Camera trí tuệ nhân tạo cho phép “nhìn” xuyên tường
- Thanh Sơn
- •
“Các nhà nghiên cứu tại học viện Massachusetts (MIT) và Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Laboratory – CSAIL) đã phát triển một công nghệ mới tên là “RF-Pose”, giúp bạn có thể “nhìn xuyên qua tường”. Cụ thể, nó có thể xác định được danh tính và hành động của một người dù tầm nhìn bị che chắn bởi bức tường.
Công nghệ này được tích hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), và có thể cung cấp thông tin chính xác đến 83% trong việc nhận dạng một người, dù người đó đang đứng hoặc ngồi, đi bộ, vẫy tay hay di chuyển với tốc độ nhanh bao nhiêu.
Dù điều này nghe có vẻ đáng ngại trong tình hình thiếu bảo mật thông tin như hiện nay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu MIT cho rằng ứng dụng này sẽ mang lại hữu ích trong nhiều lĩnh vực, như thực thi pháp luật và chăm sóc sức khỏe, theo lời người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Dina Katabi trả lời đài NBC News.
“Chúng tôi đã thấy rằng việc theo dõi các hoạt động cơ bản và tốc độ đi bộ của bệnh nhân có thể giúp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm việc tốt hơn, và phát hiện sớm nhiều căn bệnh.” Cụ thể, với công nghệ này, người thân có thể theo dõi người lớn tuổi và phản ứng ngay nếu họ bị té ngã, hoặc qua dáng đi mà phát hiện các dấu hiệu của bệnh Parkinson, hay dùng trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn, theo mô tả của tờ MIT News.
Ngoài dịch vụ y tế, công nghệ này còn có thể được dùng trong ngành an ninh và quân sự.
Theo Dina Katabi: “Vào khoảng 2013, chúng tôi đã có thể theo dõi người ta một cách chính xác. Điều mới lạ ở công nghệ này, lần đầu tiên, chúng tôi có thể tạo nên một khung xương chuyển động mô phỏng chính xác tư thế và cách họ đang di chuyển.” Cô tiếp tục: “Giả sử cảnh sát cần một thiết bị để quan sát những gì đang xảy ra đằng sau bức tường. Việc biết được một người đang đứng trong tư thế nào, có cầm súng hay không là điều rất quan trọng.” Trong tương lai, binh lính có thể được trang bị cặp mắt kính thực tế ảo (augmented reality goggles) để “thấy được” kẻ địch đang ẩn trốn.
>> Công nghệ thực tế ảo có thể thao túng bạn như thế nào?
Công nghệ này sử dụng các máy phát sóng vô tuyến (radio transmitters), chiếu vào cơ thể người và Ai sẽ chuyển thành các hình người que (stick figure) trên màn hình. Công nghệ này có thể được đào tạo nhằm tăng khả năng nhận diện bằng cách sử dụng các bức ảnh chụp người thật.
Các nhà nghiên cứu MIT đã thu thập hàng ngàn hình ảnh của những người đang thực hiện tất cả các loại hoạt động. Sau đó, họ sử dụng một thiết bị không dây và máy ảnh để đào tạo AI. Cuối cùng, nó có thể đoán được chuyển động của một ai đó mà không nhờ vào máy ảnh, chỉ bằng cách xử lý các đường truyền vô tuyến được phản chiếu lại từ cơ thể người đó. Hệ thống này có thể theo dõi nhiều người cùng một lúc, và thậm chí có thể hoạt động vào ban đêm, chỉ với các tín hiệu không dây.
Hiện nay, rào cản lớn nhất là công nghệ này là nó không thể hoạt động xuyên qua các bức tường dày. Ngoài ra, việc bảo vệ sự riêng tư của người dân cũng là vấn đề đang được cân nhắc. Ginés Hidalgo, một nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Nếu chiếc máy ảnh này có thể được giấu ở đằng sau hoặc bên trong bất kỳ vật thể nào, có thể tôi sẽ không bao giờ biết được mình đang bị theo dõi.”
>> TQ đặt một chân lên thiên đường trong “1984” của George Orwell
Mặt khác, các nhà nghiên cứu nói rằng khi công nghệ này được cài đặt để quan sát ai đó, phải được sự đồng ý của họ. Sau đó, máy quay sẽ ghi nhận lại các chuỗi chuyển động của người đó làm cơ sở để AI nhận diện tính đặc thù trong cử động của họ.
Trong tương lai, công nghệ này có thể phát triển để có khả năng phát hiện được những cử động siêu nhỏ (micromovements), như bàn tay của người già đang bị run, một dấu hiệu phổ biến của bệnh Parkinson, để bác sĩ có thể điều trị kịp thời.
Video về công nghệ trí tuệ nhân tạo mới này: