Chữ “Tín” – phong thủy tối ưu cho một nền tảng kinh doanh thịnh vượng
- Tâm Như
- •
Rủi ro đạo đức và tính liêm chính bị xói mòn chính là nguyên nhân sâu sa nhất dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu nói chung và sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp lớn nói riêng. Vậy đạo đức kinh doanh là gì, tại sao lại liên quan chặt chẽ đến thành bại của mỗi doanh nghiệp, mỗi hệ thống và nền kinh tế?
Đạo đức kinh doanh: từ triết gia cổ xưa tới học thuyết kinh tế hiện đại
Ngày nay, “Đạo đức kinh doanh” đã trở thành một bộ môn khoa học độc lập với đầy đủ khái niệm, phạm trù nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực tiễn; được giảng trong các chương trình đại học đào tạo doanh nhân. Dù bề dày lý luận và các bằng chứng thực tiễn của môn khoa học này ngày một bề thế, nhưng cũng không nằm ngoài nội hàm mà các hiền triết cổ xưa răn dạy con người, đó chính là giữ chứ TÍN trong kinh doanh. Phải chăng ngôn ngữ cổ xưa tuy giản dị nhưng có nội hàm uyên thâm, sâu sắc nên không cần một hệ thống lý luận và định nghĩa quá lớn như khoa học hiện nay?
Khổng Tử giảng về đạo đức kinh doanh bằng một câu “Thương Đạo thù Tín” (Luận Ngữ), nghĩa là miễn là giữ được chữ TÍN, người làm kinh doanh sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, phúc lộc đủ đầy. Ông còn giảng thêm “Dân vô tín bất lập”, nghĩa là người không có uy tín thì không có nơi lập thân, hiểu theo nghĩa rộng hơn là cũng khó có thể khởi nghiệp nếu thiếu chữ TÍN.
Ngày nay, ngoài hệ thống giáo dục bề thế về “đạo đức kinh doanh” trong trường học, để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, hệ thống Luật, thể chế giám sát và các nguyên tắc quản trị công ty luôn không ngừng cố gắng “gia cố” để đảm bảo mọi doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ đạo đức cho phép. Thực chất là không để lòng tham (dục vọng) của những người có quyền ra quyết định vì lợi ích của chính họ, vượt qua giới hạn đạo đức kinh doanh về chữ TÍN của cha ông hay vượt ranh giới về Luật định ngày nay – đây chính là rủi ro hàng đầu dẫn tới đổ vỡ của doanh nghiệp nói riêng và khủng hoảng kinh tế, tài chính nói chung.
Xây dựng sự nghiệp kinh doanh trên nền tảng đạo đức: Kính Thiên, Ái Nhân
“Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”: không vị kỷ, giảm bớt lòng tham, hành động vì lợi ích của người khác, kiên cường, chính trực và chân thành…
Ông Inamori Kazuo thành lập Công ty TNHH Koyoto Ceramic vào năm 1959 với số vốn khởi nghiệp 10.000 USD và 28 nhân viên. Cho tới nay, Tập đoàn Kyocera có quy mô trên 65.000 nhân viên và doanh số bán hàng đạt khoảng gần 13 tỷ USD.
Năm 1984, ông tiếp tục thành lập công ty DDI cạnh tranh với “gã khổng lồ” viễn thông NTT. Tính đến nay, nhà cung cấp dịch vụ không dây (được đổi tên thành KDDI) đã có trên 14.000 nhân viên với giá trị vượt quá 30 tỷ USD.
Giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, không khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác, tập đoàn Kyocera thậm chí lớn mạnh và mua lại hãng Japan Airline trước nguy cơ phá sản vào năm 2010. Cũng trong năm 2010, ông Inamori trở thành người giàu thứ 28 Nhật Bản theo bình chọn của tạp chí Forbes với tổng tài sản ước đạt gần 1 tỷ USD.
Ông đã chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình trong cuốn sách “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”.
Vậy đâu là bí quyết thành công của ông Inamori Kazuo và Tập đoàn Kyocera? Thực tế, Tập đoàn Kyocera đã được dẫn dắt và truyền cảm hứng từ một cá nhân có niềm tin vào Thần và một nền tảng đạo đức cao chứ không phải là các lý thuyết quản trị sáo rỗng. Triết lý kinh doanh của Kyocera mà mọi thành viên của Tập đoàn đều thấm nhuần và tự hào giới thiệu tới khách hàng, đối tác là: “Kính Thiên, Ái Nhân” – Tôn trọng nguyên lý của vũ trụ, yêu thương con người. Trong cuốn sách của mình, tôn trọng nguyên lý của vũ trụ và yêu thương con người được ông cụ thể hóa qua một số nguyên tắc đạo đức sau:
- Vô tư, không vị kỷ, vị tư; phủ định tuyệt đối lợi ích cá nhân. Ông tin rằng: Khi tư tâm của của người đứng đầu xuất hiện cũng là lúc công ty gặp khó khăn. Ông Kazuo thề sẽ không áp dụng chế độ “cha truyền con nối”, không để bà con ruột thịt kế tục, thậm chí không để họ hàng máu mủ đứng vào hàng ngũ lãnh đạo của công ty. Tư tưởng “vô tư” đó có thể bị cho là vô tình, lạnh lùng, nhưng để đứng đầu một tập thể thì đây là điều kiện bắt buộc. Trong các quyết định kinh doanh, đứng trước lợi ích của cá nhân hay của công ty, ông đã giữ quyết định vì lợi ích của công ty. Năm 1971, khi Kyocera lên sàn, nhiều công ty chứng khoán mời công ty tham gia giao dịch. Ông có thể chọn 1 trong 2 cách: bán cổ phần người sáng lập sở hữu ra thị trường hoặc phát hành cổ phiếu mới bán ra thị trường. Cách thứ nhất mang lợi nhuận vào túi cá nhân người sáng lập, cách thứ hai mang lợi nhuận về công ty. Ông đã chọn cách thứ hai để mọi tiền vốn thu được đều đổ vào công ty. Nhờ đó, Kyocera có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh ổn định, tổ chức đầu tư…
- Coi thử thách là cơ hội để trưởng thành; Thử thách không chỉ đơn thuần là khổ nạn. Thành công cũng chính là thử thách. Cho dù đạt được thành công và hạnh vận nhất thời, chúng ta cũng không được kiêu căng ngạo mạn, không đánh mất lòng khiêm tốn, tiếp tục nỗ lực không ngừng. Người lãnh đạo trở nên mất kiểm soát không phải lúc việc kinh doanh sa sút, mà là lúc kinh doanh thuận lợi.
- Mỗi người cần gọt bớt lòng tham của mình, chịu thiệt một chút vì người khác, mọi việc sẽ suôn sẻ; Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người. Đó chính là phương thuốc cho thời đại, là triết học để mọi người sống đúng đắn, là đạo đức chân chính.
- Đại nghĩa: được xác lập dựa trên nền tảng không vì tư lợi hay ham muốn cá nhân của một người lãnh đạo mà vì nhân viên, vì mọi người. Chính vì có đại nghĩa mang tên “quan niệm công ty” này, mọi người trong Kyocera cùng dốc sức, đoàn kết, sáng tạo, tạo nguồn động lực để phát triển.
- Tin tưởng và luôn đi theo con đường “Chính Đạo”: Nếu dùng sức mạnh, sẽ bị người xa lánh. Nếu đối mặt mà dò hỏi thái độ, sắc mặt đối phương, sẽ không nhận được lòng tin. Nếu chúng ta cương quyết giữ vững lập trường đúng đắn, sẽ xây dựng được mối quan hệ tin cậy;
- Chân thành, ông tin rằng nếu chỉ tài năng, tri thức thì không thể khiến trái tim con người ta cùng chung nhịp đập, để “đắc nhân tâm” thì sự chân thành là điều không thể thiếu.
Để thành công trong kinh doanh và duy trì sự thịnh vượng bền vững, ông Inamori Kazuo – một Phật tử và có niềm tin vào Thần – đã coi trọng việc bồi đắp chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Rõ ràng khi chuẩn mực đạo đức kinh doanh mà ông đề cập được duy trì, chữ TÍN thực sự được thiết lập với các đối tác, với nhân viên, trở thành thương hiệu và niềm tự hào của Kyocera, sự thịnh vượng tất yếu hình thành. Bởi khi đó, sức sáng tạo, sự trung thành và niềm tin của nhân viên, của khách hàng và đối tác sẽ trở thành tài sản vô giá của Kyocera, trở thành sức mạnh để Tập đoàn này vươn lên trong khủng hoảng.
Doanh nhân trẻ của Úc – Kinh doanh với chuẩn mực đạo đức cao thượng: “Chân – Thiện – Nhẫn”
Mark Hutchinson – doanh nhân trẻ thành công của Tây Úc – nhà sáng lập thương hiệu sàn gỗ cao cấp Bamboozle. Anh chia sẻ rằng bí quyết thành công của mình là kiên định xây dựng sự nghiệp trên chuẩn mực đạo đức cao thượng “Chân – Thiện – Nhẫn”; đo lường mọi việc qua chuẩn mực này chứ không phải bằng lợi nhuân. Sự khác biệt lớn trong triết lý kinh doanh và nhân sinh đã giúp anh xây dựng được chữ TÍN với khách hàng, với nhân viên và các đối tác.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2002, Mark đã mở một công ty kinh doanh vật liệu sàn cao cấp với tên gọi Bamboozle. Công việc kinh doanh bắt đầu tại phòng khách của căn nhà mà anh đang thuê. Trong vòng bốn năm, Bamboozle đã thành công đến mức Mark được công nhận là một trong “top 40” doanh nhân dưới 40 tuổi xuất sắc và thành đạt nhất trong giới trẻ ở Tây Úc.
Mặc dù vậy, sự lo lắng, bất an của anh trong kinh doanh đã khiến anh phát bệnh nặng về dạ dày. Điều này cũng ảnh hưởng tới tâm tính và hiệu quả kinh doanh của Mark. Trong lúc này, Mark tìm đến với Pháp Luân Công – một môn khí công Phật gia, và tin tưởng rằng đạo đức cao thượng theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn là nền tảng của sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng trong mọi phương diện của cuộc sống.
Mark đã có chủ ý thay đổi phương thức kinh doanh, cũng như cách hành xử của bản thân, để phù hợp với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Việc “chạy theo lợi nhuận” đã từng là động lực trong kinh doanh giờ được thay thế bằng Đạo lý “thuận theo tự nhiên.” Khi “lợi nhuận” là nền tảng, các doanh nhân luôn chạy theo lợi nhuận lớn hơn, nuôi dưỡng cái tôi của họ và khiến họ không thể có được giây phút an lạc.
Ở trong các công ty của Mark, mọi thứ dần dần chuyển sang đo lường sự thành công theo “Chân-Thiện-Nhẫn” thay vì là bằng “lợi nhuận”.
Nhờ kiên định vào chuẩn mực đạo đức kinh doanh cao thượng, công ty của Mark liên tục gặt hái thành công và bước sang một chặng đường phát triển mới – thịnh vượng hơn và bền vững hơn. Năm 2008, chỉ sau 2 năm, doanh số của công ty đã tăng gấp đôi, công ty mở thêm chi nhánh mới ở phía Nam Perth.
Năm 2009, Bamboozle đã được trao giải quốc gia “Giải thưởng doanh nhân Úc”. Năm 2010, Bamboozle đã được đề cử cho cả hai giải thưởng Gia đình Doanh nhân Úc và giải thưởng Telstra Business. Mark cũng lọt vào chung kết bình chọn “Doanh nhân của Ernst & Young của năm”.
Năm 2012, công ty đã tăng trưởng trở lại cùng việc thành lập hai công ty mới chuyên về bán lẻ và sản xuất. Năm 2014, công ty anh em của Bamboozle – Công ty Lifewood – đã giành được giải thưởng cấp quốc gia danh tiếng dành cho “Showroom của năm.”
Một trong những đối tác sản xuất của Mark ở Malaysia, cũng là một trong những CEO hàng đầu trong ngành gỗ ở Malaysia, đã đưa cả đội quản lý của ông sang Perth để học cách kinh doanh của Mark. Ông đã rất ấn tượng khi thấy Mark điều hành kinh doanh rất nhẹ nhàng.
Sau vài ngày quan sát, ông hỏi Mark: “Anh còn quá trẻ. Làm sao anh giữ được sự bình tĩnh? Anh giải quyết công việc rất nhẹ nhàng và không phải lo nghĩ. Nhân viên trong các công ty khác thường phàn nàn hoặc sợ sếp, nhưng mọi người làm việc cho anh lại thực sự tôn trọng anh và nghĩ tốt về anh. Anh làm điều đó bằng cách nào? Tôi chỉ mong nhân viên của tôi có thể ứng xử với tôi như vậy”.
Mark trả lời bởi vì đơn giản là anh kiên định với chuẩn mực đạo đức cao thượng Chân – Thiện – Nhẫn trong mọi suy nghĩ, lời nói, hành vi và đương nhiên là trong mọi quyết định kinh doanh, điều hành công ty của mình. Đó chính bí quyết giúp anh và công ty có được chữ TÍN đúng nghĩa trong kinh doanh, không chỉ với đối tác, khách hàng mà còn với nhân viên; đây chính là tảng vững chắc cho thành công và thịnh vượng.
Khi Chính phủ vào cuộc: Khuôn khổ chính sách, giám sát hiệu quả cũng nâng cao chữ TÍN cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
Dù các doanh nghiệp Nhật nổi tiếng là những doanh nghiệp có triết lý kinh doanh độc đáo, luôn dựa trên nền tảng đạo đức kinh doanh cao như sự trung thực, lòng trung thành. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được chèo lái bởi các doanh nhân thông tuệ và kiên định với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh như của Tập đoàn Kyocera. Do vậy, đôi khi, sự can thiệp nghiêm khắc và phù hợp của Chính phủ trong việc giám sát cũng góp phần tăng chữ TÍN cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trước sóng gió của khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp Nhật rơi vào tình trạng hết sức khó khăn do trước đó họ quá phụ thuộc vốn vay từ ngân hàng trong kinh doanh. Giải pháp tốt nhất cho tình huống như vậy là thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư thay vì vay vốn ngân hàng. Nhưng muốn như vậy, người dân – những nhà đầu tư – chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp nào mà họ có thể “TÍN”. Từ thách thức này, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến nhắm vào nâng cao chữ TÍN cho chính doanh nghiệp cần vốn và khó khăn bên cạnh các chính sách kích thích đầu tư tài chính như ưu đãi thuế.
Để nâng cao chữ TÍN cho doanh nghiệp, chuẩn mực quản trị công ty cần phải được áp dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp. Bởi khi đó, doanh nghiệp mới minh bạch thông tin về quản trị, các quyết định mới được giám sát và đảm bảo không vì lợi ích của cá nhân hoặc một nhóm mà vì lợi ích của cả doanh nghiệp gồm người lao động, nhà đầu tư nhỏ. Từ đó, doanh nghiệp mới giữ được chữ TÍN trước người lao động, cổ đông và nhà đầu tư; đây là cơ hội để vượt khó và kinh doanh thịnh vượng.
Do vậy, Nhật Bản chú trọng áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty (QTCT) với hai “bánh xe” là áp dụng các quy tắc giám sát doanh nghiệp và quy tắc về QTCT.
Với bánh xe đầu tiên, Nhật Bản đưa ra quy tắc giám sát DN vào tháng 2/2014, với nguyên tắc: các cổ đông lớn trong doanh nghiệp, nhất là các NĐT tổ chức phải có chính sách rõ ràng về thực hiện trách nhiệm giám sát đối với doanh nghiệp và công khai thông tin này.
Định kỳ hàng quý, cơ quan quản lý sẽ cập nhật và công khai các NĐT tổ chức công bố họ đã áp dụng quy tắc giám sát doanh nghiệp hay chưa. Việc áp dụng quy tắc này phải đảm bảo thực chất, không hình thức. Đến tháng 2/2015, 184 NĐT tổ chức ở Nhật Bản đã công bố thực thi theo quy tắc này.
Với bánh xe thứ hai là quy tắc QTCT, các doanh nghiệp phải đảm bảo quyền và đối xử công bằng cho cổ đông trong mối quan hệ với các bên có liên quan, chứ không chỉ với các cổ đông với nhau; phải công bố thông tin kịp thời; xác định rõ vai trò của HĐQT trong thúc đẩy đối thoại với các cổ đông.
Thêm vào đó, để hỗ trợ thị trường vốn, TTCK phát triển hiệu quả hơn, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tăng cường phối hợp giám sát thị trường tài chính với các cơ quan giám sát thị trường tài chính trong khu vực châu Á. Khi hệ thống giám sát hiệu quả hơn, các rủi ro đạo đức cũng được ngăn chặn kịp thời, tăng cường niềm tin của của nhà đầu tư và niềm tinh doanh cho doanh nghiệp; tựu chung lại, không gì nằm ngoài nhiệm vụ giữ gìn chữ “TÍN” mà Khổng Tử đã dạy hàng ngàn năm về trước.
Nhờ vào khuôn khổ chính sách và giám sát này, Nhật Bản đã thành công trong việc thu hút vốn nhàn rỗi trên thị trường cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp nhờ có khuôn khổ chính sách và giám sát hiệu quả đã nâng cao được chữ TÍN trên thị trường, sử dụng được nguồn vốn dài hạn, dồi dào từ TTCK, vượt qua khó khăn trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Lời kết
Giống như các phương diện đạo đức khác của xã hội, đạo đức kinh doanh không thể ước chế, giám sát bởi Luật pháp; Luật pháp càng ước chế chặt chẽ thì càng trở nên vụng về. Bởi vậy các khuôn khổ giám sát, chính sách dù chặt chẽ đến đâu rồi cũng dần trở nên lạc hậu và kém hiệu quả nếu nền tảng đạo đức của doanh nhân bị xói mòn.
Trong một môi trường kinh doanh còn hỗn tạp, quá nhiều chuẩn mực đạo đức bị vi phạm và trượt dốc, là một doanh nhân bạn luôn có thể lựa chọn con đường mình đi… Nên nhớ, phong thủy lớn nhất của đời người là thiện tâm và hành thiện, phong thủy tối ưu cho một nền tảng kinh doanh thịnh vượng chính là “chữ Tín”.
Tâm Như (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công đạo đức kinh doanh Đạo đức Phật tử