Vì sao người Nhật “càng làm quan càng nghèo”?
- Lê Minh
- •
Gần đây có cư dân mạng thắc mắc nghe nói tại Nhật “càng làm quan thì lại càng nghèo“, vì sao lại xuất hiện tình huống này?
Thực ra, dù là làm thủ tướng tại Nhật hay làm nhà lập pháp thì đều phải thông qua bầu cử, hơn nữa bầu cử ngốn khá nhiều chi phí. Có người dựa vào tiền quyên góp, có người tự rút tiền túi. Các nhà lập pháp tại Nhật, khi tranh cử cũng phải chi trả khoảng 6,5 tỷ đến gần 9,8 tỷ VNĐ. Chi phí tranh cử thủ tướng tại Nhật còn cao hơn. Dẫu sau khi đã được làm thủ tướng hay nhà lập pháp cũng không được mưu lợi riêng, vậy nên người Nhật “càng làm quan lại càng nghèo”.
Cựu thủ tướng: Murayama Tomiichi
Thông tin người Nhật làm quan không giàu có mà chúng ta biết được, chủ yếu đến từ cuộc sống thê lương của cựu Thủ tướng Nhật Murayama Tomiichi vào những năm cuối đời. Ông là thủ tướng nhiệm kỳ thứ 81 (từ năm 1994 đến năm 1996). Sau khi về hưu, ông Murayama Tomiichi không có đủ tiền mua nhà tại Tokyo, cả gia đình 8 người về quê ở thành phố Oita, thuộc đảo Kyushu sinh sống. Nhà ông cũng không phải dinh thự có người canh gác hay có thiết bị camera an ninh. Ông thậm chí cũng không có tiền mua thuốc tốt điều trị bệnh đục thủy tinh thể cho mình, lại càng chẳng thể nói tới chuyện có tiền thuê giúp việc. Năm 91 tuổi ông vẫn lái một chiếc xe đạp cũ kỹ đi mua rau cho vợ. Năm nay khi đã 95 tuổi ông vẫn cùng người bạn đời sống một cuộc sống bần hàn, vui vẻ.
Trên thực tế, thủ tướng là quan viên cao cấp nhất tại Nhật. Ngoài địa vị không sánh được với Thiên Hoàng ra, về quyền lợi có thể nói không ai bì kịp. Một chức vị quan trọng như vậy, nhưng mức lương lại không cao.
Ví như thu nhập của Thủ tướng Nhật Abe Shinzō vào năm 2018 là 4028 vạn Yên Nhật, tương đương với khoảng 8,5 tỷ VNĐ, bình quân tiền lương mỗi tháng hơn 708 triệu VNĐ. Mức lương này so với một người bình thường mà nói cũng khá ổn, nhưng với những nhân vật tầm cỡ mà nói, chắc chắn là không cao chút nào.
Thông thường, khi thủ tướng Nhật còn tại vị, cuộc sống của họ khá tốt, có xe riêng, phủ riêng, còn có người phục vụ. Nhưng sau khi về hưu thì lại là chuyện khác.
Thông thường lương hưu của thủ tướng Nhật được chi trả một lần, và sau này sẽ không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào thêm nữa. Mức lương hưu lại căn cứ vào nhiệm kỳ đảm nhiệm dài hay ngắn, nhiệm kỳ càng dài, mức lương hưu càng nhiều.
Hiển nhiên nếu họ chỉ dựa vào chút tiền này để dưỡng già thì không đủ, mà phải dựa vào những công việc mưu sinh khác mới có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Cho nên cựu Thủ tướng Murayama Tomiichi vẫn không được tính là nghèo nhất.
Tình hình thu nhập của các nhà lập pháp tại Nhật chắc chắn không thể cao bằng thủ tướng Nhật. Nhưng so với những nhà lập pháp tại các quốc gia Âu Mỹ khác lại hậu hĩnh hơn rất nhiều, thu nhập của họ mỗi năm khoảng 2000 vạn Yên Nhật (tương đương với hơn 4,22 tỷ VNĐ).
Ngoài ra, mỗi tháng nhà lập pháp Nhật Bản còn được trợ cấp khoảng 196 triệu phí đi lại và liên lạc. Họ có thể dùng số tiền này đi tàu hỏa, đi máy bay. Đương nhiên họ cũng có thể dùng khoản tiền này vào việc khác. Rất nhiều nhà lập pháp của Nhật khi tham gia tranh cử cũng phải chi một món tiền rất lớn từ tiền riêng của mình.
Ngoài ra, mức thu nhập của viên chức nhà nước bình thường tại Nhật cũng thấp hơn rất nhiều. Thông thường thu nhập hàng năm của một viên chức nhà nước là ước chừng khoảng 655 triệu tới 982 triệu VNĐ. Mức lương như vậy mà gặp cuộc sống chi phí sinh hoạt cao tại Nhật thì cũng chỉ đủ sống.
Viên chức nhà nước tại Nhật công tư phân minh, nếu sai sót ắt sẽ phải truy cứu, nên họ có rất ít thời gian và tâm sức mưu cầu lợi riêng. Tại Nhật, dù mời viên chức ăn một bữa cơm, nhận một món quà cũng đều không được phép, vì điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải rút khỏi đội ngũ viên chức nhà nước.
Nhìn chung, viên chức nhà nước và quan viên tại Nhật phục vụ vì nhân dân, chứ không phải vì tư lợi cá nhân.
Lê Minh
Xem thêm:
Từ khóa Văn hóa Nhật Bản Con người Nhật Bản Thủ tướng Nhật Quan chức Nhật Bản