Mục đích ban đầu là mua một ít thực phẩm đơn giản, kết quả là bước ra siêu thị với ty tỷ món đồ và về nhà với tâm trạng cực kỳ hối hận, bạn đã từng rơi vào cảnh này chưa? 

siêu thị
(Ảnh: Aleksandar Malivuk/ Shutterstock)

Thử nghĩ xem, nếu bạn là một thương gia, liệu bạn có cố gắng “làm mọi cách” để khiến khách hàng mua nhiều sản phẩm của bạn hơn? Dưới đây là một số mẹo đánh lừa thị giác và tâm lý thường được sử dụng trong siêu thị để “dẫn dụ” khách mua hàng:

1. Trên kệ hàng, thứ càng dễ dàng đập vào mắt càng là món lời nhất

Nhìn chung, các nhà quản lý siêu thị thường đặt những mặt hàng có màu sắc hấp dẫn nhất, mang lại nhiều lợi nhuận nhất ở nơi mà hầu hết mọi người có thể nhìn thấy chúng.

Một nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy trong các siêu thị, những người đàn ông cao lớn có sức mua thấp nhất vì mắt của họ có xu hướng tập trung vào kệ trên cùng, nơi thường đặt những mặt hàng tốt nhất và rẻ nhất.

Vì vậy, các nhà phân phối các mặt hàng đặt ở kệ trên cùng luôn là những người tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình và không sợ bị khách hàng “quên lãng”.

2. Đồ ăn vặt ở quầy thu ngân dễ “hút tiền” nhất

siêu thị
(Ảnh: Robert Kneschke/ Shutterstock)

Chờ đợi khi xếp hàng tại quầy thanh toán trong siêu thị thật nhàm chán, nhiều người có thể chọn một vài món ăn nhẹ ở gần đó để “giải khuây”. Do vậy, những sản phẩm gần quầy thu ngân vẫn luôn được đóng gói rất bắt mắt, không những vậy, bạn cũng sẽ thường thấy những sản phẩm này trong các quảng cáo trên TV, tạp chí và bến xe buýt.

Tuy nhiên, đừng quên rằng những thức ăn nhẹ này lại thường là sôcôla và bánh kẹo, hầu hết chúng đều có hàm lượng calo cao và mang lại nhiều lợi nhuận.

3. Giỏ hàng trong siêu thị thường lớn hơn mức cần thiết

Bạn có nhận thấy rằng giỏ hàng trong siêu thị thường rộng hơn nhiều so với số lượng hàng cần mua? Cầm một cái giỏ to đùng trong tay hoặc dùng xe đẩy lớn mà chỉ mua có vài bó rau, mấy ổ bánh mì thì “coi sao được”? Điều này chính là đang đánh vào tâm lý “chất đầy hàng vào giỏ” trong tiềm thức của nhiều người khi đi siêu thị. Do vậy, bạn hãy luôn nhớ đến mục đích mua hàng ban đầu của mình nhé.

4. Rau củ quả đẹp chưa hẳn đã là tốt nhất

siêu thị
Một số thủ thuật nhỏ để quét sáp và nhuộm màu có thể tạo thêm điểm cộng cho vẻ ngoài của trái cây, nhưng chúng cũng sẽ thêm nhiều yếu tố không an toàn. (Ảnh: Kondor83/ Shutterstock)

Đừng quá khắt khe về vẻ ngoài của trái cây và rau quả bạn nhé, một số vấn đề nhỏ là rất bình thường. Ví dụ, cà chua xấu xí có thể lại rất mọng nước và đậm vị, táo có vết sẹo lại thường ngọt hơn.

Một số loại trái cây trông bắt mắt nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn để trang trí trái cây, quét sáp và nhuộm màu. Mặc dù những “thủ thuật nhỏ” này có thể tạo thêm điểm cộng cho vẻ ngoài của trái cây, nhưng chúng cũng sẽ thêm nhiều yếu tố không an toàn.

5. “Mẹo” ánh sáng: Thức ăn trông tươi ngon hơn dưới ánh đèn

Các siêu thị thường rất thông thạo tâm lý màu sắc, ánh đèn thường được sử dụng để làm nổi bật màu thực phẩm. Ví dụ, một số siêu thị cố tình chọn đèn màu đỏ để chiếu sáng thịt, đèn xanh để chiếu sáng rau củ, đèn màu cam hoặc vàng để chiếu sáng trái cây. Điều này giúp thực phẩm trông tươi ngon và hấp dẫn hơn. Vì vậy, đừng để bị đánh lừa bởi ánh sáng khi đánh giá độ tươi ngon của thực phẩm.

6. Mua trái cây, tốt nhất nên chọn những quả còn nguyên

siêu thị
Trái cây đã bị cắt đôi có thể đã được đóng gói lại sau khi loại bỏ các bộ phận hư hỏng, do đó, chúng không chắc có chất lượng đảm bảo. (Ảnh: Angelo gilardelli/ Shutterstock)

Dù ở siêu thị hay quầy rau quả, bạn nên chọn trái cây còn nguyên nhé. Bởi vì trái cây đã bị cắt đôi như dưa hấu, bí đỏ, dưa hấu… có thể đã được đóng gói lại sau khi loại bỏ các bộ phận hư hỏng, do đó, chúng không chắc có chất lượng đảm bảo. Ngoài ra, trái cây trong siêu thị đã được cắt sẵn cũng dễ bị hư hỏng hơn.

7. Mua gói lớn sẽ rẻ hơn?

Giống như tâm lý mua sỉ sẽ rẻ hơn mua lẻ, nhiều người cũng có suy nghĩ quán tính mua gói lớn chắc là sẽ rẻ hơn gói nhỏ. Thực tế có khi là ngược lại, giá của nhiều sản phẩm, ví dụ như các loại thực phẩm ăn nhẹ, đồ uống, khoai tây chiên, v.v., được đóng theo gói lớn lại đắt hơn gói nhỏ.

Các siêu thị sử dụng “hiệu ứng đánh lừa thị giác” để hạ giá một chút xíu các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt. Ví dụ như, siêu thị có thể treo giá 49 ngàn cho sản phẩm, mặc dù thực tế là chỉ giảm 1 ngàn thôi, cũng đã khiến khách hàng cảm thấy như là món hàng chưa đến giá 50 ngàn, thật là rẻ!

Thường có các chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1, mặc dù hàng tặng vốn có giá trị rất rẻ, nhưng vẫn có thể mang đến cho khách hàng sự hài lòng về thị giác và khiến họ có ấn tượng rằng siêu thị này rẻ hơn.

Vì vậy, đừng quên mục đích mua hàng ban đầu và tinh ý khi lựa chọn sản phẩm, hãy là người tiêu dùng thông minh và thật sáng suốt bạn nhé.