Ruồi thường bay vo ve quanh bạn và dường như không dễ gì xua đuổi. Tại sao loài côn trùng này lại bị thu hút bởi con người? Theo các chuyên gia, nguyên nhân không chỉ đơn giản là mùi cơ thể mà còn liên quan đến những yếu tố sinh học đặc biệt.

con ruoi
Tại sao ruồi luôn bay xung quanh bạn? Chuyên gia giải thích. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Chắc hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác khó chịu khi bị ruồi quấy rầy. Tiếng vo ve bên tai không chỉ gây phiền toái mà còn rất khó để xua đuổi. Vậy tại sao loài côn trùng này lại luôn lảng vảng xung quanh con người? Dưới đây, các chuyên gia sẽ đưa ra lời giải thích chi tiết về hiện tượng này.

Theo trang Live Science, nguyên nhân ruồi thường xuất hiện xung quanh con người phụ thuộc vào từng loài cụ thể.

Tiến sĩ Jonathan Larson, nhà côn trùng học đồng thời là trợ lý giáo sư tại Đại học Kentucky, cho biết: “Một số loài ruồi bị thu hút bởi con người vì chúng ta là động vật có vú máu nóng, điều này khiến chúng ta trở thành mục tiêu tiềm năng. Tương tự như muỗi hoặc ruồi bị hấp dẫn bởi khí carbon dioxide mà con người thải ra khi hô hấp”.

Jody Gangloff-Kaufmann, cộng tác viên mở rộng cấp cao tại Đại học Cornell, người tập trung vào quản lý dịch hại và có bằng tiến sĩ về côn trùng học, cho biết ruồi rất dễ dàng tìm thấy con người vì chúng ta liên tục phát ra những mùi hương tự nhiên mà loài này ưa thích, chẳng hạn như carbon dioxide, axit lactic và axit uric.

Tuy nhiên, mức độ thu hút của những mùi này lại khác nhau tùy từng người.

Sammy Ramsey, phó giáo sư khoa côn trùng học tại Đại học Colorado Boulder, cho biết: “Nếu con người có thể nhìn thấy mùi hương, thì xung quanh mỗi người sẽ là một lớp sương mờ ảo”.

Ông giải thích: “Thành phần dầu nhờn trên da và các phân tử bay hơi từ cơ thể mỗi người đều khác nhau, phụ thuộc vào gen, chế độ ăn uống và hoạt động hàng ngày của họ. Một số người sẽ hấp dẫn ruồi hơn so với những người khác”.

Tiến sĩ Jonathan Larson cho biết, mồ hôi và dầu trên da con người chứa các hợp chất hữu cơ, protein và nhiều chất khác mà ruồi có thể ăn. Chúng chỉ cần dùng miệng để hút trên bề mặt da là có thể nhanh chóng hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, ông Sammy Ramsey nhấn mạnh rằng ruồi không hoàn toàn phụ thuộc vào mồ hôi để sinh tồn. Dù một số loài ruồi thực sự hấp thụ dưỡng chất từ da người, nhưng lượng dinh dưỡng này rất ít. Do đó, ruồi có xu hướng hút mồ hôi chủ yếu để bổ sung muối khoáng cho cơ thể. Khi kiếm ăn, chúng thường nhắm đến thức ăn của con người hơn là mồ hôi trên da.

Mặc dù một số loài ruồi, bao gồm cả ruồi nhà, thiên về phân hủy vật chất, nhưng chúng không hề kén ăn và có thể nếm thử đủ loại thức ăn. Để phân giải thức ăn rắn, ruồi sẽ tiết enzym tiêu hóa lên thức ăn để làm mềm, sau đó dùng bộ phận miệng dạng ống hút để hấp thụ chúng.

Trên thế giới có hơn 110.000 loài ruồi đã được ghi nhận, và hệ thống cảm nhận mùi để tìm kiếm thức ăn của chúng khác nhau tùy theo loài, thậm chí giữa các giới tính trong cùng một loài cũng có sự khác biệt.

Nhiều loài ruồi sử dụng vòi hoặc các sợi lông mịn trên cơ thể để cảm nhận mùi đặc trưng. Những tế bào cảm giác này có thể phát hiện mùi thức ăn từ xa vài dặm, sau đó gửi tín hiệu hóa học với tần số khác nhau đến não bộ.

Khi phát hiện mùi hấp dẫn, ruồi sẽ bay đến và đậu lên bề mặt nguồn thức ăn. Chúng có các cơ quan cảm nhận vị giác trên chân, giúp nhanh chóng xác định xem một vật có thể ăn được hay không.

Ruồi còn sở hữu đôi mắt kép hình cầu, được cấu tạo từ hàng nghìn thấu kính riêng lẻ. Những thấu kính này cực kỳ nhạy cảm với chuyển động và cung cấp tầm nhìn gần như 360 độ, giúp ruồi vừa tìm kiếm thức ăn vừa tránh được nguy hiểm.

Ông Ramsey cho biết ruồi nhà đặc biệt gây phiền toái vì chúng bẩm sinh rất tò mò. Chính vì vậy, chúng liên tục bay quanh con người, không ngừng đậu lên cơ thể. Tuy nhiên, chính bản tính tò mò này cũng khiến chúng trở thành vật trung gian lý tưởng để lây lan các bệnh như bệnh tả, bệnh lao và bệnh thương hàn.

Mặc dù không có cách nào hoàn toàn loại bỏ sức hút của con người đối với ruồi, nhưng tiến sĩ Gangloff-Kaufmann cho biết việc mặc áo dài tay và sử dụng các chất chống côn trùng như DEET hoặc dầu bạch đàn chanh có thể giúp xua đuổi một số loài ruồi nhất định.

Các hương pháp tự nhiên để đuổi ruồi

  1. Sử dụng nguyên liệu tự nhiên

Các phương pháp đuổi ruồi bằng nguyên liệu thiên nhiên vừa an toàn vừa hiệu quả:

– Tinh dầu thiên nhiên: Ruồi rất ghét mùi hương của bạc hà, sả, oải hương, hương thảo. Bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước và xịt quanh nhà hoặc sử dụng máy khuếch tán tinh dầu.

– Giấm táo và xà phòng: Pha giấm táo với một ít nước rửa chén, đặt trong ly hoặc bát. Mùi giấm sẽ thu hút ruồi, nhưng khi tiếp xúc với dung dịch xà phòng, chúng sẽ bị mắc kẹt.

– Chanh và đinh hương: Cắt đôi quả chanh, cắm đinh hương lên bề mặt và đặt gần cửa sổ, khu vực có nhiều ruồi. Cách này không chỉ đuổi ruồi mà còn tạo hương thơm dễ chịu.

– Túi nước treo đồng xu: Treo một túi nước chứa vài đồng xu ở cửa sổ hoặc cửa ra vào. Ánh sáng phản chiếu từ đồng xu sẽ khiến ruồi mất phương hướng và tránh xa.

  1. Giữ vệ sinh môi trường sống

– Đậy kín thực phẩm: Ruồi bị thu hút bởi thức ăn, đặc biệt là trái cây chín, đồ ngọt, thịt, rác hữu cơ. Để ngăn chặn, hãy bọc kín thực phẩm hoặc bảo quản trong hộp có nắp đậy.

– Dọn dẹp rác thường xuyên: Thùng rác là nơi sinh sản lý tưởng của ruồi. Hãy đảm bảo đậy kín nắp thùng rác và đổ rác thường xuyên, đặc biệt vào mùa nóng.

– Không để nước đọng: Ruồi có thể sinh sản ở những khu vực ẩm ướt. Cần lau khô bồn rửa, sàn nhà, quầy bếp, và kiểm tra xem có rò rỉ nước không.

– Lau sạch vết bẩn và vụn thức ăn: Những vết bẩn, nước ngọt bị đổ hoặc thức ăn rơi vãi là nguồn thu hút ruồi. Sử dụng dung dịch giấm pha loãng hoặc chanh để lau dọn giúp loại bỏ mùi hương hấp dẫn chúng.

  1. Trồng cây xua đuổi ruồi

Một số loại cây có mùi hương mà ruồi rất ghét, bạn có thể trồng hoặc đặt chậu cây trong nhà để giúp xua đuổi ruồi:

– Hương thảo

– Bạc hà

– Oải hương

– Sả

– Húng quế

– Kim ngân hoa

Những loại cây này không chỉ giúp đuổi ruồi mà còn mang lại không gian xanh, thoáng mát cho ngôi nhà.

Trúc Nhi t/h
Theo The Epochtimes