Thụy Sĩ: Chính phủ cấm luộc tôm hùm còn ý thức dù vấp phải nhiều tranh cãi
- Xuân Lâm
- •
Đầu tháng 1 vừa qua, Thụy Sĩ đã đưa ra một điều luật mới cấm luộc sống tôm hùm khi chúng đang còn ý thức. Điều luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3.
Theo tờ Washington Post, Văn phòng liên bang về an toàn thực phẩm và hoạt động thú y cho hay điều luật này chịu ảnh hưởng lớn từ phía các nhà hoạt động vì quyền động vật, họ cho rằng việc ăn sống hay hành vi giết mổ tàn bạo khác là vô nhân đạo và man rợ. Tuy nhiên, chủ đề này vẫn còn đang gây ra những cuộc tranh luận nảy lửa chưa có hồi kết.
Chắc chắn một điều là chúng ta không thể hỏi một con tôm hùm rằng nó có cảm thấy đau hay không, dù có một số dấu hiệu mang tính khoa học cho thấy tôm hùm có thể cảm thấy như vậy. Thận trọng không thả con tôm hùm còn đang sống vào nước sôi là điều nên hay không nên? Chính phủ Thụy Sĩ cho rằng cần thận trọng như vậy.
Theo The Guardian, từ ngày 1 tháng 3 năm nay, một luật mới yêu cầu chỉ được luộc tôm hùm trong nước sôi khi chúng rơi vào trạng thái mê man, hoặc bị sốc điện hoặc “phá hủy cơ học” – trước khi nấu, tôm hùm và các loài giáp xác khác sẽ không còn được vận chuyển đông lạnh hoặc trong nước đá, thay vào đó, chúng phải được vận chuyển và giữ trong một môi trường tự nhiên hơn.
Bằng chứng rằng tôm hùm cũng biết đau
Một số nghiên cứu cho rằng loài cua có thể cảm thấy đau. Tuy nhiên, một số đã phản bác lại những bằng chứng cho thấy các loài giáp xác, trong đó có cua và tôm hùm có thể cảm thấy đau, và kết luận này vẫn còn gây tranh cãi.
Một số người cho rằng bởi hệ thần kinh của chúng rất giống với loài sâu bọ, và rằng tôm không có vỏ não, chúng dường như không có chức năng thần kinh để nhận biết cơn đau. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu, trong đó có cả Robert Elwood, giáo sư danh dự hành vi động vật tại Đại học Queen ở Bắc Ailen, lại không đồng ý với quan điểm này.
Theo Công ty Phát thanh truyền hình Canada (Canadian Broadcasting Corporation), Elwood đã thực hiện các thí nghiệm với tôm, cua và hiện tại ông cho hay các loài giáp xác rất có thể cảm nhận được cơn đau.
Năm 2013, Elwood thực hiện một thí nghiệm về phản ứng của cua khi bị sốc điện. Trong một thí nghiệm khác, ông cho râu tôm tiếp xúc với một lượng acid nhẹ, con tôm sẽ liên tục chà xát chỗ đó. Ngoài ra, ông cho cua lựa chọn giữa một nơi trú ẩn bị gây sốc điện và nơi ẩn náu không bình thường, cua sẽ chọn nơi trú ẩn không bị sốc điện. Bởi vậy, Elwood nói rằng động vật giáp xác có thể cũng cảm nhân được sự đau đớn, nên ông cho rằng chúng cần phải bị giết chết nhân đạo trước khi nấu ăn vì một lý do: Chúng ta có trách nhiệm “không gây ra những đau đớn không cần thiết cho các sinh vật khác.”
Giết chết một cách nhân đạo
Nhiều người cho rằng điều nhân đạo này không chỉ thực hiện với tôm hùm mà còn cần làm với các loài sinh vật sống khác. Câu hỏi đặt ra là cách nấu tôm hùm nhân đạo nhất là gì?
Các chuyên gia đều cho rằng phương pháp sốc điện và “phá hủy cơ học” – cắt nhanh chúng bằng dao sắc để phá hủy hệ thần kinh – là những phương pháp hữu hiệu nhất. Trừ phi bạn sẵn sàng đầu tư hàng ngàn đô la vào một chiếc máy sốc điện gây choáng tôm ngay lập tức như Crustastun, phương pháp phá hủy cơ học nhanh chóng có thể là lựa chọn tốt nhất.
Thụy Sĩ cũng quy định rằng việc vận chuyển tôm hùm hay động vật giáp xác sống khác phải được giữ trong nước biển giống như môi trường tự nhiên nhất, chứ không được bảo quản đông lạnh hay ướp đá.
Được biết ngoài Thụy Sĩ, đã có New Zealand và Na Uy áp dụng điều luật tương tự.
Xuân Lâm (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Bảo vệ động vật Thụy Sĩ tôm hùm nhân đạo nhận thức