Tiếng Nhật: Chìa khóa của nền văn minh Nhật Bản
- Tào Trường Thanh
- •
Sự an toàn, sạch sẽ, lịch sự và dịch vụ của Nhật Bản đều ở đẳng cấp thế giới. Nhưng đây chỉ là biểu hiện bề mặt, yếu tố bên trong là các giá trị của Chủ nghĩa Bảo thủ (bảo vệ và thủ giữ những giá trị truyền thống) đang thống trị toàn xã hội. Một nguyên nhân khác là tính độc đáo của ngôn ngữ Nhật Bản mà bài viết này sẽ thảo luận.
(Bài viết của nhà văn, nhà phê bình người Mỹ gốc Hoa Tào Trường Thanh – Cao Changqing, thể hiện quan điểm riêng của tác giả.)
Sự thống trị này ngăn Nhật Bản thoát khỏi các cuộc bạo động đường phố như “Tháng Năm Đỏ” và “Áo khoác vàng” của phe cánh tả của Pháp, không có chuyện đánh đập, cướp bóc và đốt phá kiểu “Black Lives Matter” (BLM, Người da đen đáng sống) ở Hoa Kỳ, lại càng không giống như Trung Quốc Đại Lục động một chút là hô hào chống Mỹ, chống Nhật hay chống lại một quốc gia nào đó.
Nhật Bản là một xã hội hòa bình và là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, có thể được mô tả như hình mẫu một đất nước quốc thái dân an, một dân tộc “hòa hợp”, danh xứng kỳ thực.
Trong thời đại ngày nay, khi phe cánh tả đang phô trương thanh thế, đúng đắn chính trị hoành hành (thực chất là chà đạp lên luân thường đạo lý), tiêu chuẩn đạo đức xuống dốc, làm thế nào Nhật Bản lại có thể giữ gìn được những truyền thống như trung thực, tận tụy, trật tự, lịch sự, danh dự và tự giác, không làm phiền người khác ở mức phổ quát toàn dân?
Tôi đã nói về một lý do trong chuyên mục lần trước “Trẻ em Nhật Bản giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát” rằng: Ngay từ đầu Nhật Bản đã chú trọng giáo dục giá trị truyền thống cho trẻ. Giống với một cái cây, khi cây còn nhỏ phải đứng thẳng, đến khi cao lớn mới không bị cong vênh, mà vẫn vươn lên thẳng tắp.
Một nguyên nhân khác là tính độc đáo của ngôn ngữ Nhật Bản mà bài viết này sẽ thảo luận. Trước kia, tôi từng nghe nói nhiều người không thích những “thủ tục rườm rà” của Nhật Bản, nào là “tôn kính ngữ” và nào là “khiêm nhường ngữ” thật phiền phức.
(Kính ngữ được sử dụng phổ biến trong xã hội Nhật, nhằm biểu thị thái độ lịch sự, tôn trọng với người đối diện. Kính ngữ được chia làm 3 loại chính “tôn kính ngữ”, “khiêm nhường ngữ” và “lịch sự ngữ”.) Thêm vào đó, cách nói “mơ hồ” khiến mọi người thắc mắc không biết rốt cuộc người Nhật có ý gì.
Nhưng nếu dành một chút thời gian nghiên cứu lý do tại sao giá trị của Chủ nghĩa Bảo thủ lại có thể đứng vững ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy rằng bản thân việc “nói tiếng Nhật” là một trong những lý do quan trọng ấy.
Tiếng Nhật hơi giống chiếc “vòng kim cô” của Tôn Ngộ Không, giúp quy phạm nhân cách con người. Từ khi còn là trẻ nhỏ ê a tập nói, đã bắt đầu hình thành cho trẻ sự lễ phép, tôn kính bậc trưởng bối và những phẩm chất khác qua ngôn ngữ. Hơn nữa ngôn ngữ còn đi theo con người suốt cuộc đời, hễ mở miệng nói tiếng Nhật, thì sự hun đúc này vẫn tiếp diễn.
Khi nói phải chú ý đến tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ và nói “mập mờ” quả nhiên hơi phiền toái, nhưng những “phiền hà” này lại mang đến sự lễ phép, lịch sự, thân thiện, văn minh của cả xã hội, thì cũng xứng đáng và thậm chí là không thể thiếu.
Chìa khóa của nền văn minh Nhật Bản: Tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ
Nhiều người biết rằng có cả “tôn kính ngữ” và “khiêm nhường ngữ” trong tiếng Nhật. Tiếng Trung và tiếng Anh (và tất nhiên là các ngôn ngữ khác) cũng có cả hai khía cạnh này, nhưng số lượng sử dụng lớn, đặc biệt là có thể duy trì cho đến ngày nay, e rằng Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới còn lưu giữ được.
Tôn kính ngữ trong tiếng Nhật rất đặc biệt, có thể được mô tả là “tùy người mà may áo”: Với những người thuộc các thế hệ và trình độ khác nhau sẽ sử dụng vốn từ khác nhau.
Ở Mỹ, có một số điều cấm kỵ, như không được hỏi tuổi tác, thu nhập, đảng phái, tôn giáo của người khác, v.v … Nhưng ở Nhật Bản, bạn cần hỏi tuổi để xác định xem có nên sử dụng tôn kính ngữ hay không. Miễn là đối phương lớn tuổi hơn, thì bạn nên sử dụng “tôn kính ngữ”. Đây là tiêu chuẩn chung của tiếng Nhật.
Hãy tưởng tượng một đất nước mà người dân đều sử dụng tôn kính ngữ thì làm sao có thể xảy ra chuyện một nhóm người xung đột bạo lực và có hành động man rợ với nhau? Làm sao có chuyện cướp bóc, đốt phá như những “Người da đen đáng sống – BLM” ở Hoa Kỳ?
Cổ ngữ Trung Quốc có câu “Lời thiện một câu ấm ba Đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, tôn kính ngữ được toàn dân sử dụng tất nhiên cũng góp phần tạo nên một môi trường xã hội ấm áp hơn và hài hòa hơn giữa các cá nhân.
Ngoài những người lớn tuổi, cũng cần sử dụng tôn kính ngữ với cấp trên. Những người cánh tả phương Tây chỉ trích Nhật Bản làm ra thứ “thể chế phân cấp”, các học giả Mỹ trong “Hoa cúc và thanh kiếm” cũng tin rằng Nhật Bản có tính phân cấp cao. Tuy nhiên, có sự hiểu lầm và hiểu sai trong lối nghĩ của phương Tây.
Người Nhật nhấn mạnh đến việc tôn trọng người lớn tuổi và cấp trên ắt hẳn là đúng theo giá trị phổ quát. Vì tuổi tác thể hiện kinh nghiệm và sự trưởng thành, còn cấp bậc thường thể hiện năng lực. Vì vậy, những người cao tuổi và những người có năng lực hơn tất nhiên cần được tôn trọng.
Sự tôn trọng đối với người cao niên, giáo viên và những người có năng lực cao đã góp phần vào việc bảo tồn các giá trị truyền thống ở Nhật. Mặc dù tác giả cuốn “Hoa cúc và thanh kiếm” giải thích sự tôn trọng này thành thứ bậc, nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng tôn ti của người Nhật là “mỗi người đều đắc được thứ của mình và an phận mình”, tức là mỗi người làm tốt của riêng mình, tận tụy, trung thành, có trật tự, và đáng tin cậy, v.v.
Nhà triết học người Anh thế kỷ 19, ông Herbert Spencer, đã tiên đoán vào thời điểm đó rằng văn hóa tôn trọng người cao tuổi và cấp trên sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao bình ổn của Nhật Bản, từ chế độ Mạc phủ phong kiến (tức hành dinh, chính quyền của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản) sang chế độ quân chủ lập hiến. Ông ấy đã hiểu đúng về điều này. Vì vậy, tôn kính ngữ trong tiếng Nhật đóng một vai trò đặc biệt trong việc hình thành loại hình văn hóa tôn trọng người lớn tuổi và coi trọng trật tự này.
Ngoài tôn kính ngữ, Nhật Bản còn có “khiêm nhường ngữ” độc đáo hơn, nghĩa là thể hiện hành động và hành vi của bản thân một cách khiêm nhường, với mục đích bày tỏ sự tôn trọng với đối phương. Họ thường là cấp trên, bậc trưởng bối hoặc người ngoài. Có thể tưởng tượng được rằng khi đối mặt với một người mà đi kèm với hành động cúi đầu và nói những lời khiêm tốn, thì làm sao có thể xảy ra cãi vã, xung đột, hay việc động chân động tay được?
“Lịch sự ngữ”: Chất bôi trơn của một xã hội hài hòa
Ngoài tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ, tiếng Nhật còn có “trang trọng ngữ” hay “mỹ hóa ngữ”, v.v. Mức độ tôn trọng của nó thấp hơn một chút so với “tôn kính ngữ” và “khiêm nhường ngữ”, có thể được gọi chung là “lịch sự ngữ”.
Ví dụ, “tôi xin lỗi” được sử dụng rộng rãi trong tiếng Nhật, có thể nói đây là câu cửa miệng của toàn dân. Mặc dù trong tiếng Trung cũng có từ “tôi xin lỗi”, nhưng do sự trỗi dậy của văn hóa đảng, ngôn ngữ thô thiển kiểu Hồng vệ binh đã trở nên phổ biến. Tần suất sử dụng từ “tôi xin lỗi” đã giảm đáng kể, và ngày càng nhiều người không muốn “hạ mình”.
Mặc dù ở Hoa Kỳ cũng phổ biến nói “tôi xin lỗi”, nhưng chắc chắn không được sử dụng gần như hàng ngày, hàng giờ, mọi lúc mọi nơi như ở Nhật.
“Tôi xin lỗi” đã trở thành câu cửa miệng của người Nhật. Dù trong bất kỳ vấn đề hay ngữ cảnh nào, hễ đặt câu hỏi, trước tiên họ đều nói “tôi xin lỗi” (cũng có nghĩa là “cảm ơn” trước).
“Lịch sự ngữ” được toàn dân sử dụng trong nhiều dịp khác nhau như vậy, tự nhiên cũng sẽ làm giảm xung đột và mâu thuẫn ngữ cảnh có thể xảy ra, và đóng vai trò như chất bôi trơn, giúp mối quan hệ giữa mọi người trở nên hài hòa. Câu “vuốt mặt phải nể mũi” chính là mang nghĩa này, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phá hủy các nghi thức truyền thống của Trung Quốc Đại Lục.
Từ “làm ơn” trong tiếng Nhật cũng được sử dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi. Tất nhiên, trong cả tiếng Trung và tiếng Anh cũng đều có từ “làm ơn”, nhưng người Nhật sẽ nói từ này nhiều nhất và thường xuyên nhất. Vì vậy, từ “làm ơn” đã hình thành thói quen tự tu dưỡng và lễ phép.
Như tại các trung tâm mua sắm, khách sạn, ga xe lửa … của Nhật, nhân viên phục vụ đều sử dụng lịch sự ngữ, để thể hiện sự tôn trọng với khách hàng, coi người tiêu dùng như “Thượng đế” và cung cấp dịch vụ lịch sự nhất.
“Cảm ơn” là câu tiếng Nhật mà 130 triệu người Nhật sử dụng mỗi ngày, họ sẽ luôn bắt đầu bằng “xin lỗi” và kết thúc bằng “cảm ơn”. Đây là “ngữ pháp” muôn thuở, cũng là biểu tượng của nền văn minh Nhật Bản!
Ngoài ra, người Nhật hầu như không bao giờ dùng từ “you” (ông, bà, cô, bác, anh chị, em) để xưng hô với đối phương, mà gọi tên họ, cộng thêm danh xưng tôn kính như “ngài”, “quý bà, quý cô”. Rõ ràng, việc sử dụng “you” khá xa lạ, sử dụng tên sẽ mang lại cảm giác thân thiết hơn, cộng thêm kính ngữ “ngài”, “quý bà, quý cô” sẽ lịch sự và trang trọng hơn.
Lại nói về “sự mập mờ” nổi tiếng trong tiếng Nhật. Có lẽ trong hầu hết các trường hợp, người nước ngoài đều mơ hồ, không hiểu, thậm chí không thích tiếng Nhật. Họ cho rằng người Nhật hay đắn đo lưỡng lự, vòng vo, không thẳng thắn và khiến người ta bối rối không hiểu họ muốn nói gì.
Quả thực, “sự mập mờ” của người Nhật sẽ khiến người nước ngoài bối rối, nhưng đây chính là đặc thù của tiếng Nhật. “Mập mờ” không phải là nhược điểm, mà chính là thế mạnh trong ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản! Bởi với bản thân người Nhật, mập mờ là đạo lý bình thường – “không làm mất lòng người khác” và là thói quen giao tiếp cơ bản của người Nhật, nhằm tránh xung đột, giữ gìn sự văn minh, lịch sự, chỉn chu trong giao tiếp.
Truyền thống văn hóa của người Nhật là cố gắng không gây phiền hà, không làm mất lòng người khác. Vì vậy, người Nhật luôn nói năng cẩn trọng, tránh bất đồng với quan điểm của đối phương, từ đó khiến họ mất hứng, nên biểu hiện là cố ý nói một cách “mập mờ” và không nói thẳng.
Đây là một mức độ văn minh rất cao – quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của người khác, đặc biệt là người đối diện! Tất nhiên nếu tất cả mọi người đều nghĩ và làm được như vậy, họ sẽ có thể tạo ra một xã hội hài hòa hơn và những công dân văn minh hơn.
Nhật Bản đã làm được điều đó. Nhiều năm qua, hộ chiếu Nhật Bản vẫn luôn đứng đầu về việc được miễn thị thực nhập cảnh vào nhiều quốc gia nhất. Điều này cho thấy nền văn minh Nhật Bản đã được thế giới công nhận.
Chửi thề của người Nhật chỉ là “đồ ngốc”
Liệu một người Nhật thường sử dụng tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ và nói “mập mờ”, có mắng mỏ người khác? Nếu có, họ sẽ mắng như thế nào? So sánh những câu chửi thề trong tiếng Trung Giản thể của Trung Quốc Đại Lục, tiếng Anh và tiếng Nhật, chúng ta cũng có thể thấy được sự độc đáo của tiếng Nhật.
Từ vựng trong tiếng Trung rất đa dạng, và ngày càng có nhiều câu mắng nhiếc người khác. Nữ vận động viên cầu lông Trung Quốc đã liên tục la hét và văng tục trong chương trình phát sóng trực tiếp Olympic Tokyo, điều này khiến người Nhật vốn quen với ngôn ngữ lịch sự được một phen sửng sốt!
Tiếng văng tục “Fxxx” của Hoa Kỳ cũng có mặt ở khắp mọi nơi. Hơn nữa không biết kẻ hạ lưu nào đã “giơ ngón giữa” lên một cách ghê sợ và bỉ ổi, động tác mà phe cánh tả điên cuồng sử dụng ở khắp mọi nơi. Ngay cả trước mặt phụ nữ và trẻ em mẫu giáo, họ cũng dám làm vậy chính là đang chà đạp lên xã hội nhân loại.
Nhưng người Nhật không bao giờ có những biểu hiện khiếm nhã “giơ ngón tay giữa” lên như vậy, những từ chửi thề trong tiếng Nhật cũng chỉ là “đồ ngốc” mà thôi. Trong những bộ phim truyền hình chống Nhật của ĐCSTQ, dù có cường điệu sự man rợ của người Nhật như thế nào, thì lời nguyền của người Nhật cũng chỉ là “đồ ngốc”.
Người ta nói rằng câu tiếng Nhật gốc được phát triển từ câu “Chỉ hươu thành ngựa” (nhìn gà hóa cuốc) của Triệu Cao nhà Tần, nghĩa là không thể phân biệt được đâu là ngựa và đâu là hươu. Từ chửi thề trong tiếng Nhật chỉ là “tên ngốc”, không có động từ, và càng không có những từ liên quan đến bộ phận sinh dục.
Trước thế kỷ 19, cả tiếng Trung và tiếng Anh đều không sử dụng những từ liên quan đến bộ phận sinh dục để mắng mỏ người khác. Nhưng hiện nay trong thế giới tiếng Trung và tiếng Anh, những từ nói về bộ phận sinh dục đã trở nên phổ biến và có thể được sử dụng tùy tiện ở nơi công cộng. Chỉ có người Nhật, dù có tức giận đến mấy cũng chỉ hét lên “đồ ngốc”.
Người Nhật đã lớn lên giữa tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ và không có môi trường văng tục ngay từ khi còn nhỏ. Họ nói ngôn ngữ văn minh trong suốt cuộc đời mình, sự rèn luyện về phép lịch sự và văn minh của họ có thể nói đã trở nên thâm căn cố đế!
Không chỉ người Nhật được hun đúc bởi ngôn ngữ này từ nhỏ, ngay cả những người nước ngoài học tiếng Nhật khi trưởng thành, sau khi sử dụng tiếng Nhật cũng đều trở nên nhã nhặn và lịch sự như người Nhật ở các mức độ khác nhau.
Trên Youtube, có rất nhiều người nước ngoài ở Nhật nói tiếng Nhật, bất kể sự khác biệt về màu da, trắng, đen, vàng, hay nâu, … chỉ cần nói tiếng Nhật họ sẽ lập tức trở nên văn minh hơn rất nhiều.
Đặc biệt là phụ nữ, dẫu tóc vàng và mắt xanh, chỉ cần nói được tiếng Nhật, thì những phụ nữ kiểu nữ quyền cực đoan điên cuồng đó cũng sẽ biến mất. Những người da đen, miễn là nói tiếng Nhật, cũng đều trở nên ôn hòa, nhã nhặn, không còn chút man rợ như những người trong phong trào “Người da đen đáng sống”, lại càng không nói đến việc kết bè kết phái ẩu đả ở Mỹ, hay đánh đập những người đàn ông gốc Á.
Phụ nữ Trung Quốc Đại Lục cũng không ngoại lệ. Miễn là nói được tiếng Nhật, thì nữ tướng Hồng vệ binh cũng không còn, bóng dáng các mẹ các chị nhảy múa Aerobic ngoài quảng trường cũng biến mất. Tiếng Nhật thực sự có ma lực giúp con người trở nên văn minh hơn.
Điều này gợi nhớ đến câu chuyện một con ác quỷ đeo mặt nạ thiên thần để làm đẹp lòng cô gái mình yêu. Theo thời gian, khi đã quen với việc đeo mặt nạ thiên thần, khi anh ta muốn đối mặt với bạn gái của mình bằng sự thành thật và tháo mặt nạ ra, thì đã không thể trở lại thành ác quỷ như xưa. Quy luật thói quen dần thành tự nhiên này được phản ánh ở người Nhật và người nước ngoài học tiếng Nhật với các mức độ khác nhau.
Bất kể con người vốn có bản chất tốt hay xấu, sau khi đeo chiếc “mặt nạ” tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ này, họ đều trở nên văn minh hơn. Họ được thứ ngôn ngữ lịch sự này quy phạm lại, và cuối cùng dung nhập vào nền văn hóa văn minh này.
Việc sử dụng ngôn ngữ là một phần rất quan trọng để thể hiện một con người và một nền văn minh xã hội. Trong thời đại mà các chế độ độc tài và dân chủ ngày càng ngang nhiên nói những điều vô nghĩa, chỉ có Nhật Bản là vẫn cẩn trọng với tôn kính ngữ, khiêm nhường ngữ, vẫn nói “mập mờ” vì sợ làm mất lòng người khác. Đây là một trong những yếu tố độc đáo giúp Chủ nghĩa Bảo thủ của Nhật Bản phát triển mạnh trong thời đại mà phe cánh tả toàn cầu ngày càng trở nên điên cuồng. Vì vậy, tiếng Nhật dù rắc rối đến đâu thì giá trị của nó cũng không thể đong đếm được.
Tào Trường Thanh / Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)
Từ khóa Tôn kính ngữ Khiêm nhưỡng ngữ Nhật Bản Văn hóa Nhật Bản người Nhật Bản Tiếng Nhật Ngôn ngữ Nhật Bản