‘Thành công’ không có khuôn mẫu!
- Hoàng Minh
- •
Để hướng đến thành công, hãy học hỏi. Để chắc chắn thành công, hãy khác biệt. Con đường của bạn cần phù hợp nhất với chính những gì bạn đang có.
“Muốn thành công hãy học người thành công” là một lời khuyên quen thuộc. Có người còn khẳng định: “Người thành công luôn đúng”. Trong nhiều cơ quan vẫn sử dụng các hình thức thi đua khen thưởng để xây dựng gương điển hình, cá nhân tiêu biểu, như là lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, anh hùng lao động… Từ khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì các chức danh giám đốc, tổng giám đốc, CEO, Chủ tịch HĐQT thường được nhắc đến nhiều trong các lời giới thiệu. Bởi vâỵ nên những ai đạt được các danh hiệu hay mang những chức danh đó cũng thường được đánh giá là ‘Thành công’… Vậy phải chăng ‘Thành công” là có khuôn mẫu..?!
Quan niệm về sự thành công
Có lẽ nhiều người trong chúng ta càng trưởng thành sẽ càng nhận thấy rằng, những lời khuyên và quan niệm về sự thành công như trên là không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính nhân văn.
Thứ nhất, sự thành công của mỗi người khác nhau là khác nhau. Con người ta khi sinh ra thì năng lực tự nhiên vốn có của mỗi người đã là khác nhau, lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, môi trường giáo dục khác nhau, và mong muốn, ước mơ của họ lại càng khác nhau… Do vậy không thể tồn tại một chuẩn mực chung về sự thành công cho tất cả mọi người. Không nhất thiết và sẽ là bi kịch cho xã hội, nếu thành công nào cũng được đo bằng sự nổi tiếng, vị trí xã hội, mức thu nhập hay số tiền và tài sản mà một người đang sở hữu.
Thứ hai, thành công là một quá trình (a process) chứ không phải là một sự kiện (an event). Điểm của một kỳ thi, tỷ số của một trận đấu, kết quả làm việc hay doanh thu của một giai đoạn hoạt động không hoàn toàn phản ánh năng lực thực chất và càng không quyết định sự thành bại của một người.
Thứ ba, không có người thành công nào mà lại chưa từng thất bại. Trên thực tế, họ thành công bởi vì họ đã từng phạm sai lầm và đã từng thất bại nhiều hơn so với những người khác. Hơn thế nữa, trong thế giới năng động và cạnh tranh cao như hiện nay, luôn đòi hỏi các thành viên trong xã hội cần phát huy tối đa năng lực và bản sự vốn có (năng lực và sở trường tự nhiên) của mình. Sự khác biệt và tính đặc thù của mỗi cá nhân cần được tôn trọng và phát huy.
Thành công là khi bạn hạnh phúc với chính mình.
Tại sao nước Mỹ có lịch sử ngắn hơn các quốc gia khác nhưng lại là quốc gia sở hữu nhiều nhân tài nhất, làm chủ nhiều công nghệ hàng đầu thế giới, đó chính là vì ở xã hội đó họ luôn tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá thể. Nếu một đứa trẻ luôn được cha mẹ và người lớn lấy một đứa trẻ khác để so sánh và coi đó là ‘tấm gương’ cho nó, thì vô hình chung đã làm triệt đi cái bản ngã và năng lực vốn có của đứa trẻ. Ngay cả với đứa trẻ được ca ngợi kia cũng không có gì là tốt, nó sẽ dễ bị ngộ nhận về bản thân, dễ nảy sinh tâm lý hiển thị và đố kị sau này.
“Đừng bao giờ so sánh bạn với người khác. Nếu bạn làm vậy, bạn đang tự sỉ nhục mình”. – Bill Gates
Trong một xã hội đang “thoát nghèo” như nước ta, thì sự thành đạt về vị trí, tiền bạc và vật chất đang được chú ý, đang được đề cao và được coi là chuẩn mực đánh giá sự thành công của một cá nhân. Bên cạnh đó, những giá trị văn hoá, lối sống và chuẩn mực đạo đức lại có xu hướng bị xem nhẹ, thậm chí bỏ qua. Đó là lý do tại sao, không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao từng được báo chí ca ngợi hết lời bỗng dưng “ngã ngựa”, không ít doanh nhân từng được tung hô khắp nơi như một câu chuyện thành công mẫu bỗng dưng vỡ nợ hoặc phải ra “hầu toà”, và trong giới ca sỹ, người mẫu có những cái tên được hâm mộ đang còn ‘hot’ trên truyền thông đã có scandal…
Điều đáng lo ngại nhất chính là giới trẻ hôm nay, họ đang thực sự bị mất phương hướng. Hầu hết các bạn trẻ bước vào đời khi chưa thực sự phân biệt được thế nào là đúng là sai, là tốt là xấu, là thật là giả (?!) Và chỉ một thời gian ngắn sau khi ra trường, các bạn trẻ lại bị cuốn vào dòng chảy của xã hội, theo đuổi và truy cầu sự thoả mãn cá nhân và thành đạt trong “danh-lợi-tình”, giống như những gì đang diễn ra xung quanh họ. Nắm bắt được thị hiếu muốn “thành công nhanh” của giới trẻ, ngày càng có nhiều các khoá học thành công, hội thảo làm giàu mà ở đó các diễn giả thường tung ra các câu chuyện làm kích thích tham vọng của giới trẻ, và truyền dạy cho họ những kỹ năng làm thế nào để sớm thành danh, kiếm được nhiều tiền hơn và nhanh hơn. Không ít các bạn trẻ sau những khoá học hay hội thảo như vậy đã hào hứng chia sẻ: “Khoá học này đã làm thay đổi cuộc đời em..!”, một sự ngộ nhận đáng thương nhiều hơn đáng trách!
Người trẻ thường hay “ngộ nhận” về sự thành công và vội vã chạy theo những giá trị bề nổi này.
>>Hướng nghiệp: Dọc hay Ngang?
Back-to-basic! Hãy quay lại với nguyên lý cơ bản nhất của cuộc sống.
“Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó.” Thực ra những hiện tượng thành công nhanh, làm giàu nhanh, nổi tiếng nhanh nhưng ngắn (sớm kết thúc) hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, không phải là tình cờ và cũng không phải là bỗng dưng. Đó là hệ quả tất yếu của quy luật “Nhân-Quả”, quy luật “Thiện hữu, thiện báo. Ác hữu, ác báo.” Chỉ là con người ngày nay đã không nhận ra hoặc cố tình bỏ qua những quy luật đã luôn luôn tồn tại. Triết gia kinh doanh người Mỹ, Jim Rohn từng nói: “Thành công là kết quả tất yếu của việc kiên trì áp dụng những nguyên tắc nền tảng cơ bản.”
Để thành công bạn không nhất thiết phải giống với một cá nhân nào đó hay mẫu hình nào cả mà hãy tôn trọng những nguyên tắc nền tảng và theo đuổi những giá trị quan trọng đối với bạn. Do vậy, thay vì đi tìm kiếm những khuôn mẫu hay bí kíp thành công có sẵn nào đó, hãy tìm hiểu và vận dụng những những nguyên lý và nguyên tắc nền tảng để tạo dựng sự thành công của chính mình.
Ông Inamori Kazuo, nhà kinh doanh tài ba hàng đầu Nhật Bản, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch HĐQT của Công ty Kyocera, Chủ tịch hãng hàng không Japan Airlines, đã chia sẻ nguyên tắc kinh doanh của mình trong cuốn sách “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”. Đó là, xây dựng sự nghiệp kinh doanh phải dựa trên nền tảng đạo đức: “Kính Thiên, Ái Nhân”. Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, chính là: không vị kỷ, giảm bớt lòng tham, hành động vì lợi ích của người khác, kiên cường, chính trực và chân thành…
Chắc hẳn có người sẽ đồng tình với quan điểm rằng: dù tìm kiếm sự thành công trong lĩnh vực nào, bạn là người đi làm công ăn lương, tự làm cho mình hay là chủ một doanh nghiệp thì đạo lý “Kính Thiên, Ái Nhân” – tức là tôn trọng nguyên lý của vũ trụ, yêu thương con người – luôn cần được coi trọng. Nó cần là “kim chỉ nam” cho lối sống và hành vi trong công việc.
Người xưa đã đúc kết, thành công là sự hội tụ của “Thiên thời, địa lợi và nhân hoà”. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ này kể cả con người chúng ta cùng với những công việc mà ta đang làm, những mục tiêu chúng ta đang theo đuổi đều đang vận động và đều bị chi phối bởi những quy luật và nguyên tắc nhất định. Một trong những quy luật đó là “Bất thất giả bất đắc. Đắc tựu đắc thất.”, nghĩa là không mất thì không được, muốn được thì phải mất. Nói khác đi, sự thành công nào cũng có “cái giá” của nó. Sự trả giá đó bao gồm những sự nỗ lực và chăm chỉ của bạn, tính kỷ luật, tính kiên trì và cả những thăng trầm và thất bại mà bạn cần phải trải qua trên con đường mà mình đã chọn. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng, cùng một sự trả giá nhưng ở thời điểm khác nhau, địa điểm khác nhau và với con người cụ thể khác nhau có thể mang đến những kết quả khác nhau. Trong lịch sử, Khổng Minh là một người thông minh xuất chúng, tính toán như Thần, đã từng phải thốt lên rằng: “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.” là vậy!
Quay trở lại, nếu chúng ta không lấy vị trí, tiền bạc và tài sản để đánh giá sự thành công của mình, thì sự thành công của chúng ta sẽ không bị hạn cuộc vào những yếu tố vật chất thuần tuý đó. Nhà bác học có nhiều đóng góp lớn cho nhân loại, Albert Einstein từng nói: “Không phải tất cả những thứ có giá trị đều có thể đo đếm được.”, ví như sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc, các giá trị tinh thần và đạo đức.
“Đừng cố gắng trở thành người thành công. Thay vào đó, hãy trở thành người có giá trị.” – Albert Einstein
Thành công không có khuôn mẫu và con đường tới thành công không có sẵn bao giờ, đó là điều khẳng định! Khi bạn tự bước đi bằng đôi chân của mình, từ chính nơi bạn bắt đầu và bạn sẽ tạo nên con đường cho mình. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Trước kia làm gì có đường, người ta đi mãi thì mới thành đường đó thôi.” Cũng cần nhớ rằng, có thể bạn sẽ không đến được nơi định đến, nhưng cuối cùng bạn sẽ đến được nơi mà bạn chính xác cần có mặt.
Có thể thỉnh thoảng bạn sẽ muốn tự nhắc mình câu nói sau của triết gia Jim Rohn: “Giá trị lớn trong cuộc sống không phải là những gì bạn nhận được. Giá trị lớn trong cuộc sống là những gì bạn trở thành”. Đó cũng chính là sự thành công mà chúng ta cần hướng tới và nó chỉ có thể đến từ bên trong mỗi chúng ta..!!
Lê Thanh Hải
Doanh nhân, Singapore
Xem thêm:
Từ khóa đạo đức kinh doanh Bí quyết thành công