Khởi đầu với xe điện, công ty Tesla được Elon Musk và một nhóm kỹ sư tại Silicon Valley thành lập năm 2003 và năm năm sau, họ phát hành mô hình xe điện đầu tiên của mình. Kể từ đó, Elon Musk đã không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, lấn sang cả lĩnh vực công nghệ tự động, năng lượng mặt trời và ngành không gian vũ trụ. Dưới đây là 6 cách mà Elon Musk đang thay đổi tất cả mọi thứ.

Sản xuất xe điện ngày càng tốt hơn

Nhắc đến Tesla, điều đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến chính là xe điện. Mẫu xe đầu tiên của hãng khi trình làng, Tesla Roadster có thể đi hơn 320 km mỗi lần sạc và cũng là mẫu xe hợp pháp đầu tiên dùng pin lõi lithium-ion.

Embed from Getty Images

Tiếp đó, Model S của Tesla là mẫu xe sedan điện đầu tiên, nó nhanh chóng trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất trên thế giới trong năm 2015 và 2016. Mẫu Model 3 cũng kỳ vọng sẽ sản xuất được nhiều hơn, bởi đã có hàng trăm nghìn đơn đặt hàng trong thời gian ngắn sau khi công bố.

Không chỉ nổi trội về hiệu suất bán hàng, phạm vi lái xe và thời gian sạc, Tesla còn vượt trội các đối tác phát triển xe chạy xăng ở một số phương diện khác. Mới gần đây, Model S P100D đã tạo được điểm khác biệt về tăng tốc nhanh nhất, có thể tăng tốc từ 0-97 km h (0-60 mph) chỉ trong 2,28 giây.

Không những thế, các trạm sạc điện của Tesla cũng tốt hơn đối thủ cạnh tranh. Mạng sạc Supercharger của công ty này có hơn 5.000 trạm sạc điện nhanh nhất thế giới, mỗi trụ có thể sạc đầy 1 xe Tesla trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Điều này giúp cho các xe của Tesla có thể quay trở lại hành trình nhanh hơn bất kỳ mẫu xe điện nào khác.

Các trạm sạc điện của Tesla tại Mỹ. (Ảnh: Electrek)
Các trạm sạc điện của Tesla tại Mỹ. (Ảnh: Electrek)

Chưa hết, một số trạm Supercharger có lớp mái gắn nhiều tấm pin quang điện để tạo ra một phần lượng điện dùng cho xe, và Tesla đang muốn cấp điện cho tất cả các trạm này chỉ với năng lượng mặt trời. Hãng thậm chí còn có tham vọng triển khai các trạm sạc battery-swapping. Tại đây, lái xe có thể lấy một cục pin đã được sạc đầy gắn vào xe rồi tiếp tục di chuyển, còn pin cũ thì sẽ được sạc dần dần. Toàn bộ quá trình thay pin này chỉ mất khoảng 90 giây!

Phát triển công nghệ xe tự động

Theo số liệu thống kê, có khoảng 94% các vụ tai nạn xe hơi dẫn đến hàng nghìn ca tử vong mỗi năm là do lỗi của con người gây ra. Để có thể loại bỏ bớt những nguy cơ tiềm ẩn này, Tesla đã phát triển công nghệ xe tự lái Autopilot nhằm hỗ trợ lái xe tốt hơn.

Kể từ năm 2014, Autopilot đã được tích hợp như một tính năng tiêu chuẩn vào tất cả các mẫu xe của Tesla. Tính năng này đã đạt tiêu chuẩn về xe tự lái ở cấp độ 2 của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ NHTSA. Hiện tại, Tesla đang tiến hành thử nghiệm tính năng tự động ở cấp độ 3, 4 và tiến tới cấp độ 5 (hoàn toàn tự động) vào cuối năm 2017.

Năm 2015, tính năng tự duy trì làn đường Autosteer, một phần nhỏ trong Autopilot, được cập nhật cho xe Tesla. Tính năng này có thể giúp xe Tesla duy trì làn đường ngay cả ở đoạn cua. Nhờ vậy mà, “tỷ lệ tai nạn của xe Tesla đã giảm tới 40%”, theo báo cáo mới của Cục An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA).

Tiến xa hơn trong việc ứng dụng năng lượng mặt trời

Năm ngoái, Tesla đã đầu tư 2 tỷ USD thâu tóm công ty SolarCity và dự định sẽ vươn xa hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Elon Musk đã giới thiệu một vài mẫu sản phẩm năng lượng mặt trời vào cuối tháng 10/2016, chẳng hạn như mái ngói năng lượng mặt trời có ngoại hình giống như mái ngói bình thường, nhưng có chứa những viên pin mặt trời ở bên trong. Các pin thu điện mặt trời sử dụng cho mái nhà loại này do Tesla và Panasonic sản xuất tại một nhà máy ở Buffalo, New York, Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người sử dụng, Tesla cũng đưa ra 4 lựa chọn hoa văn để phù hợp với những phong cách kiến trúc khác nhau.

Đáng chú ý là giá thành sản phẩm này rẻ hơn hẳn các sản phẩm năng lượng mặt trời hiện có trên thị trường cũng như ngói lợp truyền thống. Đây hẳn là một bước đột phá thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mái lợp tận dụng năng lượng mặt trời.

Ngoài ra, Tesla còn trình làng các loại pin lưu trữ hữu dụng và ngày càng ưu việt hơn. Chẳng hạn như hồi tháng cuối năm 2016, công ty này tung ra thế hệ Powerwall 2.0 có thể dự trữ năng lượng tới 13,5 kWh và cung cấp điện với công suất 5 kWh, thậm chí còn có thể tăng lên tối đa 7 kWh. Thiết bị có mức giá $5500, bao gồm cả bộ inverter. So với phiên bản 6.4 kWh đầu tiên ra mắt, Powerwall 2.0 có năng lượng gấp đôi và lượng dự trữ cũng gấp đôi.

Xây dựng nhà máy điện lớn nhất thế giới

Một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển của Tesla đó là Gigafactory, một nhà máy khổng lồ đang được xây dựng ở bang Nevada, Mỹ. Tại đây, Tesla dự tính sẽ sản xuất pin Li-ion dành cho các dòng xe của mình cũng như sản xuất giải pháp lưu trữ điện dùng cho hộ gia đình.

tesla-gigafactory-2
(Ảnh: Tesla)

Dự kiến, khi toàn bộ nhà máy được xây dựng xong và có thể đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành tòa nhà có diện tích lớn nhất trên thế giới. Toàn bộ mái của các nhà xưởng đều sẽ được lợp tấm năng lượng Mặt Trời. Gigafactory sẽ dùng chính năng lượng mình tạo ra để sử dụng cho quá trình sản xuất.

Dự kiến, Gigafactory sẽ hoàn thành vào năm 2020 (tuy nhiên việc sản xuất pin sẽ bắt đầu ngay từ năm 2017). Tesla ước tính sản lượng của Gigafactory vào năm 2020 sẽ là một số lượng cell tương ứng với 35 gigawatt giờ điện, hay 50 GWh/năm nếu quy đổi sang các gói pin thành phẩm. Để vận hành nhà máy cần 6.500 người và nguồn cung pin sẽ đủ cho khoảng 500.000 chiếc Tesla mỗi năm.

Tesla cũng tuyên bố: “Tới 2018, Gigafactory sẽ đạt đầy đủ năng lực sản xuất và có thể đạt sản lượng pin hàng năm nhiều hơn cả sản lượng toàn cầu năm 2013.” Gigafactory còn kỳ vọng giảm giá thành của những viên pin, tạo điều kiện phổ cập loại hình năng lượng này tới nhiều người hơn.

Tái sử dụng tên lửa Falcon 9 và giấc mơ đưa con người đến sao Hỏa

Không chỉ nhiều lần phóng thành công tên lửa vào vũ trụ, Elon Musk còn đánh một dấu mốc lịch sử quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ khi Space X phóng tên lửa đẩy Falcon 9 đã qua sử dụng và hạ cánh thành công trên bệ đáp “Of Course I Still Love You”.

Cụ thể, Space X đã phóng một chiếc tên lửa Falcon 9 dài khoảng 70m vào lúc khoảng 5h30 sáng 30 tháng 3 (theo giờ Việt Nam) từ bãi phóng Pad 39A nằm trong trung tâm vũ trụ Kenedy. Tên lửa được phóng đi này chính là tầng đầu gồm 9 động cơ (còn gọi là bộ phận đẩy) của chiếc tên lửa lớn nhất và đắt nhất đã từng được sử dụng trong vụ phóng tàu vũ trụ không người lái Dragon ngày 8/4/2016 thực hiện nhiệm vụ chở hàng lên trạm không gian quốc tế ISS.

Sự kiện này sẽ mở ra một trang mới, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể cho ngành du hành vũ trụ. Trước đó, NASA cũng đã từng thử nghiệm nhiều dự án tên lửa vũ trụ và tàu con thoi đã qua sử dụng nhưng đều thất bại.

Theo SpaceX, khi tái sử dụng những tên lửa đẩy, chi phí cho một lần phóng có thể giảm đến 30%, từ 60 triệu USD xuống còn 40 triệu USD. Và một chiếc tên lửa Falcon 9 có thể được sử dụng lại khoảng 10 – 20 lần. Thành công này của Space X sẽ giúp họ tiến xa hơn nữa trong các dự án du hành vũ trụ, có thể kể đến như kế hoạch đưa hành khách lên thăm Mặt trăng, hay xa hơn nữa là đưa con người định cư lên sao Hỏa.

Phủ sóng Internet toàn cầu

Hiểu được lợi thế của Internet trên thế giới hiện nay, Elon Musk còn có tham vọng sẽ phủ sóng Internet toàn cầu.

SpaceX đã xin phép phóng hơn 4.400 vệ tinh lên để hiện thực điều này, trong đó sẽ có khoảng 1.600 vệ tinh lên quỹ đạo thấp, và khoảng 2.852 vệ tinh nữa tại một vị trí cao hơn. Với 800 vệ tinh trên không đầu tiên, SpaceX sẽ có thể cung cấp được dịch vụ Internet băng thông rộng cho nước Mỹ và nhiều nước khác. Khi đến giai đoạn hoàn thiện, hệ thống vệ tinh này có thể cung cấp Internet tốc độ cao hoặc thấp cho người sử dụng có nhu cầu khác nhau trên toàn thế giới.

Minh Ngọc (T/H)

Xem thêm: