Thay vì than thở, hãy khám phá 3 mô hình sống giúp bạn vững bước trong sự nghiệp
- Thư Hòa
- •
Một số người luôn than thở về sự bất công của xã hội, cho rằng mình không có được vị trí xứng đáng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, ta sẽ thấy thế giới chủ yếu gồm ba kiểu người: người hành động, người theo đuổi phong cách sống, và người lập kế hoạch. Ba nhóm này tạo nên một hệ thống xã hội rộng lớn và vận hành theo cách riêng của nó. Không có gì gọi là bất công – vấn đề chỉ là bạn đang vận hành ở một “chế độ” khác, không phù hợp với mục tiêu bạn theo đuổi mà thôi.
Làm tốt công việc và tạo dựng ảnh hưởng cá nhân
Làm tốt một công việc là năng lực cơ bản nhất của con người. Nó tuân theo “quy luật vạn vật” và nhấn mạnh vào yếu tố kỹ năng.
Đây là nhóm người chiếm tỷ lệ lớn nhất trong xã hội. Họ là những người làm công ăn lương, lao động tự do, người làm nghề tay chân, công nhân bán thời gian, v.v. Họ sống bằng cách bán sức lao động và kỹ năng của mình – như tài xế, nông dân, kế toán, luật sư, công nhân, bác sĩ hay giáo viên. Điều đầu tiên họ cần là sở hữu một kỹ năng chuyên môn nhất định – càng giỏi càng tốt – sau đó “nhân lên” thông qua thời gian và công sức bỏ ra. Đó chính là cách họ tạo ra thu nhập và của cải.
Họ thường tìm một doanh nghiệp, tổ chức hoặc nền tảng phù hợp để phát huy thế mạnh của mình. Tuy nhiên, đối với đa số, thời gian và sức lực mỗi người đều có giới hạn – không ai có hơn 24 giờ mỗi ngày. Vì vậy, con đường duy nhất để tiến lên là không ngừng trau dồi kỹ năng và nâng cao trình độ.
Thế nhưng, vẫn có một con đường khác để nhóm người này gia tăng sức ảnh hưởng và thu nhập: trở nên nổi tiếng. Chẳng hạn, dù cùng làm nghề diễn xuất, thu nhập của một diễn viên hạng A và một diễn viên quần chúng là hoàn toàn khác biệt. Dù đều là nhà thiết kế, nhưng một người nổi tiếng có thể kiếm gấp nhiều lần người không nổi tiếng. Tương tự, luật sư hay bác sĩ nổi tiếng có giá trị và thù lao cao hơn rất nhiều so với đồng nghiệp cùng ngành.
Vì thế, người “làm việc” ban đầu dựa vào kỹ năng, sau đó có thể chuyển sang dựa vào danh tiếng – và danh tiếng lại là sự kết hợp giữa năng lực, may mắn và cơ hội. Đây chính là yếu tố mà nhóm người này quan tâm nhiều nhất trên con đường phát triển bản thân.
Khởi nghiệp và phong cách làm việc: Tạo ra hệ thống để thành công
Những người thuộc nhóm này không tập trung vào cách để hoàn thành một công việc cụ thể. Thay vào đó, điều họ quan tâm là thiết kế một mô hình, một hệ thống hoặc phương pháp có thể giúp những người trực tiếp làm việc trở nên hiệu quả hơn. Họ vận hành dựa trên quy luật vận động và tổ chức của xã hội.
Bên cạnh việc am hiểu kỹ thuật chuyên môn, những người này cần sở hữu một trình độ văn hóa nhất định, có tầm nhìn rộng, sự dũng cảm, tư duy đổi mới và khả năng sáng tạo. Họ phải luôn cập nhật với sản phẩm mới, kênh phân phối mới, công cụ mới và các biến động trong cấu trúc tổ chức. Những người làm kinh doanh, đặc biệt là doanh nhân khởi nghiệp thường nằm trong nhóm này.
Trên nền tảng hiểu biết vững chắc về quản lý và tổ chức, họ tập trung vào việc đổi mới mô hình hoạt động của một nhóm hoặc doanh nghiệp. Bởi một mô hình đúng đắn có thể giúp hàng trăm, hàng nghìn người vận hành hiệu quả hơn.
Để làm được điều đó, họ luôn nắm rõ ba yếu tố cốt lõi:
– Nắm bắt xu thế của thời đại. Xu thế giống như một dòng sông lớn – ai đi theo thì được nâng đỡ, ai chống lại sẽ bị nhấn chìm.
– Làm chủ công cụ mới chẳng hạn như internet, trí tuệ nhân tạo, nền tảng số.
– Thích nghi với chính sách mới và điều chỉnh mô hình theo sự thay đổi của môi trường xã hội.
Về bản chất, tinh thần khởi nghiệp là một quá trình nâng cấp từ “làm” sang “phong cách làm”. Người ở cấp độ này không còn kiếm tiền đơn thuần bằng kỹ thuật mà tạo ra hệ thống, phương thức và mô hình – qua đó đạt được sự tự do về tài chính, cuộc sống và cá tính cá nhân.
Giá trị xã hội của người “làm” nằm ở việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các hoạt động trong xã hội. Tuy nhiên, con đường này luôn tiềm ẩn rủi ro. Nếu mô hình họ xây dựng không thực sự giúp ích cho những người làm việc trực tiếp, hoặc dẫn đến hiểu nhầm và lệch hướng thì mô hình đó xem như thất bại. Đây chính là cội nguồn của rất nhiều vụ sụp đổ trong lĩnh vực kinh doanh.
Thiết lập trò chơi: Quyền lực của những người đứng sau hậu trường
Những người thiết lập hệ thống để xã hội hoạt động hiệu quả thường làm việc từ hậu trường, không trực tiếp tham gia vào công việc. Họ quan sát và lập kế hoạch từ xa, không bị ảnh hưởng bởi danh tiếng hay sự thay đổi. Những người này có tầm nhìn lớn, luôn hướng đến việc tạo ra những mô hình giúp cải thiện xã hội.
Trong xã hội có ba nhóm phân biệt rõ ràng: tầng lớp lao động làm công việc, tầng lớp doanh nhân tạo phong cách, và tầng lớp thượng lưu thiết lập kế hoạch. Những người lao động làm công việc hàng ngày, doanh nhân sáng tạo ra phong cách riêng, và nhà đầu tư hay nhóm vốn đứng sau hậu trường để điều hành và tạo ra những thay đổi lớn.
Do đó, nếu chúng ta phải phân tầng xã hội thì nó nên được phân chia như thế này: tầng lớp thấp hơn làm việc, tầng lớp trung lưu làm phong cách và tầng lớp thượng lưu làm kế hoạch.
Cuối cùng, chúng ta có thể thấy rằng sự khác biệt giữa mọi người chính là sự khác biệt trong mô thức hành động của họ. Người có tầm nhìn lớn luôn có thể kiểm soát được người có tầm nhìn hạn hẹp.
Chúng ta đang sống trong một thời đại với sự phân biệt rõ ràng giữa các tầng lớp, nhưng cũng là thời điểm mà những thay đổi lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thay vì than vãn, ta cần chấp nhận thực tế và cải thiện tư duy để thích nghi và phát triển.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina
Từ khóa than thở Thành công khám phá
