Tây Tạng: Hồ nước chứa hàng triệu tấn cá nhưng không ai dám ăn
- Minh Minh
- •
Những con cá sống trong hồ nước linh thiêng của Tây Tạng được người dân địa phương tôn trọng, nâng niu nên họ không bao giờ đánh bắt chúng.
Tây Tạng là một chốn trong lành và linh thiêng, chính vì thế mà những hồ nước ở đó cũng mang vẻ đẹp của sự thuần khiết thanh tao.
Cao nguyên Tây Tạng rộng lớn – nóc nhà của thế giới – là vùng có nhiều hồ nhất Trung Quốc với hơn 1.500 hồ lớn nhỏ. Trong đó, Namtso, Mapang Yumso và Yamdrok Yumso là 3 “hồ Thánh” nổi tiếng ở Tây Tạng.
Namtso là hồ lớn nhất còn hồ Mapang nằm ở độ cao cao nhất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về hồ đẹp nhất – Yamdrok. Hồ Yamdrok chứa rất nhiều sản vật và khu vực xung quanh hồ là nơi cư trú của vô vàn loài chim quý. Được biết, trữ lượng cá trong hồ lên tới hàng trăm triệu kg nhưng người dân sống ở đây không bao giờ ăn chúng. Vì sao vậy?
Hồ Yamdrok hay còn gọi là hồ Yamzhoyongcuo, gọi tắt là Yanghu, trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Hồ xanh như ngọc”. Hồ Yanghu nằm ở quận Langkazi, thuộc thành phố Shannan, Tây Tạng. Nó là một hồ nước nội địa nằm ở rìa phía bắc của dãy Himalaya và là một hồ nước ngọt. Hồ nằm ở độ cao khoảng 4.441 mét với diện tích hơn 670 km2 (gấp khoảng 70 lần diện tích của Hồ Tây ở Hàng Châu). Dưới ánh nắng, nước hồ lấp lánh ánh lên các sắc độ khác nhau của màu xanh, hệt như một viên ngọc bích soi bóng trên cao nguyên. Hồ được mệnh danh là vùng nước đẹp nhất và là cảnh đẹp hiếm có nhất trên thế giới.
Hồ nước rộng lớn với nguồn nước tinh khiết là môi trường sống lý tưởng cho các loài cá. Khi mùa hè đến, cá ở hồ Yanghu sẽ bơi theo đàn vào vùng nước nông gần bờ, tìm kiếm thức ăn và sinh sản cùng một lúc. Đàn cá di chuyển dày đặc với số lượng đáng kinh ngạc. Thịt của cá chép trần cao nguyên rất mềm và ngon nhưng người dân địa không ăn, cũng không bao giờ đánh bắt chúng. Vì không có ‘kẻ thù’ nào tác động nên hồ Yanghu trở thành thiên đường của loài cá. Người ta cho rằng nơi đây có hơn 800 triệu kg cá (dữ liệu này chưa được khẳng định). Có thể nói hồ Yanghu là một ao cá có 1-0-2 trên phạm vi toàn cầu.
Sở dĩ người dân không ăn cá trong hồ vì họ tin vào Phật giáo. Hồ Yamdrok được gọi là “Hồ Thánh” vì người ta cho rằng đi qua hồ là một trong những cách quan trọng để tìm thấy hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma. Với người dân địa phương, hồ Yanghu rất linh thiêng nên tất nhiên cá sống trong hồ cũng phải được trân trọng. Hàng năm, các Phật tử thuần thành sẽ đi bộ quanh núi và hồ trong khoảng một tháng để xin Đức Phật ban phước.
Người dân Tây Tạng tin theo Phật giáo cho rằng sát sinh là một điều xấu xa. Vì thế con người cần hạn chế hết sức việc sát sinh. Trước khi giết mổ gia súc và cừu, họ sẽ cầu nguyện. Giết một con bò là đủ cho một gia đình sống trong nửa tháng, một con cừu cung cấp thức ăn trong 1 tuần, nhưng nếu chọn ăn cá thì họ sẽ phải giết rất nhiều. Đó là lý do người dân địa phương không muốn ăn cá hay tôm nhỏ.
Ngoài ra, thói quen không ăn cá của họ còn liên quan tới một phong tục chôn cất lâu đời. Người Tây Tạng sẽ thả xác người chết xuống nước cho cá ăn, để họ trở về với thiên nhiên một cách tự nhiên. Trong lòng người Tây Tạng, loài cá ở Tây Tạng giống như người lái đò đưa những người đã khuất tới Thiên đường. Họ tin rằng những con cá sống trong hồ có một mối liên hệ sâu sắc với linh hồn của tổ tiên của họ. Tuy nhiên, người dân không được tổ chức thủy táng trong hồ Yamdrok và cũng không được đánh bắt cá ở đây. Những người cố tình đến câu cá sẽ bị chặn lại.
Nói tóm lại, người dân Tây Tạng không đánh bắt cá ở hồ Yamdrok là do tín ngưỡng và phong tục truyền thống. Niềm tin mang lại sức mạnh tinh thần to lớn, và sức mạnh này đủ khiến họ hành động một cách cứng rắn. Vì vậy, dù trong “hồ Thánh” có bao nhiêu cá đi chăng nữa thì cũng không ai muốn và dám ăn chúng cả.
Từ khóa Tây Tạng Phật giáo tín ngưỡng khí đốt thiên nhiên Hồ nước