Có nhiều lời hứa hẹn rằng sự giàu có là con đường dẫn đến “cuộc sống tốt đẹp”. Nhưng trả lời được câu hỏi “Tôi đang làm gì ở đây” của mình chính mới là con đường dẫn đến cuộc sống có ý nghĩa.

New Project 24 1
Những bậc cha mẹ đề cao gia đình và đức hạnh sẽ cho con cái họ những công cụ để sống một cuộc sống có ý nghĩa. (Zoteva/Shutterstock)

Vào mùa xuân năm 1864, sau một loạt các trận chiến bất phân thắng bại giữa quân đội miền Bắc và miền Nam quanh Richmond, Virginia, các đội được cử đi chôn cất những người đã chết. Trước khi đặt một người lính Liên minh miền Nam vô danh vào mộ, một thành viên của đội chôn cất đã lục túi anh ta, theo phong tục, và tìm thấy một tờ giấy trên đó có viết lời cầu nguyện này:

Tôi xin Chúa ban cho sức mạnh, để tôi có thể đạt được. [Nhưng] Tôi đã bị làm cho yếu đuối, để tôi có thể học cách vâng lời một cách khiêm nhường.

Tôi xin Chúa ban cho sức khỏe, để tôi có thể làm những điều lớn lao hơn. [Nhưng] Tôi đã bị ban cho sự yếu đuối, để tôi có thể làm những điều tốt đẹp hơn.

Tôi xin Chúa ban cho sự giàu có, để tôi có thể hạnh phúc. [Nhưng] Tôi đã bị ban cho sự nghèo khó, để tôi có thể khôn ngoan.

Tôi xin Chúa ban cho quyền lực, để tôi có thể nhận được sự ca ngợi của người đời. [Nhưng]Tôi đã bị ban cho sự yếu đuối, để tôi có thể cảm nhận được sự cần thiết của Chúa.

Tôi xin Chúa ban cho tất cả mọi thứ, để tôi có thể tận hưởng cuộc sống. [Nhưng] Tôi đã được ban cho cuộc sống, để tôi có thể tận hưởng tất cả mọi thứ.

Tôi không nhận được gì mà tôi đã xin—nhưng mọi thứ tôi đã hy vọng. Gần như trái với ý muốn của bản thân, những lời cầu nguyện thầm kín của tôi đã được đáp lại. Tôi, trong tất cả mọi người, là người được ban phước giàu có nhất.

Dù niềm tin tôn giáo của chúng ta là gì, và ngay cả khi chúng ta hoàn toàn không có niềm tin tôn giáo, lời cầu nguyện đó, mà tôi đã xem lại thường xuyên trong những năm qua, đặt ra đủ loại vấn đề để thảo luận. Trong lần đọc gần đây nhất, chủ đề về những người trẻ tuổi và những gì chúng ta dạy họ đã ở trong tâm trí tôi.

Tạo dựng kịch bản

Trong “Với Tình Yêu và Lời Cầu Nguyện” (With Love and Prayers), một tuyển tập các bài phát biểu gửi tới học sinh tại trường Roxbury Latin ở Boston, hiệu trưởng F. Washington Jarvis đã hỏi khán giả của mình câu hỏi này: “Tôi đang làm gì ở đây?”. Sau đó, hiệu trưởng Jarvis chia sẻ lời phát biểu này từ một cựu học sinh vừa tốt nghiệp thủ khoa của trường: “Tôi không muốn đến tuổi 60 hay thậm chí 40 và có người hỏi tôi về ý nghĩa của cuộc sống và phải trả lời ‘Tôi không biết gì cả’. Tôi thấy rất nhiều người chỉ làm theo thói quen: vào một trường tốt để có thể vào một trường đại học tốt để có thể có được một công việc tốt để có thể có được một công việc tốt hơn để có thể giàu có và chết. Tôi muốn nhiều hơn kiến ​​thức; tôi muốn sự khôn ngoan. Tôi không muốn tồn tại; tôi muốn sống”.

Tiến nhanh tới vài thập kỷ sau, trong tác phẩm “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ”, Tiến sĩ Leonard Sax đưa ra một công thức sống, mà ông gọi là “kịch bản của tầng lớp trung lưu”, mà chúng ta thường áp dụng cho con cái mình: “Học hành chăm chỉ để vào được một trường đại học tốt, vào được một trường đại học tốt để có được một công việc tốt, có được một công việc tốt và bạn sẽ kiếm được nhiều tiền và có một cuộc sống tốt đẹp”.

Kể từ Thế chiến II, công thức này đã trở thành chuẩn mực vàng về trí tuệ mà nhiều người Mỹ truyền đạt cho con cái họ. Tuy nhiên, nó đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu sự nhấn mạnh quá mức vào phương trình này có làm tê liệt hay che giấu đi ý nghĩa thực sự của sinh mệnh? Liệu nó có trả lời được câu hỏi mà hiệu trưởng Jarvis đã hỏi học sinh của mình: “Tại sao tôi ở đây?”

Đây là một trường hợp điển hình: Tiến sĩ Sax trích dẫn một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2023 về các bậc cha mẹ trong đó 88% những bà mẹ và ông bố này tin rằng việc con cái họ có điều kiện tài chính tốt là “rất” hoặc “cực kỳ” quan trọng. Chỉ có 21% nghĩ rằng việc kết hôn là quan trọng, trong khi chỉ có 20% nghĩ rằng việc con cái họ có con cái là quan trọng. Có tới 46% nói rằng việc kết hôn hoặc có con không quan trọng.

Nói cách khác, nhiều bậc phụ huynh, dù ngầm hay công khai, đang dạy con cái một “kịch bản trung lưu” của Sax như một phúc âm cho cuộc sống. Họ đang truyền đạt rằng sự giàu có và công việc lương cao là nguồn gốc của hạnh phúc và ý nghĩa sống, trong khi gạt bỏ hôn nhân và gia đình, hai thể chế quan trọng định hình nên nhân tính của chúng ta và là nền tảng của nền văn minh.

Như tiến sĩ Sax nhận xét, những bậc cha mẹ coi sự giàu có và thoải mái là những thước đo duy nhất cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp lại đang thúc đẩy một cuộc sống thiếu ý nghĩa sâu sắc.

Một góc nhìn khác

Trong nhiều năm, tiến sĩ Sax đã đến thăm hơn 500 trường học, điều tra tác động của phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi điện tử đối với giới trẻ, những gì họ đang học trong lớp học và những người mà họ cho là có ảnh hưởng chính. Kết quả điều tra của ông rất đáng lo ngại và cho thấy tình trạng trầm cảm và lo lắng lan tràn, bực bội và cảm giác cô đơn ở thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, tại trường Shore School của Úc, một cuộc trò chuyện với hiệu trưởng Timothy Wright đã đưa ra một góc nhìn khác. Ông Wright đã yêu cầu tiến sĩ Sax chia sẻ một số câu hỏi mà ông sẽ hỏi học sinh Shore vào ngày hôm sau. Sau đây là phiên bản rút gọn của cuộc trò chuyện đó:

“Được thôi”, tôi nói. “Đây là một câu hỏi. Mục đích của trường học là gì?”

Hiệu trưởng Wright trả lời ngay: “Chuẩn bị cho cuộc sống.”

Tôi nói, “Được rồi, chuẩn bị cho cuộc sống. Vậy mục đích của cuộc sống là gì?”

Hiệu trưởng Wright lại trả lời không chút do dự. “Cuộc sống con người là vì ba điều. Công việc có ý nghĩa. Một người để yêu. Và có một mục đích để theo đuổi”.

Sau đó, Sax viết, “Tôi không nói rằng công thức của ông ấy là câu trả lời mà tất cả chúng ta phải chấp nhận. Nhưng đó là một câu trả lời. Và tôi tin rằng bạn phải có câu trả lời khi con bạn hỏi bạn, ‘Tại sao con phải học chăm chỉ ở trường?’ Bạn phải có một câu trả lời nào đó lớn hơn ‘được nhận vào Stanford’ hay ‘kiếm sống tốt’. Bạn phải đưa ra một bức tranh lớn hơn. Vậy, một khái niệm về tất cả những điều đó là gì?”

Vài năm trước, tôi đã phỏng vấn một bà mẹ dạy học tại nhà, bà là vợ của một luật sư và là mẹ của 9 đứa con. Tôi hỏi bà tại sao bà lại dạy học tại nhà, và tôi không bao giờ quên câu trả lời của bà. Giống như câu trả lời của hiệu trưởng Wright, bà trả lời không chút do dự: “Để giúp các con tôi lên thiên đàng”.

Nhiều người cũng sẽ không chấp nhận câu trả lời này, nhưng chúng ta nên hiểu, như tiến sĩ Sax đã viết, rằng đó là một câu trả lời và không có những lời hứa suông về vật chất của kịch bản trung lưu. Người phụ nữ này, bản thân bà cũng có trình độ học vấn cao, coi trọng việc học, nhưng bà tin rằng được vào thiên đường còn quan trọng hơn được vào Harvard. Rất có khả năng bà đã truyền lại tầm nhìn khẳng định cuộc sống này cho con cái của mình.

Điều này đưa chúng ta trở lại lời cầu nguyện của người lính đã chết.

Món quà tuyệt vời của la bàn đạo đức

Giống như rất nhiều người thời đó và bây giờ, người lính Liên minh miền Nam đó đã có ý tưởng rằng thành tích, sự giàu có và quyền lực tạo nên ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ đến khi trải nghiệm bước lên bục giảng của lớp học đó, anh ta mới biết rằng đây là những điều phù phiếm và rằng sự khiêm nhường, trí tuệ, mong muốn làm điều tốt cho thế giới và lòng biết ơn là một trong những đức tính khiến chúng ta “được ban phước dồi dào nhất”.

Đây cũng là bài học mà Sax, Jarvis, người mẹ của chín đứa con, và rất nhiều người khác đã dạy qua nhiều thế hệ. Khi chúng ta dạy đức hạnh cho con cái mình, chúng ta không chỉ chuẩn bị cho chúng vượt qua những thăng trầm và thử thách của cuộc sống. Chúng ta còn cung cấp cho chúng nền tảng để trả lời câu hỏi “Tại sao tôi ở đây?”

Như tiến sĩ Sax viết: “Nuôi dạy con bạn biết và quan tâm đến đức hạnh và tính cách không phải là bài tập đặc biệt dành riêng cho cha mẹ giỏi. Nó là bắt buộc đối với tất cả các bậc cha mẹ. … Không có trách nhiệm nào lớn hơn thế”.

Lý Ngọc theo The Epoch Times