Tính kỷ luật tự giác – Bí quyết chinh phục mọi mục tiêu trong cuộc sống
- Minh Minh
- •
Tính kỷ luật tự giác là sức mạnh giúp bạn biến ước mơ trở thành hiện thực và biến tiềm năng thành thành tích. Vậy bạn cần làm gì để cải thiện tính kỷ luật tự giác của bản thân?
Sau một ngày học tập và làm việc, bạn thường cảm thấy thế nào? Bạn cảm thấy hài lòng vì đã hoàn thành các đầu việc cần làm hay đang hối hận vì đã lãng phí thời gian? Đây là 2 trải nghiệm khác biệt nhưng lại có xu hướng bắt nguồn từ một điều – tính kỷ luật tự giác.
Bạn kỷ luật đến mức nào? Bạn có ý chí kiên trì theo đuổi mục tiêu không? Có đủ mạnh mẽ để vượt qua những cám dỗ như lướt điện thoại hoặc ngủ nướng không?
Tính kỷ luật không phải là một đặc điểm bẩm sinh. Đó là một phẩm chất mà bạn có thể nuôi dưỡng và củng cố theo thời gian. Dưới đây là những cách đơn giản giúp bạn cải thiện tính kỷ luật tự giác của mình.
1. Xác định mục đích
Bạn nên dành thời gian để xác định xem mục tiêu cao nhất mà mình muốn đạt được trong cuộc sống là gì? Điều gì là tốt đẹp nhất đối với tương lai của bạn? Tại sao bạn tin vào điều đó? Sau khi đưa ra những lý do rõ ràng, chính đáng, bạn sẽ tự cảm thấy bản thân cần hình thành tính kỷ luật tự giác để đảm bảo mọi thứ phát triển đúng hướng.
2. Đặt mục tiêu cụ thể
Bạn muốn đạt được những mục tiêu cụ thể nào trong cuộc đời mình và tại sao? Bước tiếp theo bạn có thể làm để mục tiêu đó trở nên khả thi hơn là gì? Chia mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ nhỏ sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng đạt được chúng hơn. Từ đó, bạn sẽ tin rằng chỉ cần thực hiện công việc một cách kỷ luật và nhất quán thì chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu.
3. Thiết kế thói quen
Hàng ngày, những thói quen quan trọng nào có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho cuộc sống của bạn? Hãy cân nhắc tất cả các thói quen liên quan đến thể chất, khả năng quản lý thời gian, không gian, gia đình, sự phát triển tinh thần của mình. Những thói quen quan trọng nhất của bạn là gì và bạn sẽ làm gì để duy trì chúng? Những hành động nhỏ được thực hiện liên tục sẽ giúp duy trì thói quen của bạn, như vậy thì việc tự kỷ luật sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
4. Hướng tới thành tựu lâu dài
Bạn nên tạm hoãn những việc khiến bạn vui vẻ, hài lòng ngay lập tức để hướng tới những việc có thể mang đến thành công lâu dài. Nếu có thể gạt bỏ những ham muốn trước mắt thì khả năng tự giác kỷ luật của bạn sẽ có điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới. Cuối cùng, sẽ nhận được những thành tựu viên mãn hơn.
5. Hình dung thành công
Hãy coi mục tiêu của mình là những thành tựu hữu hình: Một dự án đã hoàn thành hoặc một cuộc đời đã thay đổi. Hình dung như vậy sẽ khiến bên trong bạn gợi lên những cảm xúc gắn liền với thành công, giúp củng cố tính kỷ luật tự giác, có động lực vượt qua những trở ngại và hăng hái tiến về phía trước.
6. Lập kế hoạch cho những thất bại
Ai cũng có thể gặp thất bại, vậy nên điều quan trọng là bạn chọn phản ứng lại với chúng như thế nào. Bạn hãy xem thử thách như một cơ hội để học hỏi và phát triển, để nâng cao sức mạnh tinh thần, tính kiên nhẫn. Khi đã ý thức được thất bại trước mắt, bạn hãy chuẩn bị sẵn một kế hoạch để vượt qua chúng.
7. Tìm kiếm trách nhiệm giải trình
Trách nhiệm giải trình là khái niệm dành cho một cá nhân hoặc bộ phận khi họ chịu trách nhiệm thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Đây có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn bám sát vào mục tiêu của mình. Hãy chia sẻ mục tiêu và sự phát triển của bạn cho một người đáng tin cậy (vợ, chồng, bạn thân, người cố vấn…). Nên chọn một người có thiện chí, luôn mong muốn bạn đạt được thành công, luôn thúc đẩy bạn cố gắng làm việc và sẵn sàng hỗ trợ khi bạn gặp khó khăn.
8. Trân trọng những thành tựu nhỏ
Đừng chỉ coi trọng những thành công lớn mà quên mất những thành tựu nhỏ. Hãy hạnh phúc với mọi thành tựu của mình, cho dù nó nhỏ đến đâu đi chăng nữa. Tinh thần tích cực sẽ góp phần tạo ra một chu kỳ động lực thúc đẩy tính kỷ luật tự giác và khuyến khích bạn phát triển liên tục.
Kỷ luật tự giác không mang lại một cuộc sống tù túng, mệt mỏi mà nó là công cụ giúp bạn mở rộng mọi khả năng trong cuộc sống và giúp bạn phát huy hết tiềm năng của mình. Kỷ luật tự giác là con đường dẫn bạn đến với tương lai tự do lớn hơn.
Từ khóa Tính kỷ luật tự giác