buổi tụ họp gia đình, người cao tuổi có thể xây dựng lại kết nối với xã hội, và cảm giác thuộc về này có thể nâng cao đáng kể mức độ hài lòng trong cuộc sống của họ.
Chăm sóc giảm nhẹ
Chăm sóc cuối đời có thể giúp giảm bớt những đau đớn về thể chất và cảm xúc khi người ta ở cuối đời, để họ có thể tập trung vào cuộc sống hiện tại cho đến những giây phút cuối cùng.
Ai cũng sẽ phải đối diện với điểm kết thúc của cuộc đời, và bà Quỳnh Dao đã ra đi theo cách của bà. Vậy chúng ta làm thế nào để giúp người cao tuổi đối diện với giai đoạn cuối của đời một cách bình thản?
Bà Quỳnh Dao là một người theo chủ nghĩa vô thần, nhưng lựa chọn của bà khiến chúng ta phải xem lại ý nghĩa và giá trị của cuộc sống, và điều này không ngăn cản chúng ta sử dụng tinh thần để quan tâm, giúp đỡ bệnh nhân tìm ra ý nghĩa của cuộc đời.
Một bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối, sau khi nhận liệu pháp giảm nhẹ, đã hoàn thành kế hoạch tổng kết cuộc đời, ghi lại những video gia đình để từ biệt người thân, đồng thời cũng hiểu được quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời mình. Ông cảm thấy cuộc sống mình trọn vẹn và để lại cho gia đình những kỷ niệm đẹp, vì vậy nỗi sợ hãi cái chết đã giảm đi rất nhiều.
Vì vậy, chăm sóc giảm nhẹ không chỉ giúp bệnh nhân giảm bớt nỗi đau, mà còn giúp gia đình và bệnh nhân cùng nhau đối diện với điểm kết thúc của cuộc đời. Một nghiên cứu tổng quan cho thấy, người thân trong quá trình giao tiếp vào lúc cuối đời của bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng.
Thông qua việc kết hợp y học và khái niệm về sức khỏe từ 4 khía cạnh trên, chúng ta có thể cung cấp cho người cao tuổi sự hỗ trợ toàn diện, từ thể chất, tâm lý, xã hội đến tinh thần. Là người thân, chúng ta nên dành nhiều thời gian bên cạnh, lắng nghe và tạo ra nhiều khoảnh khắc hạnh phúc cho người lớn tuổi. Là thành viên của xã hội, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển của chăm sóc giảm nhẹ, đồng thời giúp đỡ nhiều người hơn trong việc để mỗi người có thể sống có ý nghĩa ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời.
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epoch Times
Từ khóa Tuổi già suy nghĩ quỳnh dao ra đi