Tại sao bạn vẫn phải uống rượu?
- Đăng Tâm
- •
Tôi vừa đi “nhậu” cùng nhóm bạn về. Nhưng khác với phần đa các cuộc nhậu khác, chúng tôi chỉ “nhậu” mồi, nước suối… tuyệt nhiên không có rượu, bia. Thỉnh thoảng nhóm chúng tôi vẫn gặp nhau như vậy, tan cuộc mỗi người đều tự điều khiển phương tiện giao thông của mình để trở về nhà an toàn và tiếp tục công việc trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo.
Tôi cũng đang viết những dòng này về chủ đề rượu trong tâm thái hoàn toàn thanh tỉnh, không hề có hơi men trong người. Nhưng nhóm chúng tôi là thiểu số, và đang đi ngược dòng so với phần đông dân số người Việt trưởng thành – những người vẫn coi rượu, bia là chất xúc tác hướng tới thành công.
Tôi đã từng uống rất nhiều rượu trong các bữa tiệc cùng bạn bè, công ty hay các cuộc tiếp khách. Tôi hiểu rõ tác hại của rượu bia là thế nào, nhưng tôi vẫn phải uống vì cho rằng công việc cần thế, không uống thì không được việc. Những doanh nhân, trí thức, công nhân viên chức… đang hàng ngày phải uống rượu trong các bữa tiệc lớn, nhỏ đa phần đều có cách lý giải về việc uống rượu như tôi trước đây. Mọi người coi việc gặp mặt trên bàn nhậu với cốc bia, ly rượu là một thứ văn hóa quen thuộc, không thể thiếu. “Chén rượu là đầu câu chuyện”, được coi là châm ngôn của khoảng 90% đàn ông Việt trưởng thành và của không ít các chị/em có thể tải được chất lỏng có cồn.
Những người chấp nhận việc dùng rượu, bia trong giao tiếp hàng ngày có biết được tác hại của chất kích thích này không? Có. Họ biết rất rõ tác dụng của rượu. Họ là những bậc trí thức, có địa vị trong xã hội và họ thừa hiểu hậu quả của rượu, bia với bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng cực chẳng đã, họ vẫn phải uống vì “đời là thế”, không có chén rượu, cốc bia… mọi việc khác đều khó có thể suôn sẻ: người thân, bạn bè khó hiểu nhau, đối tác khó thân nhau, cấp trên cấp dưới khó thông cảm cho nhau. Đó là cái lý của những người đang đưa mọi việc lên bàn nhậu, qua rượu, qua bia. Họ cho rằng nếu không uống hết mình, mọi người sẽ không chân thành với nhau, sẽ không dốc hết bầu tâm sự, không thể hiểu được nhau. Họ cho rằng nhờ có rượu, bia mà mọi người xóa nhòa được khoảng cách, không còn ngờ vực, nghi kỵ nhau nữa… từ đó có thể thân thiết với nhau hơn và có thể giúp đỡ nhau nhiều hơn, mọi chuyện hợp tác sẽ thành công hơn.
Nhưng tôi vẫn thấy đâu đó trong nhiều cuộc nhậu bắt đầu trong tình cảm và kết thúc trong ẩu đả. Khi có chất kích thích trong người, phần lớn mọi người không còn giữ đươc lý trí và dễ bị “ma men” điều khiển, dẫn tới những hành động quá khích.
Tôi đã từng được chứng kiến một số người uống say rồi khóc, một số người chửi bới bạn nhậu, một số bầy đủ trò quái dị mà lúc tỉnh táo không ai có thể tượng tượng ra được. Chưa kể có những trường hợp sau bàn nhậu là tới bàn mổ tại bệnh viện do gặp tai nạn giao thông đáng tiếc.
Những người trí thức, viên chức… không phải họ không biết điều đó, không phải họ không được chứng kiến những hậu quả thảm khốc do rượu, bia. Nhưng tại sao họ không lên tiếng để ngăn chặn hoặc giảm thiếu văn hóa giao tiếp bằng rượu. Họ thậm chí còn lách luật công chức không được uống, rượu bia trong giờ làm việc để vượt rào nhậu cùng khách hàng, đối tác, người thân, bạn bè… vì cho rằng đó là tình huống không thể không uống.
Ngoài rượu, bia trong các cuộc nhậu tới bến, liệu có còn cách nào khác để người với người thân ái với nhau hơn? Đối tác hiểu nhau hơn và việc làm ăn vẫn xuôi chèo mát mái? Đây thực sự là một nan đề với xã hội Việt Nam hiện tại, đất nước đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới về việc sử dụng rượu, bia. Việc cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Gốc rễ nằm ở thói quen giao tiếp và văn hóa ứng xử giữa người với người.
Nếu mọi người, trong mọi hoàn cảnh, đều đối xử với nhau chân thành và thiện lương, thì có cần thiết phải dùng rượu, bia để xóa đi những rào cản vô hình hay không? Chắn khắn là không. Vì sao? Bởi vì khi con người mọi nơi, mọi lúc đều cư xử chân thành với nhau, trân trọng nhau… chắc chắn sẽ hiểu được nhau. Khi đó đâu cần phải dùng chất kích thích để “dốc bầu tâm sự”, người với người vẫn sẽ giao lưu, đàm đạo với nhau hết sức cởi mở, chân thành, trong điều kiện đầu óc, lý trí hoàn toàn tỉnh táo. Lúc đó ai uống gì liệu có còn quá quan trọng nữa không?
Đó không phải chuyện xa vời, xảy ra ở hành tinh khác. Trên địa cầu này, ở bán cầu Tây, những quốc gia công nghiệp phát triển họ đã thực hiện được việc đó rồi. Nước Pháp là một minh chứng. Họ tách biệt “nhậu” và “làm việc”. Họ cũng mời rượu nhưng không ép nhau buộc phải uống, dù chuyện công hay tư, chủ tiệc đều có đồ uống không cồn cho những ai không uống rượu bia.
Những người cả đời không uống một giọt rượu nào, mà vẫn thành công tột đỉnh cũng không phải đang sống trên sao Hỏa. Họ hiện hữu ngay trên địa cầu của chúng ta. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng chia sẻ trong chiến dịch tranh cử năm 2016 rằng ông chưa bao giờ uống một giọt rượu nào và luôn nhắc các con về lối sống lành mạnh từ nhỏ. Ông Trump nói: “Tôi bảo các con ngay từ khi chúng còn bé là không rượu, bia, thuốc lá, ma túy”.
Cách đây mấy hôm thôi, tôi cũng đã gặp một cựu chiến binh Việt Nam năm nay đã 93 tuổi. Ông cụ vẫn rất minh mẫn khi đã ở tuổi xưa nay hiếm và điều đặc biệt là cả đời cụ không hề dùng rượu, bia, thuốc lá.
Chúng ta vẫn có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích, thành công… mà không cần rượu bia. Tại sao bạn vẫn phải uống rượu?
Bài viết của độc giả Đăng Tâm gửi tới Trí Thức VN
Xem thêm:
Từ khóa giao tiếp rượu bia tác hại của rượu bia Uống rượu