Trên 99% lo lắng của con người là không cần thiết, làm thế nào thoát khỏi?
- Ngọc Trân
- •
Có chuyện có thể sẽ khiến người ta lo lắng, nhưng chính lo lắng sẽ sản sinh ra càng nhiều lo lắng hơn, điều này sẽ khiến người ta rơi vào cái bẫy đó và không cách nào thoát ra khỏi phiền não. Trên 99% những lo lắng của con người là không cần thiết.
Liên quan đến chủ đề ‘lo lắng’, có một câu chuyện ngụ ngôn thế này:
Một buổi sáng sớm, Tử Thần đi đến một thành phố nọ. Lúc đó có người gặp phải Tử Thần, liền hỏi: “Ông định làm gì vậy”?
Tử Thần nói: “Ta muốn lấy 100 mạng người”.
Người kia nói: “Thật đáng sợ! Tôi sẽ đi cảnh tỉnh mọi người”.
Người ngày đi đến đâu cũng thông báo với mọi người về kế hoạch của Tử Thần.
Đến khi trời tối, anh ta lại gặp phải Tử Thần.
Người này hỏi: “Ông nói chỉ muốn lấy đi 100 người, nhưng vì sao lại có 1000 người chết”?
“Ta tuân thủ lời hứa của mình và chỉ lấy đi 100 người, nhưng sự lo lắng đã lấy đi thêm nhiều mạng người khác”, Tử Thần trả lời.
1. Bản thân sự việc vốn dĩ không khiến người ta lo lắng
Lo lắng giường như đã trở thành trạng thái phổ biến của những người hiện đại, công việc, các mối quan hệ, bệnh tật, tất cả mọi chuyện đều có thể khiến người ta lo lắng.
Phòng thực nghiệm tâm lý Harvard đã tiến hành một số thực nghiệm đối với lo lắng của con người. Dưới thống kê và phân tích, kết quả phát hiện: Trên 99% những lo lắng của con người là không cần thiết. Thống kê còn phát hiện, có 40% lo lắng là đến từ những chuyện trong tương lai, 30% lo lắng là đến từ những chuyện trong quá khứ, 22% lo lắng là đến từ những chuyện nhỏ không trọn vẹn trong cuộc sống, 4% đến từ những thực tế không thể thay đổi và còn lại 4% là đến từ những chuyện chúng ta đang làm.
Thực nghiệm đã chỉ ra những lo lắng của chúng ta rất ít đến từ những việc ở hiện tại, mà đều đến từ những mối lo trong tương lai, hoặc hối hận tiếc nuối những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, mà bị đắm chìm và không thể thoát ra.
Vì vậy, lo lắng vốn không phải là chuyện dành cho chúng ta, nếu những phiền não trong cuộc sống khiến chúng ta lo lắng, thì đó cũng chỉ là nhân tố bên ngoài tác động thói quen của tư duy chúng ta mà thôi.
2. Lo lắng là quan niệm của con người khi xảy ra vấn đề
Những người nổi tiếng cũng không thể thoát khỏi những nỗi lo lắng, Belikov là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Người trong bao”. Ngay cả lúc ra ngoài khi trời nóng nắng, Belikov cũng luôn mặc chiếc áo khoác dày cộp, tay mang theo một chiếc ô, tất cả mọi thứ đều nằm gọn trong một chiếc túi. Ông luôn che giấu khuôn mặt của mình trong chiếc cổ áo dựng đứng, đeo cặp kính đen, tai cũng được nhồi bông và luôn lẩm nhẩm câu: “Tuyệt đối đừng gây ra bất kỳ rắc rối nào”.
Belikov sợ phiền phức, sợ biến động, sợ nguy hiểm và luôn cảm thấy bất an rằng ai cũng đều có thể hại mình, bất kỳ sự biến đổi nào cũng đều rất đáng sợ.
Cuối cùng, Belikov tự làm bản thân tự sợ hãi đến chết.
Dazai Osamu trong cuốn tiểu thuyết ‘Thất lạc cõi người’ đã từng viết: “Kẻ nhát gan đến cả hạnh phúc cũng thấy sợ hãi, gặp phải một sợi lông tơ cũng bị thương, đôi khi còn bị chính hạnh phúc làm tổn thương”.
Con người sinh ra vốn không thích những thứ không chắc chắn, nhiều người đều muốn nắm chắc những thứ an toàn trong tay.
Ví dụ: Sự nghiệp có tiền đồ, duy trì kiếm tiền, hạnh phúc ổn định. Rất nhiều người một đời đều đi tìm kiếm những thứ này để tạo cảm giác an toàn cho bản thân. Một khi tìm không thấy hoặc bị mất thì cũng giống như mất đi điểm tựa của cuộc sống.
Có người nhìn vấn đề không theo thực tế: “Tôi nhất định phải thành công, nếu không sẽ không ai tôn trọng tôi; Tôi phải giảm cân, nếu không sẽ không có ai yêu; Tôi nhất định phải thi đỗ đại học, nếu không một đời này coi như xong rồi”…
Tuy nhiên, có những người nghĩ nhiều nhưng lại làm rất ít, cả ngày chỉ lướt Internet và đưa ra tổng kết: “Xem ra công việc này không thích mình, nhưng mình lại cũng không biết bản thân thích gì”.
Có người đau khổ, chỉ muốn biết ai không thích mình, nghị luận mình, rồi cảm thấy bất an, nghĩ trước nghĩ sau, tự vấn bản thân rốt cuộc mình đã làm gì chưa tốt?
Đây đều là vì quan niệm của người ta mà mang đến phiền phức, nó chỉ là biểu hiện sợ hãi của bản thân cản trở chúng ta với thế giới bên ngoài.
3. Lo lắng là một con quái vật, nó có thể khiến người ta sản sinh ra càng nhiều lo lắng
Ai cũng có cơ chế phòng ngự, khi bản thân cảm thấy lo lắng, bất an, chúng ta sẽ một cách không tự giác mà đi lựa chọn ngăn cản hoặc trốn tránh.
Tâm lý đề phòng bình thường có tác dụng tích cực, nhưng nếu đề phòng quá mức cần thiết, sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ thông thường, khiến trong tâm có gánh nặng mà sản sinh ra vấn đề mới.
Luôn có một vài con quái vật sống trong tâm của mỗi người chúng ta. Chúng cả ngày chỉ dằn vặt, không để nội tâm của chúng ta được yên bình. Những con quái thú này luôn phóng đại sự thật, chúng hù dọa rằng tương lai đáng sợ thế nào còn chúng ta nhỏ bé ra sao và không cách nào chống cự lại cuộc sống.
Một khi trong tâm có những con quái thú này, khi gặp vấn đề chúng ta liền lo lắng và rất dễ lùi bước: Chuyện này tôi sợ sẽ làm không tốt, tôi không xinh đẹp, tố chất kém…
Khi con người lo lắng, sẽ thường tưởng tượng ra những hậu quả phụ diện, ngày càng dẫn đến sợ hãi và bất an, cuối cùng gia tăng lo lắng.
Vì vậy, vốn dĩ không có chuyện gì, nhưng chúng ta lại rối tung lên và những con quái vật trong lòng càng hung hăng hơn: Hãy nhìn xem, tôi đã nói với bạn từ lâu, bạn xấu xí, ngu ngốc, không có khả năng và không ai yêu bạn.
Từ đó, chúng ta sẽ càng gia tăng lo lắng, phủ nhận bản thân, xem nặng ánh mắt của người khác.
Như vậy chúng ta sẽ bị những quái thú ‘lo lắng’ khống chế, luẩn quẩn trong những cảm xúc tiêu cực và ngày càng trầm trọng hơn.
4. Tinh thần và thể chất cùng bị ảnh hưởng sẽ khiến vấn đề càng thêm nghiêm trọng
Các nhà tâm lý học phát hiện, cả tâm và thân của con người là tương hỗ lẫn nhau. Khi thân thể có những phản ứng căng thẳng cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, từ đó tăng cường sự bất an trong tâm.
Do đó, sau khi một người rơi vào trạng thái lo lắng sẽ càng ngày càng lo lắng, thân thể cũng dẫn đến mắc bệnh.
Tất cả những cảm xúc lo lắng của con người từ nhẹ đến nặng được phân thành 4 tầng: Đầu tiên là thân thể căng thẳng, thường cảm thấy không thể thoải mái, đã quen với việc nhíu mày; Sau đó dễ đổ mồ hôi, choáng váng, thở gấp, luôn muốn đi vệ sinh; Sau đó sản sinh ra những lo lắng khó hiểu đối với tương lai, như những lo lắng về công việc hoặc sức khỏe; Cuối cùng phát triển thành loại cảm giác cảnh giác với tất cả những biến đổi nhỏ và ngôn hành của những người xung quanh.
Khi cảm giác lo lắng gia tăng, hoóc-môn căng thẳng trong cơ thể sẽ tăng lên, nhịp mạch và huyết áp cũng theo đó mà tăng lên, từ đó ảnh hưởng không tốt đến tim mạch.
5. Tự giải tỏa lo lắng và bước ra khỏi vòng tuần hoàn ác tính
Đối với cảm xúc lo lắng của con người, chúng ta có thể tham khảo bài thuyết giảng “Hướng dẫn sinh tồn trên cát lún” (how to survive in quick sand) của giáo sư tâm lý học Todd Kashdan thuộc Đại học George Mason, Hoa Kỳ dưới đây:
Giả thiết bạn phát hiện một người bị rơi vào hố cát lún, anh ta đang cố gắng vùng vẫy và hét lớn: “Cứu mạng, làm ơn lôi tôi ra khỏi đây”. Khi đó bạn lại không có bất kỳ dây thừng hoặc cành cây nào, bạn sẽ làm gì?
Nếu hiểu được nguyên lý của cát lún, bạn sẽ nói anh ta hãy ngừng vùng vẫy, bình tĩnh nằm xuống, thả lỏng tứ chi và mở rộng diện tiếp xúc với cát. Nếu có thể bảo trì tư thế này, thì anh ta có thể sẽ không bị cát nhấn chìm, hơn nữa còn có thể nổi lên trên mặt cát như một khúc gỗ.
Nhưng nếu vì sợ hãi mà vùng vẫy hoảng loạn hoặc cố gắng thoát khỏi cát thì trọng lượng của cả thân thể đều dồn áp lực xuống chân, khi đó anh ta sẽ bị chìm xuống cát càng lúc càng sâu hơn.
Bài thuyết giảng về “Hướng dẫn sinh tồn trên cát lún” đã cho chúng ta một bài học: Khi gặp phải vấn đề không nên cố gắng đấu tranh một cách mù quáng, điều này chỉ khiến mọi việc trở nên ngày càng tồi tệ mà thôi.
Lo lắng cũng như vậy, nó cũng giống như cát bao quanh chúng ta, càng liều mình vùng vẫy, chạy thoát, thì chỉ khiến bản thân kiệt sức, lo lắng.
Tốt hơn hết là chúng ta hãy chấp nhận lo lắng và sống hài hòa với nó. Hãy thừa nhận rằng bạn đang lo lắng, tuy nhiên đừng nhìn nhận vấn đề quá tiêu cực cũng đừng ngăn mình ra khỏi cảm xúc này, mà hãy làm gì đó để thư giãn bản thân, sau đó đưa ra giải pháp cho vấn đề.
Ngoài ra, chúng ta hãy thử cách ‘tự nói chuyện với chính mình’, đưa những cách nghĩ tiêu cực và sợ hãi ra khỏi đầu não.
Ví dụ tự hỏi bản thân rằng:
“Hậu quả của việc này có thực sự nghiêm trọng như vậy không?”
“Nếu mình thất bại rồi thì kết quả xấu nhất là gì, mình có thể chịu đựng được không?”
“Còn có cách nào để giải quyết vấn đề không?”
“Mình có thể nhờ ai giúp đỡ?”
Thông qua cách tự hỏi và trả lời có thể giúp chúng ta cải biến thói quen tư duy cũ, khiến thân thể nhẹ nhàng, thoát khỏi vòng tuần hoàn ác tính của lo lắng.
Một khi rơi vào những cảm xúc lo lắng, cần lập tức nhắc nhở bản thân, đừng để lo lắng khống chế và đề phòng cảm xúc càng ngày càng tệ hơn.
Tóm lại, hơn 70% lo lắng của chúng ta không liên quan gì đến những gì chúng ta đang làm ở hiện tại. Nhớ lại quá khứ hoặc tưởng tượng những việc của tương lai đều có thể làm gia tăng lo lắng. Vì vậy, chúng ta hãy dừng nghĩ đến những điều khiến bản thân lo lắng, phiền não, tập trung vào hiện tại thì lo lắng sẽ giảm đi được rất nhiều.
Ngọc Trân
Xem thêm:
Từ khóa quan niệm stress Tâm lý Lo lắng người trong bao