Vì sao chúng ta phải tử tế? 3 câu chuyện suy ngẫm
- Thanh Tâm
- •
Tử tế không phải là cố ý làm một điều gì đó cho người khác xem, mà là làm những việc tốt một cách hết sức tự nhiên, cũng không truy cầu được báo đáp, là để cho tâm hồn được thanh thản.
Câu chuyện 1
Vào buổi tối, tôi trò chuyện cùng một cậu bạn làm ở ngân hàng.
Anh ấy nói tuần trước có mua một quả dưa hấu ở cổng khu nhà, về nhà cắt ra thì thấy dưa có màu hồng nên nghĩ là chưa chín, bèn mang ra đòi chủ sạp đổi quả khác, dù sao thì mùa này dưa cũng không rẻ, không giống như mùa hè chỉ có mấy đồng thôi, nếu có bỏ đi thì cũng không tiếc.
Chủ sạp chẳng nói chẳng rằng, đổi ngay cho anh một quả khác. Anh này về nhà cắt ra, vẫn là màu hồng nên rất tức giận, sao lại chẳng có quả nào chín thế này và lại mang ra đòi hoàn tiền.
Chủ sạp giải thích vài câu, rồi cũng không chèo kéo nữa, cứ thế hoàn tiền. Anh ấy lại mua một quả dưa khác ở trong một siêu thị nhỏ ở khu dân cư và bảo cắt ngay tại chỗ, kết quả chẳng khác là bao, vẫn là màu hồng.
Anh ấy cảm thấy khó hiểu và hỏi, dưa hấu các người bán đều không chín thế à? Chủ siêu thị giải thích: đây là giống đặc biệt, thịt dưa có màu hồng, nhưng vẫn rất ngọt. Ông chủ vừa nói vừa lấy điện thoại ra cho anh ấy xem hình ảnh và giới thiệu về loại dưa này.
Thì ra là như vậy…
Anh ấy mang quả dưa về nhà ăn thử, quả thật là khá ngon, lúc này anh ấy mới biết là mình đã trách lầm ông chủ sạp kia rồi.
Anh ấy nhớ lại ông chủ sạp không giỏi nói chuyện, ngay cả một câu giải thích cũng không nói được, khi đó ngón tay của ông ấy đỏ ửng vì gió lạnh, anh cảm thấy rất khó chịu trong lòng, muốn trả lại tiền cho ông chủ sạp, nhưng lại cảm thấy ngại.
Anh ấy đấu tranh tâm lý một lúc rồi quyết định vẫn nên trả lại tiền cho chủ sạp, nếu không thì lòng mình sẽ cứ mãi bất an.
Sau khi tìm được ông chủ sạp và giải thích rõ tình hình để trả lại tiền cho ông ấy, ông chủ nói rằng không cần. Nhân lúc ông đang cân đồ cho khách, anh ấy trả lại thêm vài đồng cho ông ấy rồi quay người chạy đi.
Anh ấy nói mình vừa chạy vừa hát, giây phút ấy trong lòng vô cùng vui vẻ, thoải mái.
Câu chuyện 2
Tôi đến trung tâm thương mại mua quần áo, có một thương hiệu thường không tổ chức các hoạt động giảm giá mà hôm đó lại giảm 10%, tôi bèn mua một chiếc áo len mà mình rất thích.
Người bán hàng đón tiếp tôi là một cô gái trẻ, trước ngực có đeo bảng tên thực tập sinh, cô bé nói chuyện rất ngại ngùng, tôi thử xong thì nhờ cô ấy in hóa đơn, sau đó tôi đến quầy thanh toán, rồi cũng không xem kỹ mà về nhà luôn.
Tối hôm đó, con gái xem quần áo mới của tôi và hỏi bao nhiêu tiền, tôi nói giảm 10% thì con gái cầm tờ hóa đơn rồi nói, không đúng đâu mẹ, người ta thu thiếu tiền của mẹ rồi.
Tôi xem thử thì đúng thật vậy, hẳn là cô bé ấy chưa có kinh nghiệm, trong lúc bối rối đã tính nhầm rồi. Con gái tôi hỏi phải làm sao bây giờ?
Tôi nói, ngày mai mẹ sẽ đi trả cho họ. Hôm nay cô bé bán hàng ấy hẳn là thu thiếu tiền, mà còn bị cấp trên mắng nữa.
Cả buổi tối hôm đó, trong lòng tôi cứ có cảm giác áy náy vì đã gây thiệt hại cho người khác.
Ngày hôm sau đi làm, tôi đến trung tâm thương mại để trả lại tiền, người trực quầy cảm thấy rất bất ngờ, họ không nghĩ rằng tôi sẽ chủ động đến bù thêm tiền, đây cũng không phải là lỗi của tôi.
Cô bé bán hàng đưa tôi đến quầy thu ngân để nộp đủ tiền rồi nói cảm ơn tôi rất nhiều lần và đưa tôi đến cửa thang máy.
Khi bước ra khỏi trung tâm thương mại, tôi cứ có cảm giác thoải mái khó tả, tôi lên xe mà cứ như thể nhảy tung tăng vậy, chồng tôi cảm thấy kỳ lạ rồi cười nói: “Dáng vẻ của em giống như một học sinh tiểu học vừa làm được việc tốt vậy, rất thú vị.”
Chồng nói thế thì tôi mới nhận ra, tâm trạng của mình rất sảng khoái, giống như đã trút được gánh nặng vậy.
Đôi lúc, sự thiện thương hoàn toàn không phải là ân nghĩa dành cho người khác, mà là tự làm cho chính mình hạnh phúc.
Câu chuyện 3
Vài ngày trước, một tài xế taxi chở cô bé khoảng 17 tuổi, anh hỏi đi đâu thì cô bé trả lời rất mơ hồ không rõ ràng, hơn nữa tâm trạng rất xúc động, nước mắt rơi lã chã.
Tài xế an ủi cô bé thì cô không nói gì cả. Sau khi đến nơi, cô bé trả tiền cho anh tài xế rồi xuống xe. Đến khi người tài xế lấy đủ tiền để thối thì đã không thấy bóng dáng của cô bé đâu nữa.
Nhưng trong lòng anh tài xế càng lúc càng cảm thấy bất an, lo cô bé gặp phải chuyện không hay, anh bèn quay lại con đường lúc nãy để tìm, cuối cùng thì anh nhìn thấy cô bé đang đứng ngây người nhìn xuống sông.
Anh vội vàng bước đến khuyên giải thì đột nhiên cô bé nhảy xuống sông, anh lập tức nhảy theo để cứu.
Những người đứng trên bờ nghe thấy tiếng kêu cứu nên đã giúp báo cảnh sát, sau đó cùng nhau đưa cô bé lên xe cấp cứu đến bệnh viện. Có người thắc mắc rằng vì sao anh tài xế lại làm như vậy?
Thì ra là cô bé ấy cãi nhau với gia đình nên nghĩ quẩn, nếu không nhờ gặp được anh tài xế thì hậu quả sẽ rất khó lường. Khi đó anh hoàn toàn không suy nghĩ gì nhiều, chỉ cảm thấy rằng tâm trạng của cô bé này không ổn, sợ cô bé làm chuyện dại dột nên mới đi tìm. Anh nghĩ rằng nếu không đi tìm cô bé thì trong lòng anh sẽ luôn rất khó chịu, ngộ nhỡ cô bé xảy ra chuyện không may thì anh sẽ vô cùng hối tiếc.
Sự tử tế là gì? Có rất nhiều khái niệm. Khái quát thì đó là đối xử tốt với tất cả mọi người, biết đồng cảm với nỗi khổ, bao dung tha thứ cho sai lầm của người khác, có thể hiểu được sự khó khăn của một ai đó và dang rộng vòng tay đầy tình yêu thương cho họ.
Tử tế không phải là cố ý làm một điều gì đó cho người khác xem, mà là làm những việc tốt một cách hết sức tự nhiên, cũng không truy cầu được báo đáp, là để cho tâm hồn được thanh thản.
Thanh Tâm
Xem thêm:
Từ khóa lương thiện Lòng tốt Bài học cuộc sống Câu chuyện suy ngẫm Tử tế